Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

"Vitamin sách” cho mùa dịch

Thứ Tư 02/06/2021 | 11:14 GMT+7

VHO- Chưa bao giờ dòng sách sức khỏe lại “nở rộ” mạnh mẽ đến thế với số lượng đầu sách phong phú, phục vụ nhiều đối tượng độc giả. Mỗi cuốn sách đều được “đại chúng hóa” nhằm giúp người dân tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe giữa lúc cả nước đang “gồng mình” chống dịch.

 Đọc “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể”, độc giả sẽ cảm nhận được những câu chuyện nhân văn đầy tình người nơi tuyến đầu

Suốt hai năm Covid-19 “hoành hành”, Hội sách quốc gia đã phải tổ chức dưới hình thức trực tuyến nhưng không vì thế mà thị trường sách Việt Nam bị giảm nhiệt.

“Săn lùng” sách sức khỏe

Sau hơn 1 tháng tổ chức, Hội sách trực tuyến quốc gia 2021 trên sàn điện tử book365.vn đã cung cấp cho bạn đọc tới 40.000 cuốn sách, tăng gấp 3 lần so với năm 2020 (13.000 cuốn); gần 6 triệu lượt độc giả truy cập (năm 2020 là 2 triệu lượt). BTC cho biết, người mua thường quan tâm đề tài cung cấp tri thức như Chuyển đổi số đến cốt lõi, Cẩm nang chuyển đổi số, 3 phút sơ cứu, Quốc gia khởi nghiệp, bộ Nhân tố Enzyme… Ngoài ra, các cuốn văn học kinh điển như Truyện cổ Andersen, Truyện cổ Grimm, Những tấm lòng cao cả, Góc sân và khoảng trời… cũng lọt top bán chạy tại Hội sách trực tuyến lần này. Đáng chú ý là những cuốn sách có nội dung chăm sóc, bảo vệ sức khỏe được độc giả “săn lùng” ráo riết. Covid-19 giống như một chất xúc tác để kích cầu bạn đọc cũng như khơi nguồn cảm hứng viết lách của nhiều tác giả về chủ đề đại dịch. Bên cạnh những cuốn được dịch từ nước ngoài như Vũ Hán - Nhật ký phong thành (Trung Quốc), Nhật ký cứu trợ Vũ Hán (Trung Quốc), bộ Nhân tố Enzyme (Nhật Bản)… những ấn phẩm 100% “made in” Việt Nam cũng làm phong phú thêm tủ sách mùa dịch.

Vốn dĩ sách y khoa luôn được cho là khô khan và chỉ dành cho một lượng độc giả nhất định, thì nay mọi thứ đã khác. Thông điệp của các cuốn sách đều được truyền tải một cách hóm hỉnh, hài hước nên ngay cả đề tài “khó nuốt” này cũng dễ dàng chinh phục người đọc, nhất là bạn đọc trẻ. Đáng chú ý là bộ 3 đầu sách của bác sĩ Ngô Đức Hùng được rất nhiều độc giả quan tâm. Ngoài 2 cuốn Để yên cho bác sĩ “hiền” Ba phút sơ cứu đã liên tục tái bản thì cuốn sách mới nhất - Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể cũng “cháy hàng” nhanh chóng. Ngay ngày đầu phát hành, 4.000 cuốn Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể đã được đặt mua. Trong đó, số tiền của 1.500 cuốn sẽ được bác sĩ Ngô Đức Hùng dùng để gây Quỹ “3 phút sơ cứu”, cụ thể là dùng để mua đồ bảo hộ cho nhân viên y tế phòng, chống dịch và làm các chương trình y học cộng đồng.

Có thể thấy, dịch Covid không chỉ thay đổi cách làm việc, học tập… mà nó còn tạo sự biến chuyển trong văn hóa đọc của người Việt. Không chỉ là trang bị kiến thức, đọc sách còn là “liều thuốc” tinh thần vô cùng hữu ích, giúp mọi người thêm vững tin hơn vào công cuộc chống dịch của nước nhà nói riêng và toàn thế giới nói chung. Chính vì thế, thời gian qua, nhiều tổ chức cũng đã gửi tặng những cuốn sách có giá trị, ý nghĩa đến với đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch cùng các khu cách ly tập trung, để lan tỏa những “liều thuốc” tinh thần đến với nhiều người hơn.

“Thổi” hy vọng vào những trang sách

Mang tâm thế của một người trong cuộc - viết từ trong tâm dịch, đó là lần Bệnh viện Bạch Mai, nơi bác sĩ Hùng đang làm việc bị phong tỏa; đó cũng là lần anh được phân công tới Bệnh viện dã chiến số 2 trong đợt Hải Dương bùng phát dịch đầu năm 2021 và hiện tại là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 - Hà Nam, nơi đang điều trị cho cả trăm lượt bệnh nhân Covid-19 của làn sóng dịch thứ 4 này, bằng cái nhìn đầy thực tế, thương cảm nhưng không bi lụy cùng ngòi bút hài hước, châm biếm, bác sĩ Hùng đã “thổi” vào cuốn sách một tinh thần tích cực và tràn đầy hy vọng trước những khó khăn chồng chất và cả những hố sâu dư luận cực đoan của một bộ phận cộng đồng thiếu thông tin, thiếu đồng cảm và thiếu hiểu biết.

Trong 20 trang đầu tiên của Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể, tác giả đưa ra những thông tin ngắn gọn giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về dịch bệnh. Là nhật ký nên cấu trúc sách sắp xếp theo trình tự thời gian, nhưng đó không phải là thời gian theo vòng tuần hoàn của trời đất, mà là mốc thời gian của mùa dịch: Năm Covid-19 thứ nhất; Khoảng thời gian bình yên; Năm Covid-19 thứ hai; Làn sóng thứ ba… Trong những mốc thời gian ấy, bác sĩ Ngô Đức Hùng kể những câu chuyện ít được chia sẻ về dịch bệnh, về bệnh nhân, về thái độ, cách ứng xử của cá nhân và cộng đồng... Bên cạnh đó, những câu chuyện hết sức riêng tư của bác sĩ nơi bệnh viện dã chiến cũng được ghi lại. Tác giả kể về nỗi khổ khi mùa nóng vẫn khoác lên mình bộ đồ bảo hộ mà anh gọi vui là trang phục của người nuôi ong; tác giả cũng kể về nỗi lo, sự ám ảnh chính mình có thể trở thành F0 khi tiếp xúc với bệnh nhân. Khó khăn là thế, căng thẳng là thế nhưng đọc Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể, độc giả lại nhìn nhận về đại dịch với tâm thế hiểu biết hơn, bớt lo lắng hơn và cảm nhận được những câu chuyện nhân văn đầy tình người nơi tuyến đầu...

“Sau mỗi đợt dịch bệnh, trở về ngôi nhà ngồi bên cây đàn cũ. Mỗi ngày đi trên con đường quen thuộc, nhìn ngắm thiên hạ cãi nhau, yêu và sống… Được làm người bình thường mỗi cuối tuần thảnh thơi uống cốc cà phê, đọc vài trang sách, không cần công danh lịch sử ghi nhận gì. Những điều lớn lao xin dừng lại ngoài cửa, đó cũng là điều bình thường nhỏ bé mình mong muốn thực hiện được với cuộc đời này”, Ngô Đức Hùng trải lòng về những khoảng nghỉ của mình một cách đơn giản, nhẹ nhàng khiến người đọc càng thêm trân trọng ngày tháng bình yên.

Không chỉ Để yên cho bác sĩ “hiền”, Ba phút sơ cứu hay Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể, mà còn là Đi qua hai mùa dịch (Dy Khoa); Những ngày cách ly (Bùi Quang Thắng); Đại dịch tim không đập thình thịch (bác sĩ Trương Hữu Khanh)… những cuốn sách về sức khỏe được ví như một loại “vitamin” hữu ích mà mọi người cần được “tẩm bổ” mọi lúc mọi nơi. Hơn thế nữa, nó còn bức tranh toàn cảnh kể về những ngày gian khổ nhưng dũng cảm và kiên cường của người dân Việt Nam khi đối đầu với “giặc” Covid. 

 HỒNG HẠNH

 (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top