Áp lực thành tích trong thể thao

VHO- Olympic Tokyo xứng đáng là một trong những kỳ Thế vận hội hấp dẫn nhất trong lịch sử, không chỉ có nhiều kỷ lục thế giới và Olympic được phá mà còn nhiều yếu tố bất ngờ khác.

Áp lực thành tích trong thể thao - Anh 1

Áp lực về tâm lý lẫn thành tích là một trong số nguyên nhân dẫn đến việc thi đấu không thành công của các VĐV Việt Nam tại Olympic Tokyo

 Đó là thất bại của những “ông trùm”, “bà hoàng” tại các nội dung. Điều này xuất phát từ việc các VĐV thi đấu dưới sức, không có được thể lực sung mãn hay có thể vì thời tiết. Nhưng một trong những nguyên nhân chính đó là họ bị áp lực (tâm lý lẫn thành tích) trước sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ quê nhà.

“Chấn thương” tinh thần

Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic đang trong giai đoạn đỉnh cao nhất của sự nghiệp nhưng một lần nữa thất bại ở Olympic, điều rất ít người dám tin trước ngày khởi tranh tại Tokyo. Tay vợt người Serbia đã có 7 tháng đầu năm 2021 trên cả tuyệt vời, anh đánh đâu thắng đó, giành tới 3 Grand Slam tại Australia, Pháp, Vương quốc Anh và đang tràn trề cơ hội hoàn tất “Golden Slam” (giành 4 Grand Slam và HCV Olympic) lịch sử trong năm nay. Nhưng thi đấu trong màu áo ĐTQG khác với các sân chơi của ATP Tour hoặc Grand Slam. Thứ Bảy (31.7) là ngày đáng quên trong sự nghiệp của Djokovic khi anh thất bại cùng lúc 2 trận bán kết đơn nam và đôi nam nữ, qua đó tiếp tục lỡ hẹn với tấm HCV Olympic còn thiếu trong sự nghiệp. Không những thế sang ngày hôm sau, tay vợt 34 tuổi tiếp tục thua trong trận tranh HCĐ đơn nam, đồng thời bỏ luôn trận tranh hạng ba đôi nam nữ. Djokovic “trắng tay” tại Thế vận hội do anh phải thi đấu quá nhiều trong hơn 6 tháng qua, cũng là vì thời tiết tại Tokyo… nhưng có lẽ áp lực lớn mới chính là nguyên nhân thất bại của tay vợt này. Djokovic đang là tay vợt “vô đối” trước khi Thế vận hội khởi tranh nên người dân Serbia rất kỳ vọng vào anh. Đó thực sự là áp lực với Nole và áp lực đó càng lớn hơn với chính anh vì chưa từng giành HCV Olympic.

Cũng giống như Djokovic, tay vợt nữ số 2 thế giới Naomi Osaka thất bại cũng vì không thể vượt qua áp lực thành tích. Osaka vinh dự được thắp sáng ngọn đuốc Olympic tại lễ khai mạc, nhưng đi đôi với đó là áp lực khủng khiếp dành cho tay vợt này. Và cũng vì điều đó mà Osaka thua “sốc” ngay tại vòng 3 trước đối thủ kém mình 40 bậc trên bảng xếp hạng thế giới. Bất ngờ hơn khi tay cầu lông vợt nam số 1 thế giới Momota còn không thể vượt qua vòng bảng. Momota cũng là niềm hi vọng số 1 của cầu lông Nhật Bản tại Thế vận hội nhưng cuối cùng những gì anh làm được chỉ gói gọn trong 2 từ thất vọng.

Nhưng nếu để chọn ra VĐV phải chịu áp lực (tâm lý lẫn thành tích) nhiều nhất tại Olympic Tokyo thì phải là VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) của Mỹ, Simone Biles. Mới 24 tuổi nhưng Simone Biles được xem là “huyền thoại” của TDDC Mỹ và Thế giới. Cô gái sinh năm 1997 đã giành đến 30 huy chương cả ở Olympic và giải vô địch thế giới, trong đó có 5 HCV ở Olympic Rio 2016. Tại Olympic Tokyo, Simone Biles được kỳ vọng rất lớn sẽ dìu dắt các đàn em để giữ vững vị thế của TDDC Mỹ. Thế nhưng Simone Biles đã bất ngờ khi rút lui khỏi nội dung đồng đội lẫn cá nhân vì… “chấn thương tinh thần”. “Khi bạn ở vào trạng thái căng thẳng tột độ, bạn dễ bị hoảng sợ. Tôi cần tập trung cho sức khỏe tinh thần của bản thân, không gây nguy hiểm cho thể trạng và sự an lành của mình nữa”, Biles giải thích về việc rút lui. Nhưng quyết định của Simone Biles đã nhận được sự ủng hộ từ các đồng nghiệp, các chính khách và những người nổi tiếng trên khắp thế giới.

Hãy nhìn nhận đúng mực

Chuyện sức khỏe tinh thần, tâm lý thi đấu hay áp lực thành tích của VĐV, vốn không mới trong thể thao đỉnh cao. Thế nhưng điều này thường không được nhìn nhận đúng mực, nhất là ở khía cạnh tác động ngược của nó lên các VĐV. Tại Olympic Tokyo, chúng ta đã chứng kiến Djokovic, Osaka, Momota hay Biles và những người đang là các VĐV hàng đầu ở môn thể thao của mình, đã từng chinh chiến rất nhiều giải đấu và giành vô số danh hiệu nhưng khi thi đấu tại Thế vận hội họ cũng không thể vượt qua được áp lực (tâm lý lẫn thành tích).

Nhìn từ các “ngôi sao” trên, người hâm mộ cần phải thực sự cảm thông cho các VĐV Việt Nam. Đúng như dự báo, Olympic Tokyo thực sự là đấu trường khắc nghiệt với các VĐV chúng ta. Đoàn thể thao Việt Nam đã không thể giành được huy chương nào nhưng xét cho cùng, các VĐV đã thi đấu rất cố gắng, họ nỗ lực vượt qua chính mình (từ hành trình giành vé đến khi bước ra thi đấu) để được tranh tài tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Trước ngày lên đường sang Nhật Bản tham dự Thế vận hội, giới chuyên môn và người hâm mộ đều kỳ vọng bộ môn cử tạ sẽ mang về huy chương cho Đoàn thể thao Việt Nam. Thậm chí trước ngày thi đấu, áp lực dành cho Thạch KimTuấn và Hoàng Thị Duyên còn tăng gấp bội khi các VĐV ở các môn như: Bắn cung, Rowing, TDDC hay bắn súng đều thi đấu không thành công. Và cũng vì những áp lực vô hình đó đã làm cho những quả tạ trên tay của Tuấn, Duyên trở nên nặng hơn và khiến 2 đô cử này không có được thành tích như kỳ vọng.

Tại Olympic Tokyo, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng nhận được kỳ vọng. Nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, sự kỳ vọng đó đến từ việc Ánh Viên và Xuân Vinh là những “thương hiệu” lớn của thể thao Việt Nam, chứ về thực lực thì khả năng giành huy chương của họ là không cao. Và có lẽ vì sự kỳ vọng đó đã khiến cho Ánh Viên và Xuân Vinh chịu nhiều áp lực dẫn đến kết quả không thực sự tốt. Câu chuyện của Ánh Viên, Xuân Vinh, Kim Tuấn hay Hoàng Thị Duyên cũng là khó khăn chung của thể thao Việt Nam tại Thế vận hội. Olympic Tokyo dù không mang lại niềm vui cho Thể thao Việt Nam nhưng cũng là những trải nghiệm giá trị, bổ ích, đặc biệt là với các VĐV trẻ lần đầu tham dự.

Với ngọn lửa nhiệt huyết, ý chí kiên định, tinh thần không bỏ cuộc, hy vọng rằng VĐV Việt Nam sẽ lại đứng lên mạnh mẽ để tiếp tục tập luyện và cống hiến cho thể thao nước nhà. 

LÊ HOÀN

Ý kiến bạn đọc