Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tạo đột phá, không đi theo lối mòn trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản

VHO- Ngày 6.8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương đã có buổi làm việc với Cục Di sản Văn hóa và các đơn vị chức năng thuộc Bộ về chuyên đề nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa.

[EasyDNNGallery|81290|Width|700|Height|500|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Ghi nhận những kết quả trong công tác quản lý lĩnh vực di sản văn hóa thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý, thực tế vẫn đang đặt ra nhiều bài toán cần giải pháp tháo gỡ. Những vấn đề về thể chế pháp luật, nguồn lực đầu tư, đội ngũ… đang cần được khẩn trương hoàn thiện, chuyên nghiệp hóa nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực di sản văn hóa, một trong những lĩnh vực “xương sống” của toàn ngành.
Đâu là mấu chốt để tạo đột phá?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa  thời gian qua còn có nhiều vấn đề bất cập, cần giải pháp tháo gỡ. Tiếp tục quán triệt tinh thần nghĩ thật, nói thật và làm thật, Bộ trưởng yêu cầu Cục Di sản Văn hóa nhìn vào những vấn đề mấu chốt như tổ chức bộ máy; nguồn nhân lực; mối quan hệ với các địa phương trong  bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản; nguồn lực đầu tư;  xếp hạng di tích…, từ đó, thấy rõ những vấn đề, những điểm nghẽn cần khơi thông. “Chúng ta phải nhìn thẳng vào nguồn lực hiện có, nhận thức rõ những vấn đề mấu chốt để có giải pháp tạo đột phá, không đi theo lối mòn. Muốn vậy, với vai trò tham mưu lãnh đạo Bộ để kiến tạo nguồn lực, Cục phải thấy được những vấn đề nào đang đặt ra cấp thiết?”, Bộ trưởng nêu vấn đề.

[EasyDNNGallery|81286|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu 

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa trong thời gian qua được thể hiện qua việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa theo đặc thù của 4 lĩnh vực, bao gồm:  di tích,  di sản văn hóa phi vật thể, bảo tàng, di sản tư liệu. Đến nay, ngoài Luật Di sản Văn hóa (ban hành năm 2001 và sửa đổi, bổ sung năm 2009), hành lang pháp lý trong lĩnh vực này còn có 8 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 17 Thông tư, 4 Quyết định ban hành Quy chế, quy định, định mức theo thẩm quyền của Bộ VHTTDL. Hầu hết các địa phương đã ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; 8 di sản thế giới đã ban hành Kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ.
Cả nước có hơn 4 vạn di tích và khoảng gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 28 di sản được UNESCO ghi danh, 119 di tích quốc gia đặc biệt, 3581 di tích quốc gia; 396 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 66 nghệ nhân được phong danh hiệu NNND, 1121 NNƯT.

Lĩnh vực hợp tác quốc tế  đã  thu hút được các nguồn lực đáng kể cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản thông qua nhiều dự án; chương trình hợp tác.

[EasyDNNGallery|81287|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu 

 “Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ  và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua còn tồn tại một số bất cập: nhận thức về di sản văn hóa chưa thực sự sâu sắc và toàn diện; một số quy định pháp luật liên quan đến quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn chồng chéo, thiếu đồng bộ; tình trạng vi phạm, xâm hại di tích; nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản còn thấp, chưa thu hút được nhiều nguồn lực; việc phân cấp quản lý còn bất cập; tuyên truyền, quảng bá di sản đạt hiệu quả chưa cao; nguồn nhân lực quản lý còn chưa tương xứng yêu cầu thực tiễn”, bà Lê Thị Thu Hiền nêu.
Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cũng đề xuất các nhóm giải pháp khắc phục bất cập nêu trên, theo đó, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực của hệ thống pháp luật chuyên ngành; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phân cấp quản lý  gắn với kiểm tra, giám sát; tăng mức đầu tư cho di sản văn hóa, tăng cường xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho hoạt động  bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm về tình trạng bảo vệ di sản; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa di sản…
Lấp “điểm trống” trong hành lang pháp lý
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa hiện nay cơ bản đồng bộ, tuy nhiên quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập cần bổ sung. Luật hiện nay còn có những “điểm trống” về quản lý di sản tư liệu, quản lý đặc thù đối với các di sản đã được UNESCO công nhận, quản lý đối với hệ thống các bảo tàng... Đây là những vấn đề cần bổ sung trong Luật.

[EasyDNNGallery|81288|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu 

Tại buổi làm việc, các Thứ trưởng đã nêu nhiều ý kiến, đề nghị Cục Di sản Văn hóa tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đề xuất tham mưu lãnh đạo Bộ những vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực được phân công nhiệm vụ. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, di sản văn hóa là lĩnh vực đặc thù, mang tính hàn lâm và bác học, công tác quản lý nhà nước phải giải quyết khối lượng công việc lớn, vừa đảm bảo các yêu cầu về giữ gìn, bảo tồn các giá trị nguyên gốc của di tích; vừa phát huy giá trị của các di sản, di tích trong đời sống. 
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, việc xếp hạng các di tích có ý nghĩa quan trọng nhằm giữ lại những giá trị của di sản, di tích cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khoa học, tạo cơ sở nền tảng cho công tác bảo vệ, chống xuống cấp di tích thì công việc này cần được rà soát, đánh giá lại. Bên cạnh đó, cần chú ý vấn đề chuyên nghiệp hóa trong công tác quản lý và bảo tồn di tích, nâng cao trình độ đội ngũ quản lý di sản, di tích; chú trọng đẩy mạnh số hóa… “Việc sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa rất cần thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

[EasyDNNGallery|81289|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu 

Khẳng định tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong việc tạo nền tảng, tiền đề triển khai các nhiệm vụ khác của ngành như xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội…, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy lưu ý, thời gian tới, Cục Di sản Văn hóa cần tập trung nguồn lực, trí tuệ để rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xác định những vấn đề còn bất cập, điểm trống cần bổ sung. Theo đó, cần lưu ý sức sống của Luật, đặc biệt trong những vấn đề như áp dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản. Cần quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đã được công nhận ở các cấp; nâng cao năng lực cán bộ; xác định vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản…
Phát huy giá trị, đưa di sản, di tích trở thành điểm đến du lịch
Bộ trưởng yêu cầu Cục Di sản Văn hóa tiếp thu các ý kiến, chỉ đạo của các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị có liên quan tại buổi làm việc để nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam sở hữu một hệ thống di sản, di tích phong phú và đồ sộ. Trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về văn hóa đều khẳng định giá trị và tầm quan trọng của kho tàng vô giá này. Thông qua công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa nhằm phát huy chức năng giáo dục, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lĩnh vực di sản văn hóa cũng mang lại kết quả tích cực về kinh tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. “Chưa bao giờ sức mạnh mềm từ di sản văn hóa phát huy mạnh mẽ như những năm qua…”, Bộ trưởng khẳng định.
Trong kết quả chung đó, lãnh đạo Bộ ghi nhận sự nỗ lực của Cục Di sản Văn hóa trong tham mưu, hoạch định chính sách và hoàn thành khối lượng công việc lớn, bước đầu đáp ứng được những yêu cầu chung. Nhìn lại 7 tháng qua, trong thời gian đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, toàn ngành  tiếp tục quán triệt những quan điểm lớn, nhận thức sâu về lĩnh vực di sản. Trong đó, Cục đã  tham mưu Bộ trình Thủ tướng ban hành Quyết định 1230/QĐ-TTg về Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở để ngành tiếp tục triển khai những công việc quan trọng trong giai đoạn tiếp theo.

[EasyDNNGallery|81285|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền báo cáo tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, Cục đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị chuyên đề có chất lượng; nghiên cứu triển khai và tiếp cận xu hướng số hóa di sản, phù hợp với bối cảnh 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, Cục đã phối hợp Vụ Pháp chế và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để đề xuất lãnh đạo Bộ và cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện, giúp cho công tác quản lý Nhà nước bằng công cụ pháp luật sát hơn, đúng hơn, đầy đủ hơn.
Về những vấn đề còn hạn chế, cần giải quyết trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu cần thẳng thắn nhìn vào từng bất cập để tìm giải pháp. “Trong dư luận và trên các diễn đàn truyền thông chúng ta vẫn bắt gặp những vấn đề như “di sản kêu cứu”, “biến dạng di tích”…, vì vậy, phải thấy được điều quan trọng nhất hiện nay là làm gì để bảo vệ, phát huy được các giá trị của di sản, chống xuống cấp di tích. Vấn đề nguồn lực đầu tư hiện còn rất thiếu, hoặc chỉ có nguồn lực của Nhà nước mà thiếu giải pháp huy động nguồn lực xã hội trong bảo tồn di tích. Phải thấy rằng, di tích, di sản là của Nhà nước, của nhân dân nhưng đầu tư, tôn tạo và quản lý sử dụng  thì phải có nhiều hình thức và phải được quy định trong Luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng, nhiều di sản sau khi được vinh danh chưa được quan tâm đúng mức việc phát huy giá trị. “Các di sản như quan họ, hát Xoan, bài chòi… sau khi được vinh danh đang ở trong cộng đồng như thế nào? Cục Di sản Văn hóa cần phối hợp với các Cục chức năng của Bộ, các địa phương để đánh giá thấu đáo vấn đề này”.
Bộ trưởng cũng lưu ý, công tác xếp hạng di tích, ghi danh di sản cần được rà soát, đánh giá cẩn trọng, chú trọng các yếu tố khoa học, thực chất, tôn vinh xứng đáng, kèm theo là các giải pháp phát huy giá trị di sản, di tích. Đồng thời, cần chú trọng rà soát hiệu quả việc phân bổ nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đảm bảo hiệu quả, đúng đắn và trách nhiệm.

[EasyDNNGallery|81291|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Trần Hoàng phát biểu

Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu, trước khi Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 được ban hành, trước mắt, Cục Di sản Văn hóa  cần nghiên cứu, tập trung thực hiện một số đầu việc lớn. Trong đó, thể chế là khâu đột phá quan trọng, từ nay đến hết năm 2021 và chuẩn bị cho năm 2022, Cục khẩn trương phối hợp với Vụ Pháp chế và các Cục, Vụ đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa. Trên tinh thần Luật là động lực của sự phát triển, những nội dung sửa đổi, bổ sung cần nghiên cứu bài bản, căn cơ.
Đồng thời, sơ kết chương trình tôn tạo, bảo tồn di tích giai đoạn 2015-2020 để xây dựng một số hạng mục, danh mục có tính chất trọng tâm trọng điểm, hướng đến khắc phục những bất cập trong công tác bảo tồn, bảo vệ các giá trị di sản ở các địa phương. 
Tập trung nghiên cứu để chỉ đạo hệ thống bảo tàng, trong đó tập trung nhiều hơn ở các Bảo tàng cấp Bộ về những vấn đề đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt về ứng dụng chuyển đổi số, tiến tới tham mưu cho lãnh đạo Bộ nội dung phát huy  hơn nữa chức năng giáo dục truyền thống thông qua các bảo tàng. Bộ trưởng yêu cầu xây dựng chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL với Bộ GD & ĐT, làm “sống lại” hoạt động của các Bảo tàng thông qua  công tác giáo dục truyền thống, các hoạt động ngoại khóa, mô hình trải nghiệm… 

[EasyDNNGallery|81292|Width|600|Height|400|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Chánh Văn phòng Bộ Lê Đức Trung phát biểu

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phải có giải pháp phát huy giá trị di sản, di tích thông qua du lịch. Theo đó, cần có ngay chương trình phối hợp với Tổng Cục du lịch để triển khai đồng bộ việc phát huy giá trị di sản, tạo điểm đến hấp dẫn.  Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp hạng là điểm đến hàng đầu về di tích di sản. Lợi thế này cần phát huy…”.
Về nội dung tổng rà soát các di tích, di sản đã được xếp hạng thời gian qua, Bộ trưởng yêu cầu cần có nghiên cứu thấu đáo để đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ thống nhất chủ trương, lộ trình thời gian tới. Vấn đề đô thị di sản cần có cách nghiên cứu, tiếp cận mới để tham mưu lãnh đạo Bộ một cách thấu đáo, khoa học, không cảm tính… 
“Để hoàn thành khối lượng công việc lớn này, Cục phải tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trách nhiệm, đoàn kết,  phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm góp phần bảo vệ, phát huy giá trị vô giá của kho tàng các di sản văn hóa dân tộc…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc