Thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19.

Quyết định nêu rõ: Thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam (Quỹ) để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. 

Thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 - Anh 1

Nhiều công ty, tập đoàn đã ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19

Quỹ do Bộ Tài chính quản lý. Tên giao dịch tiếng Anh của Quỹ: Vietnam Fund for Vacination Prevention of Coronavirus Disease 2019 (viết tắt là VFVC).
Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính, hiện vật của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

Bộ máy quản lý Quỹ sử dụng cán bộ, công chức của Bộ Tài chính, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ do ngân sách nhà nước chi trả, không sử dụng từ nguồn thu của Quỹ. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng. Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ nhưng phải đảm bảo an toàn.

Quỹ tiếp nhận các nguồn hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu, sản xuất vắc xin. Quỹ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ để hỗ trợ, tài trợ hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 theo quy định.

Nguồn thu của Quỹ bao gồm: Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin, các loại hình vật chất khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Quỹ; các nguồn vốn hợp pháp khác. Nhiệm vụ chi của Quỹ là sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chi từ Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 theo quy định. Bộ Tài chính xuất Quỹ để chi theo nội dung Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và căn cứ hồ sơ đề nghị của Bộ Y tế.

 

Bộ Y tế tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng và 5 triệu liều vắc xin cho Quỹ mua vắc xin phòng Covid-19

GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, để thực hiện những chiến lược tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 nhanh nhất, bao phủ rộng nhất, yếu tố rất quan trọng là cần nguồn tài chính đảm bảo, do đó việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng góp tài chính cho Quỹ vắc xin là rất cần thiết. Mục tiêu của Việt Nam không những đảm bảo vắc xin tiêm chủng trong năm 2021 mà còn những năm tiếp theo. Do đó theo sáng kiến của Thủ tướng, chúng ta thành lập Quỹ vắc xin để đảm bảo cơ chế tài chính trong tiếp cận vắc xin, để người dân Việt Nam đều được tiếp cận vắc xin.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vắc xin và đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vắc xin cho toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Như vậy, cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, tuy nhiên nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.

Ngày 25.5, thông qua Bộ Y tế, đại diện 8 doanh nghiệp, tập đoàn đã trao 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho công tác phòng, chống dịch. Cụ thể: Tập đoàn T&T Group hỗ trợ 1 triệu liều vắc xin; Công ty Cổ phần tập đoàn Ecopark hỗ trợ 1 triệu USD; Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ 50 tỷ đồng; Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hỗ trợ 10 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBANK hỗ trợ 10 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Phenikaa hỗ trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng SHB hỗ trợ 15 tỷ đồng; tập đoàn An Phát Holdings hỗ trợ 20 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 21.5.2021, Bộ Y tế đã tiếp nhận hỗ trợ 160 tỷ đồng và 4 triệu liều vắc xin phòng Civud-19 từ ngành ngân hàng, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sovico Group và HDBank. Cụ thể 4 ngân hàng gồm: Vietcombank , Viettinbank, BIDV, Agribank đã trao tặng 100 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 25 tỷ đồng) vào Quỹ mua vắc xin phòng Covid-19.

HDBank thay mặt cho Tập đoàn Sovico Group và toàn thể cán bộ, viên chức của Ngân hàng HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng vào Quỹ mua vắc xin. Còn Tập đoàn Vingroup trao tặng 4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc