Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch: Tạo đòn bẩy cho sự phát triển

Thứ Ba 29/06/2021 | 17:01 GMT+7

VHO- Ngày 29.6, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị trực tuyến Định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 -2025. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ (51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hội nghị có sự tham gia của đại biểu đại diện các cơ quan TƯ, các Hiệp hội, đại diện các địa phương tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành trực thuộc TƯ.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị

Môi trường văn hóa lành mạnh là gốc rễ của Chiến lược

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ  xây dựng văn hoá, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ VHTTDL đã chủ động tổng kết Chiến lược văn hoá Việt Nam trong thời gian qua và triển khai xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, nội hàm trọng tâm là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc. Theo Bộ trưởng, từ quan điểm và nhận thức sâu sắc về những luận điểm mới mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Bộ đã chỉ rõ những thành tựu, hạn chế, rút ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chiến lược thời gian qua.

“Bên cạnh kết quả đạt được, việc hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược vẫn ở mức thấp, nhiều nhiệm vụ quan trọng chưa thực hiện được, do thiếu nguồn lực và khi xây dựng còn thiếu tính khả thi...”, Bộ trưởng thẳng thắn. Bộ đã thành lập tổ công tác để nghiên cứu,  xây dựng đề cương, hoàn thiện dự thảo Chiến lược đến năm 2030. Trên cơ sở góp ý của Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy; các địa phương; đơn vị..., Bộ VHTTDL đã tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Đây là vấn đề khó và mới, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu tiếp tục đồng hành, cùng Bộ xây dựng và hoàn thiện Chiến lược với tính khả thi cao.

“Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã giảm bớt tính hàn lâm nhưng vẫn dẫn luận lại những quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những luận điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, từ đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp. Trên cơ sở quan điểm và mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trong dự thảo Chiến lược, chúng ta cần bổ sung, nhấn mạnh điểm nào để khi tổ chức thực hiện không đi chệch hướng...”, Bộ trưởng gợi mở. Bộ trưởng đề nghị, từ hướng tiếp cận mục tiêu tổng quát là khát vọng xây dựng đất nước hùng mạnh, đi kèm là các mục tiêu cụ thể, các đại biểu cần đối chiếu để thấy các chỉ tiêu, định hướng có phù hợp hay không, đặc biệt là chỉ tiêu về thiết chế, đời sống văn hóa cơ sở... theo hướng thực chất hơn.

Bộ trưởng lưu ý, nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phải được lượng hóa cụ thể. Trong các nhiệm vụ đề cập, Bộ  VHTTDL đặc biệt lưu ý đến các nhóm nhiệm vụ về những vấn đề bức xúc hiện nay. “Phải chăng xây dựng môi trường văn hoá và đời sống văn hoá lành mạnh là gốc rễ của Chiến lược? Tiếp cận theo hướng này, địa bàn chúng ta hướng tới là cơ sở, cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp... Chúng ta phải lựa chọn, có diện rộng nhưng có điểm  nhấn. Với nguồn lực hiện có, nếu chọn đúng, chọn trúng sẽ tạo ra phong trào tốt, môi trường văn hóa tốt, đời sống văn hóa lành mạnh và đương nhiên sẽ tạo nên những tác động mạnh mẽ...”, Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng cũng lưu ý, xây dựng văn hoá doanh nghiệp hiện nay có vai trò quan trọng, nhằm thúc đẩy lực lượng này tham gia tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng đời sống văn hoá ở khu dân cư nhưng không cào bằng mà tiếp cận theo hướng đa dạng trong thống nhất, chú ý đặc thù văn hóa vùng miền... “Không có khuôn mẫu nào cho một loại hình cụ thể. Các mục tiêu trong dự thảo Chiến lược cần theo hướng thực chất, thiết thực, không chạy theo thành tích. Một trong những nhiệm vụ là phải tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của một số lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa... Công chúng và nhân dân đang trông chờ những hành động cụ thể, thiết thực của toàn ngành. Các vấn đề nêu trên phải được đưa ra trong bài toán về Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới...”, Bộ trưởng yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ  gợi mở, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam lần này cần tiếp cận theo nhóm. Trong đó, nhóm thể chế chính sách phải tập trung hoàn thiện một  số bộ Luật; đi kèm Luật là các đề án, chương trình trọng điểm nhằm tạo động lực cho sự phát triển.

  Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam

Trình bày tóm tắt nội dung Chiến lược Phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện... Theo đó, Chiến lược hướng đến mục tiêu cơ bản và xuyên suốt là: Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 1.400 đại biểu tại điểm cầu trung tâm và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với dự thảo Chiến lược và đóng góp nhiều ý kiến. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng chia sẻ, để đạt được các mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2030,  Hà Nội đề xuất một số nội dung, giải pháp, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa, đặc biệt là đội ngũ tại cơ sở; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tạo cơ chế thu hút nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển văn hóa. Trong các giải pháp, Hà Nội chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chú trọng đầu tư tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế nhấn mạnh, Chiến lược phát  triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cho sự nghiệp phát triển trong thời gian tới. Gắn với đặc thù địa phương, Thừa Thiên- Huế đưa ra định hướng phát triển là bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô Huế trong giai đoạn hiện nay. Nhiều giải pháp, mục tiêu đã được xác định để thực hiện mục tiêu này, đưa Huế trở thành Trung tâm Văn hóa đặc sắc của cả nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa trong việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài cho biết, hệ thống thiết chế trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng đầu tư; các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm phát huy hiệu quả, tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho rằng, Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đã tiếp cận và đưa ra nhiều luận điểm mang tính xương sống, trong đó có quan điểm văn hóa phải  được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Để hiện thực hóa quan điểm này, theo ông Hài, cần phải có sự đầu tư, phát triển toàn diện.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày dự thảo Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO  tại Hà Nội nhấn mạnh giá trị từ những bài học thành công trong đầu tư và phát huy vai trò văn hóa trong sự phát triển bền vững của quốc gia. Theo bà Hường, các hoạt động văn hóa, du lịch thường không có định lượng rõ ràng, gây khó khăn cho nhà quản lý. Để giải quyết vấn đề đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã giao UNESCO xây dựng bộ chỉ số văn hóa phát triển bền vững- là khung chỉ số với các chỉ tiêu đo lường, tăng trưởng đa chiều có sự đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững. Bà Hường khẳng định, UNESCO luôn coi trọng việc hợp tác từ phía Việt Nam và đánh giá rất cao việc Việt Nam là một trong 12 quốc gia tiên phong thử nghiệm bộ chỉ số đo lường chỉ số văn hóa trong phát triển bền vững.

Quan trọng là du lịch đóng góp được bao nhiêu cho nền kinh tế

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Bộ đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong lĩnh vực du lịch (gọi tắt là Chương trình hành động) đã cụ thể hoá việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển du lịch đã được đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Qua đó, tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện các Nghị quyết, Chiến lược ở những giai đoạn trước, phấn đấu đưa ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra”.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nêu dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về du lịch

Trước khi dịch bệnh xảy ra, ngành Du lịch đã đạt được những thành tựu vượt bậc, từng bước tiếp cận mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2019, du lịch đã có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế; đạt 9,2 % GDP. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19, du lịch Việt Nam và thế giới đã chịu sự tác động nặng nề. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng Chương trình hành động như thế nào để ngành Du lịch vừa có thể vượt khó, vừa phát triển lâu dài trong tương lai. Trong đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Việt Nam trong 5 năm 2021 – 2025 để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ trưởng cho biết, trong Chương trình hành động này, Bộ VHTTDL đã đề ra những giải pháp mang tính chất căn cơ nhằm khắc phục hậu quả Covid-19 gây ra, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh bình thường mới. Bên cạnh đó, thay đổi trong nhận thức và tiếp cận, cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán và cân bằng thị trường. Đã có một thời, chúng ta chỉ chú trọng đến phát triển thị trường quốc tế mà chưa quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân lại là cứu cánh của ngành Du lịch. Vì thế, tại Chương trình hành động sắp tới, cần hướng tới thị trường nội địa, một thị trường có tính cân bằng và bền vững, có trọng tâm trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình phát triển. Trong quá trình đó, chúng ta không quá phụ thuộc vào thị trường nào, không đong đếm số lượng khách mà tính toán khả năng chi tiêu của khách và đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế đất nước.

Toàn cảnh Hội nghị

Chương trình hành động cũng sẽ phải tính toán lại toàn bộ trong điều kiện đất nước ta đang hội nhập sâu rộng, chuyển đổi số để phát triển du lịch đang được đặt lên hàng đầu, việc ứng dụng công nghệ bước đầu đã giúp ngành Du lịch vượt qua khó khăn. Ngành Du lịch cần hình thành một bộ dữ liệu đủ lớn trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ khai thác, liên kết phần mềm, tạo ra những sản phẩm số hoá phục vụ du lịch.

Hệ thống sản phẩm du lịch cũng cần được cơ cấu lại, xây dựng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Phấn đấu để mỗi tỉnh, thành phải có được một sản phẩm đặt trưng, đặc sắc. “Chúng ta phải đặt câu hỏi và so sánh: “Trong nông nghiệp có sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm), vậy tại sao trong Chương trình hành động du lịch không dám đặt ra mục tiêu mỗi tỉnh, thành có 1 sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu? Đương nhiên, có nhiều sản phẩm du lịch là tốt, phong phú và đa dạng nhưng mỗi tỉnh thành có 1 sản phẩm đặc sắc và kết nối với nhau sẽ tạo ra chuỗi liên kết, nâng cao giá trị”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi mở.

Ông cũng cho rằng, liên quan đến cơ sở hạ tầng du lịch, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ rất khó khăn, không hiện thực. Vì vậy, cần làm tốt công tác quy hoạch các khu du lịch quốc gia, các điểm du lịch, từ đó kêu gọi đầu tư. Tiếp cận theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ “những gì doanh nghiệp làm tốt thì để doanh nghiệp làm, Nhà nước chỉ cần làm tốt vai trò quản lý”. Từ đó đưa đến mục tiêu nhà nước quản lý về văn hoá và du lịch, với vai trò kiến tạo, là “bà đỡ” của ngành Du lịch như thế nào, thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở đâu? Nhiệm vụ đặt ra để phát triển văn hoá, du lịch phải chăng chỉ ở Bộ VHTTDL hay nằm ở sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng? Đó là câu hỏi lớn mà ngành VHTTDL đang đi tìm câu trả lời. Để xây dựng Chiến lược và Chương trình hành động này, Bộ VHTTDL cũng tập trung vào các mục tiêu cụ thể, những vấn đề mà xã hội đang bức xúc, kỳ vọng vào sự giải quyết của ngành VHTTDL, lấy ý kiến của các nhà khoa học, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, du lịch có kinh nghiệm, các nhà quản lý…. Đồng thời, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc này để nghe ý kiến đóng góp của các cấp uỷ đảng, UBND các tỉnh, thành phố, Sở quản lý văn hoá, du lịch các địa phương, các hiệp hội, các chuyên gia văn hoá, du lịch…. để đảm bảo có tính toàn diện, tính khoa học và thực tiễn, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong lĩnh vực du lịch.

Hội nghị thực hiện nghiêm quy định giãn cách, phòng chống dịch bệnh Covid-19

Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết: “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong lĩnh vực du lịch thể hiện rõ những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII về lĩnh vực du lịch thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ VHTTDL, bảo đảm phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng đặt nhiệm vụ tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể hoá việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển du lịch đã được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Việt Nam trong 5 năm 2021 - 2025 để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn. Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp và người dân để tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Hội nghị đã nghe lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, các Sở Du lịch TP.HCM, Quảng Ninh, Kiên Giang góp ý về nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình hành động, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông tại các khu vực động lực phát triển du lịch; công tác quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương trọng điểm du lịch để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; hợp tác công tư trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch ở địa phương; cơ chế chính sách đặc thù tạo sức mạnh đột phá phát triển du lịch biển đảo; công tác xúc tiến quảng bá và kích cầu thị trường du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Sau thời gian làm việc nghiêm túc, Hội nghị với sự tham gia của hơn 1.400 đại biểu tại điểm cầu trung tâm của Bộ VHTTDL và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội nghị đã định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong lĩnh vực Du lịch. Ban tổ chức đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến góp ý. Trong đó có 11 tham luận trực tiếp. Các góp ý đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận thẳn thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng. Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp này, hoàn thiện dự thảo, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành”.

PHƯƠNG ANH- ANH VŨ; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top