Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới báo chí thế giới

Thứ Bảy 19/06/2021 | 11:52 GMT+7

VHO- Thật khó để tìm thấy ngành hoặc nghề nào không bị tác động bởi đại dịch Covid-19 bằng cách này hay cách khác. Ngành tin tức cũng không ngoại lệ. Những ngày/tuần/ tháng đầu tiên của đại dịch, cơn khát tin tức thúc đẩy lượng truy cập lớn vào các trang tin tức, đăng ký thành viên với báo chí hoặc tăng lượt theo dõi tin tức trên truyền hình. Nhưng liệu những điều đó có thể bù đắp để ngăn chặn việc cắt giảm nhân sự hoặc các nhà quảng cáo giảm đột ngột không?

Truyền thông quốc tế tác nghiệp bên ngoài Bệnh viện St Thomas ở trung tâm London tháng 4.2020. Một số đeo khẩu trang để phòng ngừa Covid-19. Ảnh: AFP

 Ảnh hưởng không đồng đều

Tìm hiểu về tác động của Covid-19 đối với ngành báo chí, Khảo sát truyền thông năm 2020 của Business Wire đã khảo sát hàng nghìn nhà báo trên thế giới về cách đại dịch ảnh hưởng đến công việc và nghề nghiệp của họ.

"Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tòa soạn của bạn như thế nào?" trong cuộc khảo sát là câu hỏi có nhiều câu trả lời nhất, theo Matt Allinson, Giám đốc Truyền thông toàn cầu của Business Wire - cho biết vào tháng 4 năm nay.

Tuy nhiên, những câu trả lời không làm rõ được ảnh hưởng của đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra với ngành tin tức. Với một số cơ quan báo chí, đại dịch là cơ hội tăng trưởng, tạo ra lượng độc giả/người xem mới và doanh thu quảng cáo. Đối với những hãng tin khác, đại dịch dẫn tới thu hẹp hoặc phá sản vì các ngành công nghiệp khác đang chậm lại hoặc ngừng hoạt động nên có ít tin tức và có ít quảng cáo. Và với một số đơn vị chỉ đơn giản là hòa vốn.

"Chúng tôi đã mất một số hội nghị thượng đỉnh và triển lãm thương mại có giá trị cho các ý tưởng bài viết. Một số chuyển sang tổ chức trực tuyến, điều không được xem là tốt lắm" - một nhà báo tham gia khảo sát cho hay. "Chúng tôi có ít tin tức khi nhiều ngành công nghiệp đóng cửa và/hoặc giảm giờ làm việc" - một nhà báo khác tiết lộ. Một người khác cho biết: "Chúng tôi đã ngừng tiếp nhận các cộng tác viên".

"Chúng tôi thực hiện hơn 300 bài đánh giá thực tế về sản phẩm mới mỗi năm (cùng với nhiều công việc khác) và tốc độ giới thiệu sản phẩm mới đang giảm dần, khiến nhiệm vụ tìm đủ số lượng cũng trở nên khó khăn hơn" - một nhà báo trả lời câu hỏi khảo sát của Business Wire.

"Rất nhiều phiền nhiễu và gián đoạn chung và rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận mọi người" - chia sẻ của một nhà báo về tác động của đại dịch tới việc tác nghiệp. Trong khi đó, với một nhà báo khác, lượng công việc cũng nhiều hơn và đồng nghiệp ít đi: "Bây giờ tôi là một nhóm biên tập một người". Cũng có nhà báo cho biết: "Tôi có nhiều độc giả hơn và thêm công việc".

Khảo sát của Business Wire chỉ ra, 37% nhà báo toàn cầu được khảo sát nhận định nhu cầu tin tức/lượng truy cập trực tuyến tăng vọt trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, 56% thừa nhận doanh thu của tòa soạn bị giảm hoặc thua lỗ. Có 27% nhà báo được hỏi xác nhận tòa soạn cho họ nghỉ phép hoặc tạm nghỉ với 21% nhấn mạnh động thái này là do tòa soạn thiếu nguồn lực.

David Nelson, biên tập viên của trang điện tử Kitsap Sun ở Bremerton, Washington, Mỹ, - chia sẻ về đại dịch ảnh hưởng đến lượt theo dõi. “Chúng tôi biết được cơn khát của công chúng là gì khi có thứ gì đó lớn như thế này. Tin tức nóng hổi luôn quan trọng với chúng tôi... nhưng chúng tôi chưa từng trải qua một tin tức nào như thế này trước đây. Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 (năm 2020)... chúng tôi chưa bao giờ thấy số lượng độc giả như chúng tôi có trong vài tháng đó" - ông nói.

Khi được hỏi gần đây lượng độc giả có tiếp tục tăng lên hay liệu họ có trở lại mức trung bình hơn sau đại dịch hay không, Nelson giải thích rằng hiện tại lượng độc giả thực sự thấp hơn so với khi Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Biên tập viên Nelson cũng lưu ý, trang của ông ghi nhận tăng mạnh về đăng ký kỹ thuật số từ tháng 4.2020 đến tháng 9.2020 sau đó giảm bớt. Lượng đăng ký tiếp tục tăng vào đầu năm 2021 nhưng không thể xác định chắc chắn hoàn toàn liên quan đến Covid-19 hay không.

Trên toàn cầu, ảnh hưởng của virus với ngành báo chí cũng không đồng đều. Báo chí của Châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề. Mạng phát thanh độc lập của Nigeria Dandal Kura International nổi tiếng khi đứng ra chống lại Boko Haram năm 2016/2017 hiện có doanh thu quảng cáo cạn kiệt và đang gặp khó khăn nghiêm trọng.

Tại Vương quốc Anh, Guardian Media Group đã cắt giảm hơn 180 việc làm để giảm chi phí. Tại Mỹ, một số hãng tin có ​​lưu lượng truy cập tăng đột biến. Hiệp hội thương mại toàn cầu FIPP báo cáo, Tribune Publishing có doanh số đăng ký kỹ thuật số tăng 293% vào tháng 3.2020. Lưu lượng truy cập cũng tăng 150% tại San Francisco Chronicle, 120% tại Seattle Times và 100% tại Boston Globe vào đầu đại dịch.

Theo Lucinda Southern của Digiday, đường cong trong tăng trưởng đăng ký đọc thường kỳ bắt đầu bằng phẳng vào cuối tháng 5.2020 nhưng các hãng tin như Bloomberg và The New York Times cho biết có dấu hiệu về tỉ lệ giữ chân người đăng ký đọc thường kỳ cao hơn.

Lạc quan vào triển vọng phục hồi

Theo khảo sát của Business Wire, dù ảnh hưởng của đại dịch với ngành báo chí có phần tiêu cực, nhưng các nhà báo được hỏi vẫn lạc quan về tương lai với 64% cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này trong 5 năm tới. Chỉ 19% số người được hỏi của có cái nhìn tổng thể tiêu cực khi nói đến tương lai của ngành truyền thông.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, PricewaterhouseCoopers (PwC) - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay vừa đã đưa ra những nhận định về những tác động của đại dịch tới ngành truyền thông trong báo cáo tháng 6.2021.

Theo PwC, dù truyền thông có thể là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng đây cũng là ngành mà nhân loại đang dựa vào để có được những thông tin cập nhật quan trọng, đồng thời báo chí cũng là phương tiện để các cá nhân giữ kết nối với diễn biến trong đời sống xã hội khi giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh.

Công ty cho biết, các cuộc khủng hoảng trong lịch sử đã chứng minh, ngành truyền thông có khả năng phục hồi và được thúc đẩy bởi nhu cầu hồi sinh trong quá trình phục hồi. Sau cùng, công chúng luôn cần nắm bắt thông tin, muốn được giải trí và truyền thông luôn tìm ra những cách mới lạ, hấp dẫn để giúp cung cấp những điều mà công chúng cần.

LAODONG.VN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top