Nỗi niềm người dân phố cổ

VHO- Đến thời điểm hiện nay, dự kiến mới chỉ có Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh sẽ đón khách nước ngoài theo lộ trình mở cửa du lịch quốc tế giai đoạn 1, điều này khiến nhiều người dân phố cổ Hà Nội đặc biệt là những hộ kinh doanh du lịch thấp thỏm lo âu.

Nỗi niềm người dân phố cổ - Anh 1

 Chị Hồng bày bán thúng hoa quả chờ ngày được đón khách

 Mở cũng không biết bán cho ai

Anh Đ.T.Đ, một người làm điều hành tour ở khu vực phố cổ đã “chuyển nghề” sang làm môi giới bất động sản từ hơn một năm nay. Việc ngừng đón khách du lịch một thời gian dài khiến anh lâm vào cảnh khó khăn, công ty ngừng hoạt động, từ “sếp” đến nhân viên phải xoay đủ nghề để mưu sinh. Do có mối quan hệ, anh tham gia cùng nhóm bạn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. “Cuối năm ngoái còn túc tắc, đến đầu tháng 5 vừa rồi, dịch bùng phát, rồi giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh bất động sản cũng ngưng trệ, coi như lại thất nghiệp lần hai.”, anh Đ cho biết. Mặc dù đã nhận sự hỗ trợ, nhưng cũng chỉ mang tính động viên chứ khó duy trì cuộc sống của gia đình. Chính vì thế, việc được mở cửa đón khách quốc tế sẽ mở lại cơ hội cho anh Đ cũng như nhiều người khác quay lại với nghề.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng (quê ở Phú Thọ), một nhân viên khách sạn tại phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm “may mắn” hơn nhiều người khác trong nghề. Khi bùng phát dịch, khách sạn nơi chị làm việc có hai khách, một khách nước ngoài và một khách nội địa bị kẹt lại ở Hà Nội. Chị và một người khác được chủ khách sạn hỗ trợ 3,5 triệu đồng/tháng để làm công việc phục vụ khách tại khách sạn. Mỗi người làm việc 15 ngày 24/24h, làm kiêm đủ việc từ dọn phòng, trực khách sạn, phục vụ cơm nước, giặt là… Chồng chị trước làm lái xe, chuyên đưa đón khách cho khách sạn, dịch dã không có việc nên chạy Grab kiếm thêm. May mắn được chủ khách sạn thương, hai vợ chồng trả nhà trọ, chuyển vào khách sạn ở nên cũng giảm được một khoản lớn chi phí. Thời gian rảnh rỗi, chị xin chủ khách sạn cho bày bán thêm nước ép hoa quả trước cửa khách sạn kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, chị còn làm tư vấn viên của một đơn vị bảo hiểm. Xoay đủ nghề để trụ vững trước những khó khăn do Covid-19, chị Hồng mong Hà Nội sớm mở cửa cho phép đón khách du lịch quốc tế trở lại, để chị có một công việc ổn định như trước đây.

Không chỉ có chị Hồng, anh Đ, nhiều người dân phố cổ Hà Nội cũng mong mỏi ngóng ngày được đón khách nước ngoài. Khoảng hai năm nay, phố cổ Hà Nội đìu hiu trông thấy, khác hẳn với sự nhộn nhịp, tấp nập vốn có hằng ngày. Dạo qua những con phố Hàng Bè, Mã Mây, Đinh Liệt, Hàng Đào… hàng quán dù mở trở lại, nhưng người dân vẫn còn nhiều nỗi âu lo. Những cửa hàng mở lại chủ yếu là bán quần áo, hàng hóa cho người Việt, lượng khách cũng chỉ lác đác, khách buôn ở các tỉnh lấy hàng cũng không nhiều. Những cửa hàng ăn phục vụ du lịch, cửa hàng bán đồ lưu niệm thì tuyệt nhiên đóng cửa. Bởi có mở ra thì biết bán cho ai? Một số công ty du lịch ở khu vực phố cổ Hà Nội cũng đã mở cửa, nhưng cũng chỉ mở ra cho đỡ nhớ nghề, nhớ khách.

Hy vọng ngày mai tươi sáng

Một người dân ở phố Hàng Bè cho biết, các cửa hàng lưu niệm đóng cửa, là do người kinh doanh đã trả lại mặt bằng, chưa có khách thuê lại nên biển hiệu vẫn để đó, hàng hóa chưa chuyển đi được nên vẫn để trong cửa hàng. Nhiều cửa hàng mặt tiền trên một số tuyến đường khách ở phố cổ luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài. Chỉ trừ chủ cửa hàng là chủ nhà thì còn mở cửa, còn những người ở nơi khác đến thuê mặt bằng thì hầu như không có, bởi qua nhiều đợt bùng phát dịch, những người thuê mặt bằng đã trả lại cửa hàng. Giá thuê quá cao, không kinh doanh được, mặc dù chủ nhà giảm giả hàng chục triệu đồng/ tháng, nhưng nhiều cửa hàng phố cổ vẫn ế ẩm khách thuê.

Trước đây, để thuê được mặt bằng phố cổ Hà Nội, khách phải xếp hàng, chủ nhà hét giá cao vẫn có khách tranh thuê. Còn giờ, mỗi lần nhắc đến mặt bằng thuê nhà phố cổ, không ít người kinh doanh nổi da gà. Khu vực phố cổ Hà Nội, kinh doanh chủ yếu phục vụ khách du lịch, trong đó phần lớn là phục vụ khách nước ngoài. Chính vì thế, những chủ nhà ở phố cổ Hà Nội hơn ai hết mong ngóng khách nước ngoài được trở lại Việt Nam. Khách nước ngoài trở lại, đồng nghĩa với việc hồi sinh nhiều ngành nghề kinh doanh. Khách du lịch đến, đồng nghĩa với các dịch vụ đi kèm. Từ chai nước, mớ rau, con cá, quán ăn, quán cà phê, các làng nghề thủ công mỹ nghệ… sẽ nhộn nhịp hoạt động, thúc đẩy cho sự phát triển của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho không ít người dân.

Với những động thái mạnh mẽ của các cấp, các ngành trong việc khôi phục kinh tế, trong đó có du lịch, những người dân phố cổ Hà Nội cũng như những người kinh doanh tại đây đang tràn trề hy vọng vào một ngày mai tươi sáng trở lại. Nhịp sống phố cổ Hà Nội chính là biểu tượng cho nhịp sống Hà Nội, cho nhịp sống bình thường của một thành phố bình yên. Mong lắm một ngày phố cổ Hà Nội lại đông đúc, nhộn nhịp khách nước ngoài, đó là mong ước của người dân phố cổ nói riêng và người dân Hà Nội nói chung. 

HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc