Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tình người ở xóm chạy thận

Thứ Sáu 06/08/2021 | 10:42 GMT+7

VHO-  Nhiều năm nay, người dân xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (Hà Nội) thường gọi mấy dãy nhà cấp 4, nằm khuất lấp trong một lối đi nhỏ đầu Đội 7 là “xóm chạy thận”.

 u chuyn tình gia Liên và Khương là ngun đng viên cho cư dân xóm chy thận

Không chỉ bao bọc gần hai chục con người từ lâu luôn coi bệnh viện là nhà và quen mặt bác sĩ hơn cả người thân, xóm nghèo ấy còn ghi dấu câu chuyện tình yêu đầy cảm động của hai phận người giữa lòng Hà Nội.

Một ngàn cũng quý

Xóm chạy thận Ngọc Hồi có 18 bệnh nhân. Người gắn bó lâu nhất đúng bằng tổng số thành viên trong xóm: 18 năm. Người mới chuyển đến cũng một vài năm. Từ tứ xứ, những người chạy thận quây quần, tối lửa tắt đèn có nhau như chòm xóm láng giềng nơi quê nhà. Ở nơi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ, tình người lại thêm bền chặt.

Trong số 18 phận người ấy, Nguyễn Thị Liên là “cư dân” trẻ tuổi nhất, trớ trêu thay cả em và mẹ của mình đều mắc chứng suy thận. 6 năm gắn bó với xóm nghèo, cô gái sinh năm 1999 trở thành nguồn động lực cho người mẹ của mình cùng vượt qua bạo bệnh. Ánh mắt xa xăm, Liên kể: “Đêm trước khi thi học kỳ I của năm học lớp 10 thì em biết mình bị bệnh. Anh biết không, mẹ em đã chạy thận từ nhiều năm trước, khi đứa em trai của em còn chưa nói rõ... Từ dạo ấy kinh tế gia đình kiệt quệ lắm, bây giờ lại đến em...”.

Những ngày đó, Liên buồn mà khóc suốt! Cứ đến tối cô lại ngồi nhìn bóng tối chầm chậm bò vào nhà rồi thương mọi người và thương mình. Tới đầu năm lớp 11 bệnh trở nặng, Liên đành nghỉ học: “Từ lâu rồi, mọi gánh nặng kinh tế của gia đình và hai đứa em dưới em đang ăn học đều đổ dồn lên vai bố! Em thương bố lắm... Bố em ở nhà ai thuê gì làm nấy. Có dạo bố lên thăm hai mẹ con, lần giở trong túi áo một hồi lâu rồi bố đưa cho em 200.000 đồng, không quên dặn em và mẹ yên tâm chữa bệnh! 200.000 đồng đó chắc bố em cũng phải dè sẻn tiết kiệm nhiều lắm”.

Phải lọc máu 3 lần/tuần vào chiều các ngày thứ 2, 4, 6 khiến Liên tiều tụy đi hẳn, ít người có thể nhận ra Liên đang ở cái tuổi 22 của người con gái. Mỗi buổi chạy thận xong, đêm đó em lại nằm mê mệt. Mỗi lần như thế Liên lại thấy mảnh đất Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức nơi mình sinh ra hiện lên rõ mồn một trong tâm trí, lâu lắm rồi gia đình chưa có một bữa cơm xum họp. Hai năm gần đây ngoài thời gian ở viện, Liên học được nghề may, rồi được một xưởng nhỏ ở dưới Thường Tín cách xóm chạy thận 15km nhận vào làm. Sau khi trừ tiền xăng xe, mức lương 100.000/ ngày công chẳng còn lại được bao nhiêu nhưng cũng đủ để Liên mua thức ăn cho ngày hôm đó. Với những người đã mắc chứng suy thận, một ngàn cũng quý...

Và khi về xóm chạy thận, Liên gặp anh Lê Văn Khương, sinh năm 1988 nhà ở tận Tân Sơn, Kim Bảng, Hà Nam: “Tính anh ấy hiền và cũng khéo lắm, thế rồi chúng em yêu nhau. Mới đó mà đã 5 năm rồi”, Liên nhoẻn miệng cười.

Ước mơ đời thường

Chàng trai tên Khương có dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt đen sạm sau 11 năm chạy thận. Khương kể lại: “Em tới ở xóm chạy thận trước Liên. Là người còn khỏe mạnh nhất xóm nên có việc gì giúp được là em giúp mọi người ngay. Có lẽ những nghị lực từ một cô gái có cùng cảnh ngộ đã khiến em kiên cường hơn... Rồi cứ như thế em dành tình cảm của mình cho Liên anh ạ”.

Trước đây khi dịch Covid -19 chưa diễn biến phức tạp, anh Khương hay ra ngoài làm thêm những việc vụn vặt ở quanh viện, ai thuê gì làm nấy, rảnh rỗi hơn anh thường đi đánh giày và lăn sơn ở những con phố lân cận. Công việc anh Khương yêu thích nhất là được đi giao những hộp rau mầm. Đây là thứ thực phẩm sạch được mọi người trong xóm cùng làm để bán lấy tiền, bớt đi nỗi lo về sinh hoạt phí. Thế nhưng mùa này, cây rau cũng sợ cái oi nóng của thời tiết Hà Nội thành ra cả xóm phải nghỉ làm. Siết chặt bàn tay, anh Khương quả quyết: “Dù sức khỏe không được tốt như mọi người, thế nhưng em luôn động viên bản thân mình phải cố gắng”.

“Anh hỏi em có ước mơ không à? Ngày trước em ước mình được mạnh khỏe như mọi người, rồi tới khi gặp Liên em ước mơ hai đứa sẽ có một đám cưới đơn giản, bình thường. Thế nhưng rồi em lại sợ, bởi căn bệnh chúng em mắc phải không biết trong tương lai sẽ như thế nào! Em sợ nhỡ đâu người đi, người ở...”. Khương bỏ lửng câu nói khiến không gian xóm chạy thận trầm lắng hơn. Trong giây phút ấy Liên đan tay mình vào bàn tay anh Khương và động viên rằng: “Chúng mình cứ sống hạnh phúc là được”. “Mẹ Liên cũng quý em lắm, cũng ủng hộ hai đứa góp gạo thổi cơm chung”, câu nói về khát khao một gia đình nhỏ của anh Khương làm chúng tôi nhớ mãi.

Câu chuyện về tình yêu giản dị, mộc mạc của cặp đôi Liên - Khương có lẽ cũng là câu chuyện vui nhất cả xóm chạy thận. Ông Nguyễn Thanh Hải, người cao niên nhất tại đây rưng rưng: “Chúng tôi coi nhau như người nhà. Thấy hai đứa trẻ hạnh phúc thì nhưng ưu tư về bệnh tật cũng phần nào tan biến. Và ở đây dù nhìn đâu đâu cũng thấy nỗi lo về những lần chạy thận để cầm cự sự sống, khi mà mọi thứ tưởng như đã tuyệt vọng thì con người ta vẫn biết yêu thương nhau, vẫn mơ ước và hướng tới những điều bình dị”.

Câu nói chân thành của ông Hải khiến chúng tôi không khỏi xúc động, cô Trương Thị Lê mẹ của Liên tâm sự: “Ở đây ai cũng mang trong mình bạo bệnh, thế nên mỗi niềm vui nhỏ đều được mọi người nâng niu, trân trọng. Xóm chạy thận tuy nhỏ, tuy nghèo nhưng bác Hải, bác Hồng, chị Thúy, bà Tho... và cả tôi ai ai cũng ủng hộ tình yêu của Liên và Khương. Cũng có dạo, Liên - Khương giận nhau, mọi người biết chuyện đều cười xuề xòa, có thương có giận thì mới giống như một gia đình đúng nghĩa vậy”.

Khi đại dịch bùng phát, cuộc sống của những cư dân xóm chạy thận Ngọc Hồi trở nên khó khăn nhiều hơn. Không thể mưu sinh để trang trải cho cuộc sống và lo tiền thuốc thang, họ trở thành những người yếu thế nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19... Thế nhưng câu chuyện tình yêu giản dị, ăm ắp hạnh phúc của cặp đôi Liên - Khương trong xóm như tiếp thêm động lực cho mọi người cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này! 

VŨ MỪNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top