Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Kon Tum: Dự án thủy lợi phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phát huy hiệu quả

Thứ Hai 25/10/2021 | 07:45 GMT+7

VHO - Để phục vụ các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cũng như kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án phát triển rau - hoa xứ lạnh, năm 2016 - 2017 UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) đã đầu tư 2 công trình thủy lợi với kinh phí hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng hoàn thành, các công trình này chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

Từ khi hoàn thành cuối 2019, Cụm số 1 công trình thủy lợi kết hợp trạm bơm cấp nước ở thôn Kon Tu Rằng, bỏ hoang không sử dụng

Theo UBND xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum), trong 2 năm 2016 - 2017 UBND huyện đầu tư 2 công trình đập thủy lợi với tổng kinh phí khoảng 45 tỉ đồng. Bao gồm, công trình đập thủy lợi kết hợp trạm bơm cấp nước khu quy hoạch phát triển rau, hoa, quả và các loại cây trồng khác, được khởi công xây dựng từ tháng 9-2016, hoàn thành tháng 11-2019, với kinh phí trên 14 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; và công trình hệ thống nước tự chảy cấp nước tưới cho sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh tại khu 37 hộ, thôn Kon Tu Rằng được khởi công tháng 12-2017, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 8-2020, với kinh phí trên 31,7 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và Chương trình 30a.

Ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết, sau khi hoàn thành 2 công trình thủy lợi về cơ bản nguồn nước đáp ứng đủ cho nhu cầu của các hộ dân và các doanh nghiệp ở khu vực để phục vụ cho việc tưới tiêu.

Mưa xuống là bị “mất nước”

Theo tìm hiểu của phóng viên Văn Hóa, công trình hệ thống nước tự chảy khu 37 hộ, thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành có các hạng mục như: đập đầu mối để lấy nước, đường ống và 6 bể chứa với dung tích mỗi bể 250m3 để cung cấp nước tưới cho 76 ha rau, hoa quả của các hộ dân bằng phương pháp tưới tiết kiệm. Mỗi bể có 9 van lấy nước. Hộ dân có nhu cầu sử dụng tự đầu tư đường ống lấy nước từ bể về rẫy để tưới. Anh Trịnh Tuấn Lai, Phó Bí thư Chi bộ thôn Kon Tu Rằng là một trong số những hộ dân hưởng lợi từ công trình. Anh Lai cho biết, gia đình sử dụng nguồn nước này để tưới cho 3 ha rau, hoa của mình. Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, hơn 1 năm qua về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về nước tưới cho các hộ dân trong khu vực này. Lượng nước chảy suốt ngày đêm. Tuy nhiên, theo anh Lai vì đây là hệ thống nước tự chảy nên phụ thuộc rất nhiều vào lượng nước đầu nguồn, mùa mưa thì hay bị tắt vì bùn rác.

“Vừa rồi do ảnh hưởng của mưa bão nên trên địa bàn bên huyện Kon Plông và khu vực này có các trận mưa lớn cục bộ khiến cho các loại rác, lá cây, đất, đá dồn về bờ đập gây nên tình trạng tắc đường ống, nước không về được. Vào mùa khô thì không sao, nhưng vào mùa mưa thì nó hay thường xuyên xảy ra”, anh Lai nói và kiến nghị.

“Tôi cũng mong muốn là thành lập một cái Ban, gọi là Ban vận hành đường nước này. Bởi vì hệ thống nước tự chảy mỗi lần có rác ở trên đầu nguồn thì chúng ta đi dọn rác để bảo vệ đường nước về cho nó suôn sẻ. Mỗi lần mưa lớn trên thượng nguồn là cát với lá cây, cành cây dồn về bờ đập sẽ gây ra hiện tượng tắt nguồn nước vào. Từ đây mà lên tới bờ đập mất khoảng 3 giờ đi bộ theo đường rừng, nên cũng mong các cấp ban, ngành chức năng tạo điều kiện thành lập một cái Ban vận hành hệ thống nước thì sẽ suôn sẻ hơn”.

Nếu không được quản lý, vận hành thường xuyên thì công trình sẽ gây lãng phí và xuống cấp

Cả công trình thủy lợi chỉ có 1 đơn vị sử dụng

Công trình thủy lợi kết hợp trạm bơm cấp nước dự kiến tưới cho 100 ha khu quy hoạch phát triển rau, hoa, quả và các cây trồng khác tại thôn Kon Tu Rằng có 2 cụm. Mỗi cụm có 1 đập dâng, 1 trạm bơm 2 cấp và 1 bể chứa 400m3. Trong đó, cụm số 1 đặt ở khu vực suối Đăk Pông, do chưa thu hút được dự án đầu tư nên sau khi công trình hoàn thành từ tháng 11-2019 đến nay vẫn chưa hoạt động. Tại bể chứa tuy có nước nhưng chưa được kết nối với hệ thống ống tưới.

Cụm số 2 được đặt tại khu vực đầu nguồn thác Pa Sỹ, hiện nay chỉ có 1 dự án đăng ký sử dụng nước tưới. Đó là điểm du lịch sinh thái Thiện Mỹ Farm. Bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Thiện Mỹ Kon Tum cho biết, trước đây, nguồn nước tưới cho khu vực này rất khó khăn, có hộ khoan giếng cả 100 mét nhưng đến mùa khô vẫn kiệt, chủ yếu là tận dụng nước mưa. Từ khi có hệ thống nước của nhà nước đầu tư đã giúp cho trang trại rất nhiều trong vấn đề phát triển nông nghiệp, mở rộng quy mô diện tích sản xuất.

“Khi chúng tôi mới lên, nhà nước chưa đầu tư hệ thống nước thì mình trồng rất là hạn chế, mà nguồn nước mình phải lệ thuộc vào nước mưa, rồi dùng hết các phương tiện để chứa rất là cực. Hơn nữa, mình không thể mở rộng phát triển được do lượng nước hạn chế, nước mưa mình trữ thì có giới hạn thôi. Từ ngày hệ thống nước tưới được đầu tư phải nói rằng tạo điều kiện cho chúng tôi phát triển trang trại rất là nhiều. Mình có thể mở rộng quy mô, đồng thời lượng nước đủ cung cấp nên cây trồng của mình phát triển tốt hơn”, bà Mỹ chia sẻ.

Lý giải về tình trạng có công trình thủy lợi nhưng chỉ duy nhất có 1 đơn vị sử dụng, ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành (đơn vị được giao quản lý công trình) này cho rằng: “Do dịch bệnh covid-19 nên các dự án, các khu vực sản xuất nông nghiệp, khu vực phụ cận của bể chứa chưa nhiều, nên việc bơm nước lên để phục vụ cho việc tưới tiêu cũng chưa thường xuyên; vì vậy, có những giai đoạn không có nước. Một phần nữa cũng là mùa mưa các hộ dân sẽ tận dụng nguồn nước mưa hoặc là nguồn nước khác nên chưa có nhu cầu sử dụng đến”.

Việc UBND huyện Kon Plông đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng các công trình thủy lợi là hướng đi đúng để “đi tắt đón đầu” kêu gọi đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, rõ ràng với tình trạng không có hoặc ít đơn vị sử dụng sẽ gây nên tình trạng lãng phí của công, chưa kể đến đó là tình trạng xuống cấp nếu như không được quản lý, vận hành thường xuyên.

NGỌC HÒA

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top