Để chấm dứt bạo lực giới: Chỉ phụ nữ lên tiếng là chưa đủ

VHO- Được bố mẹ đặt tên là “Cẩm” có nghĩa là gấm vóc, lụa là, lấp lánh, rực rỡ để mong con gái được nâng niu, trân trọng, mong được hưởng cuộc sống an nhàn, hạnh phúc.

Để chấm dứt bạo lực giới: Chỉ phụ nữ lên tiếng là chưa đủ - Anh 1

Nhân vật Cẩm cũng như nhiều phụ nữ khác đã phải cam chịu những hành vi bạo lực của nam giới

Nhưng Cẩm trong câu chuyện của Phạm Thanh Xuân (Hà Nội) lại không như vậy. Cuộc đời của nhân vật Cẩm trái ngược hoàn toàn, đó là sự tủi nhục, đau đớn, dày vò… kể từ khi cô kết hôn.

Cần một cánh tay giúp đỡ từ cộng đồng

Dịch Covid-19 khiến nền kinh tế bị đình trệ, nhiều công ty phá sản, còn Cẩm đã không may bị mất việc. Kinh tế gia đình vốn chẳng mấy khá giả, việc Cẩm thất nghiệp khiến gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đổ dồn lên vai chồng. Điều này khiến chồng của Cẩm rất áp lực và dễ cáu giận. Anh ta đổ lỗi tại vợ vô dụng, ăn không ngồi rồi, khiến hắn phải khổ sở nai lưng ra kiếm tiền nuôi cả gia đình 4 miệng ăn. Chồng của Cẩm thường trút giận lên cô bằng những nắm đấm, những cái tát… Đau đớn, thế nhưng Cẩm chưa bao giờ dám phản kháng, mà chấp nhận và dường như đã trở thành việc quá đỗi bình thường, quen thuộc đối với Cẩm.

Cũng vài lần, ánh mắt Cẩm hằn lên nỗi căm hờn và bùng lên ý nghĩ giải thoát chính mình. Tuy nhiên, cái suy nghĩ ấy của Cẩm chỉ vụt đến rồi lại vụt đi, nhanh như một cái chớp mắt vậy. Bởi vì bây giờ chồng cô là lao động chính trong nhà, cuộc sống của Cẩm và hai đứa con nhỏ phụ thuộc vào anh ta, cộng thêm định kiến “bỏ chồng, chồng bỏ” khiến cô lại trở nên sợ hãi, đành tiếp tục sống trong nỗi cam chịu và tủi hờn.

Một lần, Cẩm đứng trò chuyện cùng một anh đồng nghiệp cũ, đã lâu không gặp thì bị chồng bắt gặp, ngay lập tức, hắn đánh cô ngay tại sảnh khu chung cư. Thấy vậy, người bạn của Cẩm nhanh chóng đẩy tên chồng “đốn mạt” của cô ra một góc rồi đỡ Cẩm dậy. Từ trước tới giờ chưa một ai dám bênh vực cô trước mỗi trận đòn của chồng, nhưng lần này thì khác, Cẩm đã đón nhận sự giúp đỡ ấy và nhận ra rằng, cuộc đời của cô cần phải thay đổi, phải tự mình vượt qua nỗi sợ hãi.

“Cẩm” cũng chính là tên bộ ảnh truyền thông về bạo lực giới của tác giả Phạm Thanh Xuân. Đây là 1 trong 10 tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi “Nam giới hành động - Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và một số đơn vị tổ chức. Phạm Thanh Xuân cho biết tác phẩm nhằm mang đến người xem một thông điệp rằng không riêng gì Cẩm, bất cứ người phụ nữ nào là nạn nhân của bạo lực giới đều cần một cánh tay giúp đỡ từ cộng đồng. Nam giới, những người được thế giới gọi bằng mỹ từ “phái mạnh”, hãy chứng tỏ bạn là một người đàn ông thực thụ. Hãy dùng sức mạnh của mình để bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ những người phụ nữ hạn chế hơn bạn về mặt sức khoẻ, chứ không phải cư xử thô bạo với họ. Chính những hành động nhỏ của nam giới sẽ góp phần to lớn vào công cuộc chấm dứt bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái.

Truyền thông đóng một vai trò quan trọng

Theo Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực với phụnữở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụnữViệt Nam thì có gần 2 người (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra, 13,3% phụ nữ từng trải qua bạo lực tình dục do chồng gây ra trong đời. Thực tế là dù bạo lực có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kì giới tính hay độ tuổi nào, nhưng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nạn nhân chủ yếu, chịu ảnh hưởng nhiều và nặng nề nhất từ bạo lực giới; và đối tượng gây bạo lực chủ yếu là nam giới. Vì vậy, nam giới đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. “Đó là lý do cuộc thi truyền thông “Nam giới hành động - Chấm dứt bạo lực với phụ nữ” ra đời. Không chỉ tìm kiếm những sản phẩm truyền thông sáng tạo, độc đáo, đưa ra những giải pháp hữu ích nhằm chấm dứt bạo lực giới, cuộc thi còn nhằm kêu gọi và thúc đẩy sự tham gia của người trẻ, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai”, bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch sáng lập Trung tâm CSAGA chia sẻ.

Phát biểu tại lễ trao giải, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, hơn 100 thí sinh tham gia cuộc thi truyền thông này đã là người thắng cuộc rồi. “Tôi vô cùng ấn tượng với kỹ năng truyền thông và vận động mạnh mẽ của người trẻ trong chiến dịch “Không có bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái”. UNFPA mong muốn tất cả chúng ta có thể duy trì sự phát triển này, và chúng ta sẽ không để phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của Việt Nam vì bạo lực trên cơ sở giới”, Trưởng đại diện Quỹ UNFPA nhấn mạnh.

Theo bà Naomi Kitahara, truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi văn hóa xã hội Việt Nam, trong việc lên tiếng khi đề cập đến bạo lực giới. Chúng ta cần phá vỡ sự im lặng để những nạn nhân của bạo lực giới có thể chia sẻ và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ khi họ cần. Truyền thông cần đề cập đến những hậu quả nghiêm trọng của bạo lực giới đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả đất nước. Dù bạo lực xảy ra ở đâu, dưới hình thức nào, ai là người bị ảnh hưởng, thì điều đó cũng phải dừng lại.

Tuy nhiên, chỉ phụ nữ lên tiếng với bạo lực giới là chưa đủ, bà Nguyễn Vân Anh khẳng định: “Nam giới đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Là tổ chức làm việc nhiều năm trong lĩnh vực này, CSAGA luôn mong muốn được đồng hành và làm việc với nam giới, thanh niên và trẻ em trai để thúc đẩy hiểu biết và phát triển các kỹ năng xây dựng quan hệ, giải quyết mâu thuẫn, xây dựng hòa bình. Những cuộc thi về phòng, chống bạo lực giới sẽ góp phần tạo ra các phong trào xã hội về hình ảnh nam giới tích cực trong gia đình, và cộng đồng, nâng cao nhận thức về bạo lực giới. 

 NGUYỆT MINH

 

Ý kiến bạn đọc