Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời đại số

Thứ Sáu 05/11/2021 | 10:36 GMT+7

VHO- Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 và Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai năm 1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp được tổ chức sẽ là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển ngành văn hóa.

Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ và triển khai các quan điểm, chủ trương về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đây có thể coi là một “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, nơi các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của giới trí thức, văn nghệ sĩ, người làm văn hóa trong cả nước, góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Không gian này trở thành một cái “chợ trời”

Trong bối cảnh thời đại số, cuộc sống số, chuyển đổi số, các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên cũng gặp không ít thách thức, khó khăn. Tuy được hòa mạng internet toàn cầu khá muộn, nhưng sau hơn 20 năm phát triển, đến nay Việt Nam đã thuộc top đầu các nước “có tương tác cao với internet”. Công nghệ kỹ thuật số đang làm thay đổi căn bản phương thức sáng tạo, phổ biến, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của người dân.

Với ưu thế vượt trội về quyền tự do, cởi mở, ít bị kiểm duyệt, tốc độ lan truyền nhanh, phạm vi phổ biến rộng, tính tương tác cao..., việc lưu hành và phát triển văn học, nghệ thuật trên mạng internet có những thuận lợi lớn. Không gian mạng góp phần đa kênh hóa, đa dạng hóa các phương thức phổ biến, công bố tác phẩm, đồng thời kích thích năng lực sáng tạo của các cá nhân. Trên môi trường mạng, mỗi người đều có quyền bộc lộ tối đa “cái tôi”, thể hiện quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do hành động. Internet là không gian tuyệt vời để những người có năng khiếu nghệ thuật mang tài năng đến với công chúng nhanh nhất. Không ít nhà văn, ca sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim… được phát hiện thông qua môi trường này. Trên các blog, website, mạng xã hội đang diễn ra những thử nghiệm văn học, nghệ thuật táo bạo nhất mà không sợ bị phê phán, lên án hay cấm đoán. Điều đó tạo tiền đề cho những thay đổi tích cực về chủ đề phản ánh, phương thức thể hiện, kích thích những cách tân trong ngôn ngữ nghệ thuật, thể loại, cách biểu đạt, kỹ xảo làm nghề.

Tuy nhiên, quyền tự do không giới hạn trên mạng cũng đang khiến không gian này trở thành một cái “chợ trời” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lướt qua các website, mạng xã hội chúng ta có thể bắt gặp đủ thứ thượng vàng hạ cám, vàng thau lẫn lộn. Trong lĩnh vực điện ảnh, hàng trăm website phim trực tuyến với hàng ngàn bộ phim trong và ngoài nước được chiếu miễn phí tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt với giới làm nghề. Gần đây rộ lên trào lưu làm phim chiếu mạng (web drama) chủ yếu về xã hội đen, thế giới ngầm, giang hồ xăm trổ; các phim ngắn, video-clip tự chế khai thác các chủ đề nhạy cảm, khiêu dâm, hài nhảm, chửi bởi, dao kiếm. Nhiều bộ phim có nội dung tầm thường, câu khách, giật gân, ít có tính giáo dục, nhưng lại được giới trẻ ưa chuộng và đạt số lượng người xem kỷ lục so với phim chiếu rạp.

Rapper Chị cả đã khiến người xem phản ứng gay gắt khi phát tán ca khúc Censored, trong đó có một đoạn ám chỉ quan hệ loạn luân ( Trong ảnh: rapper Chị cả trong một poster quảng cáo về Rap)

Trong nghệ thuật biểu diễn, bên cạnh các nhạc phẩm, chương trình nghệ thuật, vở diễn có chất lượng cao cả về nội dung và hình thức nghệ thuật thì cũng có không ít nhạc phẩm dễ dãi, “sến súa”, các chương trình, show diễn “mì ăn liền” đầy chất thương mại. Xuất hiện các “nhạc sĩ tự phong”, “ca sĩ hội chợ” lạm dụng kỹ thuật kích âm, phần mềm công nghệ để tạo ra những sản phẩm rởm rít. Các hiện tượng như Lệ Rơi, Bà Tưng…, những “ngôi sao nhạc chợ” không phải là hiếm trên môi trường mạng. Cái dở, cái sáo, cái dễ dãi đang lên ngôi trong đời sống âm nhạc nước nhà, như trào lưu Bolero hiện nay, trong khi các sản phẩm nghệ thuật được đầu tư nghiêm túc, khổ công luyện tập của các nghệ sĩ đích thực thì lại kén người xem.

Trong mỹ thuật, bên cạnh đời sống nghệ thuật sôi động, phong phú trên mạng, sự gia tăng cơ hội tham quan các bảo tàng ảo, triển lãm ảo, sự phát triển của đồ họa vi tính, mỹ thuật đa phương tiện, thì cũng có không ít sáng tác thô lậu, phản cảm, “tự nhiên chủ nghĩa”, đánh đố người xem, không đưa ra được những thông điệp nghệ thuật nghiêm túc. Các thể loại tranh nude, ảnh khỏa thân được tung thoải mái trên mạng cho mọi lứa tuổi truy cập.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ứng dụng công nghệ phục vụ khách tham quan

Trong văn học, bên cạnh những tác phẩm văn học mạng có những đổi mới, cách tân, sáng tạo thì cũng có không ít tiểu thuyết ngôn tình dễ dãi, những truyện ngắn “ba xu”, các sáng tác dưới mác “văn học dân gian hiện đại” với đủ loại châm biếm, giễu nhại, tiếu lâm thô thiển đến mức phản cảm. Các cuốn sách bị cấm lưu hành ngoài thị trường thì lại được lan truyền thoải mái trên mạng…

Có thể nói, không ít trong số đó chỉ xứng đáng là “rác phẩm” chứ không phải tác phẩm. Tiêu chí làm nghệ thuật thương mại hiện nay được giới làm nghề tổng kết trong 3 chữ S: Sốc - Sex - Sến. Nạn vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư cá nhân, các hành vi lệch chuẩn được tự do hoành hành. Không ít kẻ “háo danh trên mạng” đang biến thế giới nhân văn của các thành tựu khoa học và công nghệ thành nơi thể hiện bản thân, đánh bóng tên tuổi, thỏa mãn cơn khát “hào quang bàn phím” hoặc để trục lợi, kiếm tiền.

Cần một hệ thống các giải pháp có tính đồng bộ, toàn diện, tổng thể

Tất cả những điều đó đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến định hướng phát triển của văn hóa nghệ thuật nước nhà, đồng thời góp phần bình dân hóa, dung tục hóa gu thẩm mỹ của công chúng. Xuất hiện một lớp công chúng có thế giới tâm hồn nghèo nàn, què quặt, thị hiếu thẩm mỹ kém cỏi, tầm thường, nhận thức sai lệch về chân - thiện - mỹ.

Để giải quyết vấn nạn này, rất cần tiến hành một hệ thống các giải pháp có tính đồng bộ, toàn diện, tổng thể. Trước hết, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý việc lưu hành, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật trên mạng; tạo dựng hành lang pháp chặt chẽ lý gắn với Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin…; bổ sung các nội dung liên quan đến mạng trong Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định về hoạt động Nghệ thuật biểu diễn, Nghị định về hoạt động Mỹ thuật, Nghị định về hoạt động Nhiếp ảnh…

Kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ nhân lực quản trị mạng; tăng cường hiệu quả công tác kiểm duyệt, cấp phép, kiểm tra, thanh tra, giám sát... Có các chế tài đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật. Phối hợp với các nhà mạng, nhất là nhà mạng nước ngoài xử lý, gỡ bỏ các video-clip, thông tin phản cảm, khóa các kênh, trang mạng có sai phạm. Đẩy mạnh các biện pháp quản lý bằng công nghệ - kỹ thuật, “dùng công nghệ để quản lý công nghệ” như dùng “tường lửa”, “lá chắn”, phần mềm lọc thông tin, phần mềm cảnh báo các ứng xử vô văn hóa, tự động mã hóa hoặc xóa bỏ các nội dung vi phạm, xây dựng mạng xã hội nội địa...

Tăng cường quản lý bằng giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công chúng, nhất là giới trẻ. Phát huy vai trò của dư luận xã hội để điều tiết, chấn chỉnh các hiện tượng “lệch chuẩn”. Giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần công dân cho cộng đồng mạng. Tăng cường quản lý bằng văn hóa, phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ chân chính, gia tăng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng cao, làm đối trọng cho những sản phẩm “hạng hai”. Tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng, đề cao những giá trị, chuẩn mực văn hóa tốt đẹp, góp phần đẩy lùi giới “giang hồ mạng”.

Tựu trung, để phát huy những thế mạnh của không gian mạng và khắc phục những mặt trái của môi trường mạng rất cần tới sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Bộ, ngành có liên quan, phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức, đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường cũng như toàn xã hội. 

 Tăng cường quản lý bằng văn hóa, phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ chân chính, gia tăng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng cao, làm đối trọng cho những sản phẩm “hạng hai”. Tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng, đề cao những giá trị, chuẩn mực văn hóa tốt đẹp, góp phần đẩy lùi giới giang hồ mạng.

 GS.TS TỪ THỊ LOAN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top