Cần chính sách bền vững cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

VHO- Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo đề nghị các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố về việc có cơ chế, chính sách về vật chất và tinh thần đến lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp để bổ sung Covid-19 là bệnh nghề nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng tham gia chống dịch một cách bền vững.

Cần chính sách bền vững cho lực lượng tuyến đầu chống dịch - Anh 1

Lực lượng bác sĩ điều trị, xét nghiệm… đều có thể bị mắc Covid-19 trong quá trình làm việc - Ảnh: VŨ MỪNG

Bác sĩ Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức tại TP.HCM cho biết, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm. Hầu hết những y, bác sĩ ở đây không được đào tạo về bệnh truyền nhiễm nên khả năng lây nhiễm là rất cao. Nhưng với sự trợ giúp của các đồng nghiệp nhân viên y tế phải vừa học, vừa làm, vừa đào tạo những bác sĩ thuộc các chuyên môn khác để cùng chung tay điều trị cho bệnh nhân Covid-19. “Ngoài ra, bác sĩ, nhân viên y tế gặp áp lực về mặt tâm lý quá lớn khi phải chứng kiến không ít bệnh nhân tử vong. Tối đi làm về chỉ có khóc. Họ nhớ lại những cảnh làm việc, chứng kiến những cảnh đã qua, đã làm trong khi đó họ cũng phải xa gia đình, người thân để lao mình vào nơi nguy hiểm, nhiều rủi ro nên nhân viên y tế đang gặp áp lực rất lớn và đang phải chịu đựng hằng ngày, hằng giờ trong Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 này”, bác sĩ Thùy nói.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn y tế Việt Nam đã có nhiều chính sách động viên tinh thần các y bác sĩ, nhân viên y tế và gia đình họ như chương trình tặng 10.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho các y bác sĩ, hỗ trợ tiền mặt, các suất cơm, tặng thẻ học tiếng Anh, quà Trung thu cho con các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch… Để tiếp tục có những chính sách bền vững đối với y bác sĩ và lực lượng phòng, chống dịch, mới đây nhất Bộ Y tế đã có đề xuất để công nhận bệnh Covid-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ BHXH.

PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, theo nguyên tắc bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Chẳng hạn như bệnh điếc nghề nghiệp là người lao động làm việc trong môi trường có tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe của người làm việc. Khi đánh giá và xem xét bệnh Covid-19 có đủ yếu tố tạo nên bệnh nghề nghiệp nên Bộ Y tế đã đề nghị Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ để bổ sung bệnh Covid-19 là bệnh nghề nghiệp. Hiện nay, Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp tại dự thảo Thông tư bổ sung bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH.

Theo đề xuất của Bộ Y tế, đối tượng là người thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh như người lao động làm việc tại phòng thí nghiệm SARS-CoV-2 (lấy mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu); làm việc, phục vụ trong các bệnh viện điều trị người nhiễm Covid-19, khu cách ly tập trung, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ người nhiễm Covid-19 tại nhà; tham gia vận chuyển đường không, đường bộ phục vụ người nhiễm Covid-19, khu vực cách ly, điều trị, thi hài người mất do Covid-19. Người lao động tham gia khâm liệm, bảo quản, thiêu đốt, mai táng thi thể người mất do Covid-19; tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2; tham gia phòng chống dịch phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 (nhân viên hải quan, ngoại giao, làm công tác xuất nhập cảnh; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng quân đội/công an); làm các nghề/công việc khác tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Đồng thời, người lao động phải có biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với SARS-CoV-2 hoặc văn bản cử đi tham gia phòng chống dịch, phục vụ, hỗ trợ người nhiễm SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận và đóng dấu. 

T.SƠN - Q.HOA

Ý kiến bạn đọc