Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Tiết kiệm, sáng tạo trong phòng, chống dịch Covid-19: Bài 2: Những sản phẩm “made in Vietnam” giá thành rẻ, chất lượng cao

Thứ Bảy 19/06/2021 | 17:32 GMT+7

VHO- Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên 5 bộ mặt nạ bảo hộ đặc biệt kiểu PAPR  (mặt nạ lọc không khí áp lực dương, có động cơ) “made in Vietnam” được gửi tặng các y, bác sĩ tuyến đầu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương. Nếu mua tại nước ngoài bộ này phải có giá tới 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng), nhưng các nhà khoa học Việt Nam đã sản xuất ra với giá thành chỉ gần bằng 1 nửa.

Mặt nạ lọc khí giá 10 triệu đồng 

BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kiêm Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu cho biết, bộ mặt nạ đặc biệt này được các bác y bác sĩ sử dụng lần đầu tiên trong ca phẫu thuật bắt con cho một sản phụ mắc Covid-19 vào tối ngày 21.5.

Sản phụ là bệnh nhân L.T.Q, 33 tuổi đến từ tỉnh Điện Biên, được vào viện ngày 19.5 được chẩn đoán thai 35 tuần đang phát triển - nhiễm Covid- 19 được chuyển khoa Cấp cứu trong cùng ngày. Bệnh nhân  được hội chẩn hội đồng chuyên môn Bệnh viện chẩn đoán suy hô hấp - nhiễm Covid-19, đang mang thai 35 tuần (sản phụ hiếm muộn 11 năm, mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm) và suy thai.

Các y bác sĩ trang bị bộ mặt nạ lọc khí áp lực dương trước khi vào ca phẫu thuật 

Để tiến hành phẫu thuật bắt em bé, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải huy động các bác sĩ từ các Khoa Cấp cứu, Sản, Nhi, Gây mê. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, một bé gái ra đời nặng 2600 g. Đến nay, bệnh nhân L.T.Q đã khỏi bệnh Covid-19 và hai mẹ con khỏe mạnh đã được  ra viện.

Trước đó, xác định ca phẫu thuật sẽ kéo dài và phức tạp, thời gian tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 lâu nên các bác sĩ đã sử dụng bộ mặt nạ lọc không khí động cơ nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho nhân viên y tế. Theo bác sĩ  Nguyễn Trung Cấp, đây là trang bị vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khoẻ cho các bác sĩ ở mọi lĩnh vực trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng vì còn khan hiếm nên Bệnh viện chỉ dành cho phẫu thuật viên nội soi, đặt ống nội khí quản, phẫu thuật viên, điều dưỡng thực hiện thao tác hồi sức – những thủ thuật có nguy cơ tiếp xúc cao với giọt bắn lây nhiễm Covid-19.

Mặt nạ lọc khí là quà tặng của cộng đồng dành cho các y bác sĩ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Quỹ Mỗi ngày một quả trứng. Đến ngày 23.5, thêm 5 bộ mặt nạ lọc khí kiểu PAPR tiếp tục được bàn giao cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Theo kế hoạch,  Quỹ Mỗi ngày một quả trứng trao tặng sẽ trao tặng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 20 bộ mặt nạ lọc khí tuy nhiên, sau khi được tặng 10 bộ đầu tiên, theo đề nghị của Quỹ, Bệnh viện đã tạm thời “nhường” 10 bộ cho các tâm dịch Bắc Ninh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh 4 bộ), Bắc Giang (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang 4 bộ) và Vĩnh Phúc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc 2 bộ).

Vì còn thiếu nên chỉ những y bác sĩ, điều dưỡng tiếp xúc trực tiếp từ nguy cơ giọt bắn của người bệnh mới sử dụng bộ mặt nạ

Mới đây nhất, Quỹ đã tiếp tục vận động kêu gọi tài trợ từ cộng đồng và các Mạnh Thường quân để tặng Bệnh viện đa khoa Đức Giang 4 bộ nữa.

Nói về sự ra đời của bộ mặt nạ lọc khí có động cơ “made in Vietnam” này, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh – người sáng lập và điều hành Quỹ Mỗi ngày một quả trứng cho biết, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã chia sẻ về việc cần có trang thiết bị để bảo vệ y bác sĩ hằng ngày phải thực hiện các thủ thuật cho bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện. Đó là bộ đồ bảo hộ đặc biệt theo kiểu PAPR (Mặt nạ lọc không khí có động cơ - Powered Air-Purifying Respirator) gồm các bộ phận: mũ trùm và kính chắn hoàn toàn đảm bảo độ kín, quạt thổi gió vào, bộ lọc không khí, và pin/ắc-quy.

Bộ mặt nạ này có khả năng bảo vệ cao hơn gấp từ 25 đến 1.000 lần so với khẩu trang N95. Tuy nhiên, một bộ mặt nạ bảo hộ PAPR ở nước ngoài có giá lên tới 1.000 USD (tương đương với 23 triệu đồng) chưa kể thuế và chi phí vận chuyển, hàng luôn khan hiếm rất khó đặt mua nên không biết bao giờ mới về đến Việt Nam.

Rất may mắn, sau khi trao đổi với PGS. Phan Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), anh cùng với các thầy cô ở khoa, viện khác và SV của Trường đã thiết kế thiết kế và sản xuất ngay bộ bảo hộ này.

Những sản phẩm chống dịch hiệu quả cao, chi phí thấp

Tác giả của thiết kế mặt nạ lọc khí - PGS Phan Trung Nghĩa giải thích, bình thường các y bác sĩ phải mặc bộ đồ chống dịch cùng với khẩu trang kín mít sẽ rất khó thở nếu phải mặc trong thời gian dài. Vì vậy, bộ mặt nạ này có động cơ để hút không khí ở bên ngoài vào, qua bộ lọc và đưa không khí sạch vào trong bộ phòng dịch. Ở phía trước mặt nạ được thiết kế nhiếu lỗ một chiều để đẩy không khí từ trong bộ đồ ra.

“Khi sử dụng bộ lọc các bác sĩ chỉ cần khoác động cơ rất nhẹ như đeo ba lô, quạt chạy êm, có các đai cố định nên không hề vướng víu, cản trở các y bác sĩ trong quá trình thực hiện thăm khám, thủ thuật cho bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, thời lượng pin cho quạt thổi cũng lên 6-12 tiếng hoàn toàn phù hợp cho các y bác sĩ dùng trong thời gian dài, kể cả trong ca phẫu thuật phức tạp”, PGS.TS Phan Trung Nghĩa chia sẻ.

Băng ca và xe đẩy áp lực âm dành cho bệnh nhân nặng hoặc đi lại khó khăn

Không những thế, điểm nổi trội của bộ lọc do thầy trò Trường ĐH Bách Khoa sản xuất hơn hẳn so với sản phẩm của nước ngoài là có thể tái sử dụng nhiều lần vì trong bộ lọc có đèn tia cực tím ở cả hai phía của màng lọc, để diệt vi sinh vật cả trước và khi không khí đi qua màng lọc. Đèn tia cực tím được giữ sáng 1-2h sau khi sử dụng đảm bảo giữ cho màng lọc vô trùng tuyệt đối cho lần sử dụng sau thay vì phải thay màng lọc thường xuyên như sản phẩm của nước ngoài. Ngoài ra, dù được sản xuất với số lượng ít nên đã đội chi phí lên, nhưng cũng chỉ có giá 10 triệu đồng/chiếc - chưa bằng một nửa so với mua ở nước ngoài.

Không chỉ có mặt nạ lọc khí áp lực dương, PGS.TS Phan Trung Nghĩa còn thiết kế nhiều sản phẩm, thiết bị chống dịch khác với giá sản xuất hoàn toàn rẻ so với nhập khẩu. Đó là băng ca áp lực âm dành cho việc vận chuyển bệnh nhân. Đây chính là sản phẩm chống dịch đầu tiên mà thầy trò của Trường ĐH Bách khoa đã thiết kế, sản xuất sau khi nghe lời kêu gọi của Chính phủ và Nhà trường chung tay, đồng lòng cùng cả nước chống dịch.

Băng ca áp lực âm được cấu tạo gồm 4 bộ phận chính là băng ca khiêng bệnh nhân vào buồng chứa, buồng cách ly áp lực âm hình vòm, hệ thống điện tử và hệ thống lọc. Phần băng ca có thể chịu khối lượng lên tới 150 kg. Bên trong buồng cách ly có gắn thêm hệ thống lọc khí, giúp ngăn cản các hạt dịch siêu nhỏ chứa virus thoát ra môi trường bên ngoài. Sản phẩm này ban đầu là 1 trong 4 sáng kiến của Việt Nam vượt qua gần 2.000 dự án từ 92 quốc gia để nhận giải thưởng trị giá 1 triệu USD từ cuộc thi sáng tạo của Quỹ ứng phó Covid-19 thuộc tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) vào tháng 10.2020.

Bộ lọc khí làm khô mồ hôi bên trong bộ quần áo phòng dịch có thể cho nhiều người dùng cùng lúc

PGS.TS. Phan Trung Nghĩa - Trưởng dự án cho biết, vật liệu được sử dụng để làm ra sản phẩm có giá thành rẻ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, dễ sử dụng, phù hợp với thời tiết, khí hậu, thể trạng của người Việt Nam và có khả năng tái sử dụng nhiều lần sau khi đã khử khuẩn toàn bộ. Trong khi giá thành của sản phẩm cùng loại được rao bán trên trang thương mại điện tử Amazon khoảng 250 – 300 triệu đồng/chiếc thì của Việt Nam chỉ khoảng 45- 50 triệu/chiếc. 2 băng ca đầu tiên đã được sản xuất và tặng cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai vào năm 2020 (thời điểm đó Bệnh viện Bạch Mai đang bị phong tỏa).

Không dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu của PGS Phan Trung Nghĩa tiếp tục sáng tạo ra xe lăn áp lực âm, mũ áp lực âm cho bệnh nhân Covid-19 khỏe mạnh không cần cáng hoặc có thể đi lại được.

Khi làn sóng dịch bệnh thứ 4 bắt đầu bùng phát ở một số địa phương đặc biệt là tại Điện Biên, khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, Giám đốc Trung tâm Khoa học và công nghệ cao su lại nghĩ tới giường cho người cách ly được làm bằng carton thay vì nằm chiếu ở dưới đất. Với loại giường này, chỉ cần 12 hộp carton có vách ngăn được kết nối với nhau là có thể tạo ra được 1 chiếc giường vừa êm ái, vừa chắc chắn và an toàn. Với chi phí khoảng 200 – 300.000 đồng/chiếc rẻ gấp nhiều lần lắp đặt giường inox, Quỹ Mỗi ngày một quả trứng đã tặng 1.500 giường carton cho Điện Biên, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Trước thực trạng các y bác sĩ trong bộ quần áo phòng dịch kín mít phải đứng cả ngày dưới trời nắng nóng nhiệt độ lên tới 39 độ C, nhiều người đã bị ngất, choáng vì kiệt sức, mất nước, ướt sũng vì mồ hôi, nhóm nghiên cứu của thầy Nghĩa lại có sản phẩm mới là bộ lọc không khí làm khô mồ hôi. Đó là một bộ giàn có động cơ và màng lọc không khí, ống dẫn không khí có thể làm khô bộ quần áo bác sĩ trong vòng 1 phút. Giá thành để sản xuất cũng hoàn toàn rẻ, khoảng 10 triệu đồng/bộ nhưng nhiều nhân viên y tế có thể sử dụng cùng lúc để đảm bảo sức khỏe.

Trong hoàn cảnh kinh tế, điều kiện mua các trang thiết bị chống dịch của đất nước còn gặp nhiều khó khăn thì những thiết kế, sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam chắc chắn sẽ vô cùng ý nghĩa, mang lại những sản phẩm tiết kiệm, chất lượng tốt nhằm  góp phần cùng Chính phủ và nhân dân cả nước nhanh chóng kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Bài, ảnh: QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top