Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Xu hướng đặt tên ca khúc dài như... dòng sông

Thứ Sáu 05/11/2021 | 10:41 GMT+7

VHO- Thị trường âm nhạc trên nền tảng số gần đây có nhiều bài hát nổi bật nhờ những cái tên… “gây shock”. Ngoài độc, lạ, khó hiểu hoặc tạo sự liên tưởng và gây ý kiến trái chiều thì xu hướng đặt tên ca khúc bằng cả một câu văn nói dài “loằng ngoằng” cũng làm khó khán giả, thậm chí người ta còn không nhớ nổi tên đầy đủ của bài hát.

 Tên ca khúc dài đang trở nên phổ biến trong giới sáng tác trẻ Ảnh: ITN

 Cách để thu hút “mọi ánh nhìn”

Có thể kể tới nhiều ví dụ, điển hình như: Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau; Nhận một cú lừa nhưng Bích Phương không quá buồn như anh nghĩ đâu và choáng váng hơn, cái tên tới 18 từ: Em bỏ hút thuốc chưa - người yêu cũ nhắn tin hỏi nhưng Bích Phương không muốn trả lời... đã được ca sĩ Bích Phương lần lượt cho ra mắt thời gian qua. Không kém cạnh, Chi Pu cũng lấy nguyên một câu hát lô tô để đặt cho teaser (đoạn giới thiệu) ca khúc mới: Lẳng lặng mà nghe Chi Pu kêu con cờ ra, cờ ra con mấy, số gì đây số gì đây? khiến khán giả thực sự “rối trí”…

Cũng có thể kể thêm Và thế giới đã mất đi một người cô đơn của bộ ba nghệ sĩ Marzuz, Gill và Onionn; cặp đôi Phan Ngân và Hải Sâm với Em không muốn mình cao thêm tí nào nữa đâu nhé; rồi Xe anh đến đâu em theo đến đó của nghệ sĩ Dương Hoàng Yến - Đạt G; Thương em là điều anh không thể ngờ, Chạm khẽ tim anh một chút thôi của nghệ sĩ Noo Phước Thịnh; Hãy mang em đi khi ngày mai có nắng Nếu hôm nay là ngày tận cuối để yêu của ca sĩ Đinh Hương... để thấy rằng nhạc Việt đang ngày càng chuộng những ca khúc có tựa đề dài và độ phức tạp của chúng có vẻ chưa có điểm dừng.

Nói về vấn đề này, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định: Cách đặt tên dài loằng ngoằng và gợi tò mò, thậm chí “bí hiểm” đều hướng tới một cái đích là tăng like, tăng view trên mạng xã hội. Thực tế, cách làm này đã khá phổ biến với Youtuber suốt nhiều năm qua, giờ xuất hiện và trở thành xu hướng trong lĩnh vực ca nhạc - giải trí trên không gian ảo. Một số nhạc sĩ trẻ thì cho rằng, cách đặt tên đó là sự sáng tạo mới mẻ khiến tác phẩm nổi bật trên thị trường âm nhạc “trăm hoa đua nở” và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Chút “độc”, “lạ”, khó hiểu, thậm chí hơi “dị” là cách để người trẻ thể hiện cá tính, đồng thời cũng để lôi cuốn, hấp dẫn khán giả.

Quả thật, những cái tên dài và độc đáo đã gây ấn tượng với khán giả ngay từ lần đầu tiên, hoặc đôi khi, tựa đề cũng chính là câu hát “đinh” trong bài cũng sẽ giúp cho bài hát được “viral” nhiều hơn khi người hâm mộ chia sẻ lên mạng xã hội. “Đây là cách để thu hút “mọi ánh nhìn” vào tác phẩm của mình, vì khi mỗi “đứa con tinh thần” được sinh ra thì nhạc sĩ nào cũng muốn nó phải thật sự gây được sự chú ý!”, nhà sản xuất âm nhạc Nemo, người nổi tiếng với các tác phẩm Người lạ ơi, Tình nhân ơi, Răng khôn... khẳng định.

Tính thẩm mỹ của tác phẩm

Phải khẳng định, những bài hát có cái tên “dài như một dòng sông” đã vượt qua quy chuẩn thông thường từ trước tới nay, nhiều cái tên chỉ khiến khán giả tò mò, thấy mới lạ, chứ không mấy liên quan đến nội dung bài hát, không truyền tải được thông điệp muốn gửi gắm. Trong khi trên thực tế, rất ít nhạc sĩ đặt tên dài cho ca khúc của mình vì nguyên tắc cơ bản là tên bài hát phải súc tích, cô đọng mà vẫn toát được tinh thần, thông điệp của tác phẩm. Có thể nói, với một ca khúc, không chỉ là giai điệu, ca từ mà tựa đề cũng có tầm quan trọng rất lớn. Người sáng tác luôn chắt chiu ý tưởng sao cho cái tên vừa dễ nhớ lại vừa dễ thu hút người nghe nhất. Bởi thế, những tựa đề dài 3-5 chữ thường được các nhạc sĩ lựa chọn.

Nhiều người lo ngại, nếu cứ chú trọng đến việc đặt tên sản phẩm âm nhạc theo cách khó hiểu để gây “shock” mà bỏ qua tính thẩm mỹ thì âm nhạc sẽ không còn là âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Cái tên là một phần rất quan trọng đóng góp vào sự hoàn thiện, toàn vẹn thẩm mỹ của bài hát. Khi tiếp cận một ca khúc nào đó, cái tên là điều đầu tiên ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Vì vậy, để có một cái tên hay, đẹp, ấn tượng và cô đọng, nhạc sĩ phải dốc công rất nhiều. Tên dễ nhớ và mang ý tứ sâu sắc, giàu chất văn học là tốt nhất...”.

Không quan trọng về độ dài ngắn và cho rằng việc đặt tên bài hát là quyền của mỗi nhạc sĩ, tuy nhiên, nhà sản xuất âm nhạc Nemo cũng bày tỏ: “Với tôi, tên ca khúc giống như trang bìa của cuốn sách vậy, có thể dài, có thể ngắn nhưng quan trọng nhất vẫn là nội dung bên trong của tác phẩm!”. Tuy nhiên, anh cũng khẳng định: “Tôi sẽ không đặt tên bài hát quá dài. Quan điểm của tôi luôn là đặt tên ngắn gọn và bao hàm nội dung cho những sản phẩm của mình...!”.

Nghệ thuật luôn cần sự đổi mới, tuy nhiên, điều quan trọng là sáng tạo ấy có thể chinh phục người nghe và làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm. 

MINH AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top