Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

“Mẹ tôi bị Taliban sát hại vì không chịu nấu ăn cho tay súng”

Thứ Năm 19/08/2021 | 09:53 GMT+7

VHO- Najia đang ở nhà với các con của mình ở ngôi làng nhỏ ở miền bắc Afghanistan khi các chến binh Taliban gõ cửa nhà cô.

Cửa sổ vỡ toang khi Taliban ném lựu đạn vào nhà Najia (Ảnh: CNN)

Ám ảnh kinh hoàng

Con gái của Najia, Manizha (25 tuổi) đã từng nói với mẹ của mình rằng, họ sẽ lại đến và làm điều tương tự vào 3 ngày trước. Trước đó, các tay súng Taliban đã từng yêu cầu Najia nấu ăn cho 15 tay súng khác.

“Mẹ tôi nói với họ là đã hết thức ăn vì quá nghèo. Lập tức, họ đánh mẹ tôi và bà ấy gục xuống. Chúng dùng khẩu AK-47 và bắn vào người bà”, Manizha kể lại vụ thảm sát mẹ mình.

Cô cũng cho biết, cô đã hét lên và yêu cầu các tay súng dừng lại: “Tuy nhiên, chúng chỉ dùng 1 lúc trước khi ném lựu đạn vào phòng bên cạnh rồi bỏ chạy. Ngọn lửa lan rộng. Mẹ của chúng tôi đã chết do bị đánh đập”.

Vụ tấn công xảy ra vào ngày 12.7 là một minh chứng xác thực cho việc phụ nữ trên khắp Afghanistan đang phải đối mặt với rủi ro về an toàn sau khi Taliban tiếp quản đất nước. Tên của các nạn nhân trong câu chuyện đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của họ với lý do an toàn.

Taliban đã lên tiếng phủ nhận việc giết Najia, người mẹ ở tỉnh Faryab. Nhưng lời nói của Taliban đang mâu thuẫn với các nhân chứng và quan chức địa phương, những người xác nhận cái chết của một phụ nữ 45 tuổi.

Một người hàng xóm đã hét lên để những kẻ sát nhân dừng lại. Họ cho biết nhiều phụ nữ trong làng của Najia là góa phụ của binh lính Afghanistan. Họ kiếm sống bằng nghề bán sữa nhưng Taliban "không cho phép điều đó". Người này đã phải thốt lên: "Chúng tôi không có đàn ông trong nhà, chúng tôi sẽ làm gì? Chúng tôi muốn trường học, trạm y tế và tự do như những phụ nữ khác”.

Những ngày qua, phụ nữ tại Afghanistan phải sống trong lo sợ khi các tay súng Hồi giáo Taliban chiếm được nhiều thành phố lớn bởi sự rút lui của quân đội Mỹ và đồng minh. Tốc độ tiến công nhanh không ngờ của Taliban khiến người dân mất cảnh giác. Một số phụ nữ cho hay họ còn không có đủ thời gian mua một chiếc khăm trùm đầu burqa để tuân theo quy định hà khắc của Taliban. Theo đó, phụ nữ phải che kín mặt và phải đi cùng người thân là nam giới khi ra khỏi nhà.

Đối với phụ nữ ở Afghanistan, giờ đây, tấm vải dài che mặt giờ trở thành biểu tượng cho sự mất mát đột ngột và tàn khốc của các quyền mà họ được hưởng trong hơn 20 năm qua. Quyền được làm việc, học tập, tự do di chuyển hay thậm chí sống trong hòa bình giờ đây có nguy cơ “chỉ còn trong giấc mơ”.

Sự ngờ vực sâu sắc

Khi Taliban cai trị Afghanistan lần cuối từ năm 1996 đến 2001, nhóm phiến quân đã đóng cửa các trường nữ sinh, cấm phụ nữ được đi làm. Phải đến 2001, Hoa Kỳ can thiệp quân sự và đẩy lùi Taliban, các đạo luật hà khắc do tổ chức này áp đặt lên phụ nữ mới được giảm bớt. Năm 2009, luật “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” đã hình sự hóa tội phạm hiếp dâm, cưỡng bức, ép buộc kết hôn. Hành vi cấm phụ nữ hoặc trẻ em gái làm việc, học tập cũng bị coi là bất hợp pháp.

Tuy rằng lần này, Taliban hứa hẹn sẽ thành lập một “Chính phủ Hồi giáo hòa nhập Afghanistan” nhưng hiện vẫn chưa rõ sẽ thực hiện theo hình thức nào và ban lãnh đạo có bao gồm phụ nữ hay không.

Farzana Kochai, người từng là thành viên của Quốc hội Afghanistan nói cô ấy không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo: “Chưa có thông báo rõ ràng về hình thức của Chính phủ trong tương lai. Thậm chí, chúng tôi còn không biết liệu có Quốc hội trong Chính phủ tương lai hay không?”.

Farzana cũng lo lắng về quyền tự do trong tương lai của mình với tư cách là một phụ nữ: “Đây là điều tôi quan tâm nhiều hơn và tôi tin mọi phụ nữ trên đất nước Afghanistan cũng có lo ngại giống như tôi. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm các thông tin về việc liệu phụ nữ có được phép có một công việc chính đáng hay không?”.

 Phụ nữ tụ tập bên ngoài văn phòng Liên hợp quốc ở Kabul để tìm kiếm sự giúp đỡ vào tháng 1.1999 (Ảnh: CNN)

Phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen từng khẳng định, dưới thời của Taliban, phụ nữ sẽ được học tập. Các trường học sẽ mở cửa. Trẻ em gái và phụ nữ sẽ được đến trường với tư cách là giáo viên, học sinh. Nhưng từ những câu chuyện thực tế của người dân địa phương, một viễn cảnh hoàn toàn khác lại được vẽ lên. Người dân hiện có quyền ngờ vực Taliban sẽ một lần nữa gây ra sự khốn khổ cho người dân như cách nhóm đã từng làm trong quá khứ.

Vào tháng 7 vừa qua, Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan cho biết, những khu vực mà Taliban kiểm soát phụ nữ không được tham gia các dịch vụ y tế mà không có người giám hộ là nam giới. Truyền hình bị cấm, phụ nữ phải buộc che mặt lại, đàn ông phải nuôi râu. Ủy ban cũng thông tin, các học giả tôn giáo, quan chức chính phủ, nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền và phụ nữ đã trở thành nạn nhân của những vụ giết người có chủ đích. Khi Taliban kiểm soát Afghanistan lần cuối, những phụ nữ không tuân lệnh đã bị đánh đập.

Chúng tôi đã mất tất cả

Trong 10 ngày qua, chiến thắng liên tiếp của Taliban trên hàng chục thủ phủ của các tỉnh đã đưa phụ nữ Afghanistan đến gần hơn với quá khứ mà họ rất muốn quên đi.

Pashtana Durrani, người sáng lập và giám đốc điều hành của Learn, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào giáo dục và quyền phụ nữ Afghanistan chia sẻ cô đã hết nước mắt vì đất nước của mình: "Tôi đã khóc rất nhiều, không còn nước mắt để khóc nữa. Chúng tôi đang để tang cho sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan”.

Durrani kể lại cô đã nhận được rất nhiều tin nhắn từ cả nam sinh cũng như nữ sinh. Các học sinh của cô đều tuyệt vọng và cho rằng những năm học tới sẽ “chẳng ra gì”.

“Taliban liên tục nói về giáo dục của các bé gái. Nhưng họ chưa chứng minh được bằng hành động cụ thể. Họ nói theo mọi thứ sẽ theo luật Hồi giáo, nhưng còn giáo dục giới tính thì sao? Một nền giáo dục chuyên nghiệp họ cũng không nói tới. Chỉ cần nghĩ đến là tôi đã tuyệt vọng vì không hề có câu trả lời nào được đưa ra về vấn đề này”.

Không chỉ vậy, sự an toàn của phụ nữ Afghanistan cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Giờ đây, đi ra ngoài hoặc làm bất cứ thứ gì đều được coi là mạo hiểm tính mạng đối với phụ nữ tại quốc gia này. Người dân rất cần viện trợ nhân đạo cho các dịch vụ khẩn cấp và thiết yếu như giáo dục.

Quay trở lại với sự việc xảy ra với Najia, con gái của cô Manizha cho hay những người thân còn lại trong gia đình đã phải rời bỏ nhà cửa và không ai dám trở lại ngôi nhà kể từ khi mẹ cô qua đời. Bản thân Mazhina cũng không đi ra ngoài nhiều.

“Taliban không cho bất cứ phụ nữ nào ra ngoài mà không đi cùng người thân là nam giới. Tôi rất muốn hưởng tự do và làm như thế nào để tôi có thể hưởng quyền đó? Đây không phải là đạo Hồi. Họ tự gọi mình là những người Hồi giáo. Việc trừng phạt phụ nữ như vậy hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Mazhina nghẹn ngào.

ĐÌNH TOÁN (Theo CNN)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top