Tò He – Món quà tuổi thơ thương nhớ

VHO- Nằm cách trung tâm Hà Nội gần 30km, làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) từ lâu đã nổi tiếng làng nghề tò he duy nhất ở Việt Nam. Đối với những người dân trong làng, đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Tò He – Món quà tuổi thơ thương nhớ - Anh 1

Có những thời điểm, trước sức ép từ các loại đồ chơi ngoại nhập, nghề làm Tò He phần nào bị mai một. Tuy nhiên, nhờ niềm đam mê với những khối bột, tinh thần gìn giữ và phát huy những thành quả lao động sáng tạo của cha ông, những giá trị văn hóa dân gian của dân tộc, người dân làng nghề Xuân La đã và đang gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Có thể nói, đây là ngôi làng duy nhất ở Hà Nội cho đến nay lưu giữ được nét đẹp của nghề tò he truyền thống.

Tò He – Món quà tuổi thơ thương nhớ - Anh 2

Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo có trộng ít nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, 1 phần nếp trộn đều, ngâm nước rồi đen xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó người ta  năm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng. Bột có bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen và xanh. Được tạo ra với nhiều hình dáng thú vị khác nhau như: công, gà, trâu, cá,… vừa để chơi, vừa có thể ăn luôn nếu thích.

Tò He – Món quà tuổi thơ thương nhớ - Anh 3

Tò He – Món quà tuổi thơ thương nhớ - Anh 4

Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn bằng ống tre khi thổi phát ra âm thanh “tò te” vui tai. Đây cũng là lúc tò he được đọc chệch từ “tò te” ra đời, để rồi tò he từ nông thôn lên thành phố, trở thành món đồ chơi truyền tay nhau của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.

Tò He – Món quà tuổi thơ thương nhớ - Anh 5

Vào mỗi ngày hội của làng, tại làng Xuân La đều có cuộc thi tay nghề nặn tò he cho các nghệ nhân. Bên cạnh đó, còn có câu lạc bộ nặn tò he được thành lập trong làng để khi có cơ hội có thể biểu diễn, giao lưu văn hóa với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… Không chỉ lan tỏa khắp nơi trên cả nước, sắc màu tò he còn từng bước mang văn hóa dân tộc vươn tới thế giới.

Tò He – Món quà tuổi thơ thương nhớ - Anh 6

Tò He – Món quà tuổi thơ thương nhớ - Anh 7

Hầu như trong làng nhà nào cũng có người biết nặn tò he, bởi nét văn hóa độc đáo này đã ngấm vào đất, vào nước Xuân La, ăn cả vào máu của người dân Xuân La. Ông Đào Văn Lũy, nghệ nhân tò he đời thứ 6 trong gia đình có truyền thống gắn bó với nghề này chia sẻ: “Làng nghề tò he Xuân La được hình thành đã hơn 300 năm nay, và nhiệm vụ của thế hệ đi sau như chúng tôi và cả con cháu sau này là gìn giữ, phát huy và nâng niu những giá trị tinh thần to lớn mà cha ông đã để lại. Hiện nay, câu lạc bộ Tò He với hơn 100 hội viên của làng chúng tôi vẫn thường xuyên sinh hoạt, truyền cho nhau những kinh nghiệm vốn có của riêng mình, để góp phần phát triển và quảng bá rộng hơn nữa nét tinh hoa của nghề truyền thống đặc sắc này”.

Tò He – Món quà tuổi thơ thương nhớ - Anh 8

Người Xuân La không chỉ coi tò he là một nghề mưu sinh hay một món đồ chơi dân gian truyền thống nữa, mà quan niệm ẩn giấu bên trong là những giá trị sâu sắc về cuộc sống. Từng bước sáng tạo trong việc nặn tò he hướng chúng ta đến cái chân, thiện, mỹ. Qua đó, con người học được tính cần cù, sự tinh tế, sắc sảo và biết nâng niu hơn nữa những hạt ngọc của đất, biết yêu thương và quý trọng những giá trị cuộc sống.

Tò He – Món quà tuổi thơ thương nhớ - Anh 9

Tò he như khúc đồng dao thương nhớ, như một phần không thể thiếu của tuổi thơ nhiều người, nhiều miền quê Việt Nam có sức bền riêng, rất khó mai một… Là thức quà yêu thương gắn bó với tuổi thơ của nhiều người và ở trong những câu đồng dao mẹ thường hay kể:  “Tò he cô bán mấy đồng/Tôi mua một cái cho chồng tôi chơi/ Chồng tôi đánh vỡ đánh rơi/ Tôi mua cái nữa tôi chơi một mình”.

VŨ MỪNG - HÀN THỦY

Ý kiến bạn đọc