Tiêm trộn 2 loại vắcxin phòng Covid-19 có đáng ngại?

VHO- Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký văn bản hướng dẫn chi tiết việc tiêm vắcxin Pfizer trên toàn quốc. Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị ưu tiên tiêm mũi 2 vắcxin Pfizer cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca, nếu người tiêm đồng ý.

Bộ Y tế cho biết, trong bối cảnh nguồn vắcxin Covid-19 hạn chế trên toàn cầu, tiến độ cung ứng không đủ để đảm bảo mỗi người được tiêm đủ 2 liều vắcxin cùng loại khi đến lịch tiêm. Vì vậy một số quốc gia như Canada, Đức, Pháp, Na Uy, Hàn Quốc... đã áp dụng kết hợp 2 loại vắcxin phòng Covid-19 khác nhau để tiêm cho người dân, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Tiêm trộn 2 loại vắcxin phòng Covid-19 có đáng ngại? - Anh 1

Những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 Pfizer

GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, hiện nay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của các nhà sản xuất vắcxin, tốt nhất mỗi người cần tiêm đủ liều cùng 1 loại vắcxin phòng Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vắcxin phòng Covid-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắcxin tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng 1 loại vắcxin là rất khó khăn.

Vì thế, một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắcxin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắcxin của Pfizer. Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắcxin khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng Covid-19. Tuy nhiên, việc tiêm 2 loại vắcxin AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng. “Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng”, GS Đức Anh nhấn mạnh.

Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy, sau khi tiêm mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 là vắcxin Pfizer có miễn dịch tương đương so với tiêm 2 mũi Pfizer và cao hơn so với tiêm 2 mũi AstraZeneca. Trong khi đó, một số quốc gia có khuyến cáo tiêm 2 loại vắcxin khác nhau để tăng hiệu quả miễn dịch.Tại Việt Nam, hiện có nhiều ý kiến trái chiều quanh chủ trương Bộ Y tế cho phép tiêm trộn 2 loại vắcxin AstraZeneca và Pfizer. Bộ Y tế cho biết, việc tiêm kết hợp 2 loại vắcxin vẫn có hiệu lực bảo vệ nhưng tiêm 2 hay cùng một loại vắcxin phải được nhân viên tiêm chủng giải thích kỹ và chỉ được thực hiện khi người tiêm chủng đồng ý.

Trên thế giới, nhiều quốc gia như Đức, Canada, Anh, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha… cũng đang cho phép người dân tiêm các vắcxin khác của Pfizer, Moderna... nếu mũi 1 tiêm AstreZeneca. 

Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, Anh trên 800 người tiêm trộn 2 loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer cho thấy, có gia tăng các phản ứng phụ nhẹ như nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ. Tuy nhiên các phản ứng này đều nhanh hết và không có lo ngại về an toàn khác. Cụ thể, nếu tiêm 2 mũi AstraZeneca, tỉ lệ sốt chỉ khoảng 10%, nhưng nếu kết hợp mũi 2 Pfizer thì tăng lên khoảng 35%, tỉ lệ này khi tiêm 2 mũi Pfizer cùng loại là khoảng 30%.

Về tỉ lệ mệt mỏi, nếu tiêm 2 mũi AstraZeneca, tỉ lệ này ở mức 50%, tương đương với người tiêm 2 mũi Pfizer. Nếu kết hợp mũi 1 AstraZeneca, mũi 2 Pfizer, tỉ lệ mệt mỏi tăng lên gần 80%.Về tỉ lệ đau đầu, 2 mũi AstraZeneca cùng loại có tỉ lệ khoảng 33%, 2 mũi Pfizer cùng loại có tỉ lệ 40%. Nếu kết hợp AstraZeneca và Pfizer, tỉ lệ đau đầu tăng lên hơn 60%.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vắcxin ngừa Covid-19 của AztraZenneca, Pfizer, Morderna, Sinopharm… để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch, hướng tới mục tiêu đạt bao phủ vắcxin cho hơn 75% người dân. Hiện nay, Bộ Y tế mới đồng ý chủ trương cho trộn mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 là Pfizer, không áp dụng với các loại vắcxin khác. 

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc