Nỗ lực đưa trẻ trở lại trường học

VHO- Diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục, tới giáo viên, học sinh tất cả các địa bàn trên cả nước. Tuy nhiên, việc học trực tuyến kéo dài đang gây lo lắng cho phụ huynh và ngành giáo dục.

Ngày 8.11, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ hướng dẫn tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong lĩnh vực Giáo dục và tháo gỡ khó khăn nhằm nỗ lực đưa trẻ em trở lại trường. 

Nỗ lực đưa trẻ trở lại trường học - Anh 1

Các địa phương tham gia hội nghị trực tuyến

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, để đảm bảo công tác giáo dục trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, học sinh trong thời gian qua đã chuyển trạng thái sang phải học trực tuyến, học qua truyền hình. Gần đây, một số tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch; một số trường phải dừng hoạt động dạy học trực tiếp vì xuất hiện chùm ca bệnh trong trường... "Việc đưa trẻ, HS-SV đến trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo an toàn phòng dịch bệnh là nhu cầu chính đáng và cấp thiết. Vì vậy Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cần có sự hợp tác chặt chẽ, đồng thời ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể. Bộ GD&ĐT đã có văn bản 4726 gửi các địa phương, với mong muốn cụm từ “thích ứng an toàn” sẽ được các địa phương triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn rõ ràng về xác định cấp độ dịch, để thầy cô và các em học sinh trở lại trường học trực tiếp. Việc học trực tuyến, học qua truyền hình kéo dài đã ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và yêu cầu đặt ra cho chương trình giáo dục năm học 2021-2022, theo đó, chất lượng giáo dục có những ảnh hưởng nhất định", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Những tiêu chí về đảm bảo an toàn trường học đã được 2 Bộ đặt ra và đang tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí, quy định an toàn, ban hành Sổ tay Covid-19 trong nhà trường… Với việc xác định chính xác cấp độ dịch, để quyết định đưa học sinh trở lại trường, Bộ GD&ĐT cũng xác định đây là vấn đề còn nhiều khó khăn. Theo đó, đề nghị các địa phương có báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa học sinh trở lại trường. Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo với Chính phủ để có giải pháp đảm bảo an toàn và quyền của học sinh khi đi học trực tiếp.

Tại Hội nghị, đại biểu ngành Giáo dục đến từ các địa phương đã đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch như vấn đề đeo khẩu trang liên tục, giãn cách trong trường học, xử trí như thế nào khi xuất hiện F0... Đây là những vướng mắc mà các ngành Giáo dục các địa phương còn lúng túng khi triển khai học trực tiếp trở lại. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh, phải đảm bảo học sinh không bị sang chấn tâm lý khi dịch xâm nhập vào nhà trường. Vì vậy cần có đề xuất, tập huấn kỹ năng cho giáo viên và phụ huynh về cách ứng xử, tránh tâm lý kỳ thị với học sinh F0 khi quay trở lại trường.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 toàn quốc độ bao phủ tương đối cao, đặc biệt các tỉnh miền Nam. Nhận định của Tổ chức y tế thế giới (WHO), và các nước trên thế giới, tình hình dịch năm 2021 -2022 vẫn phức tạp, chưa thể kết thúc và chưa dự báo có biến chủng nữa không. Vì vậy các nước bắt đầu thay đổi biện pháp phòng chống dịch. Hiện nay, trên thế giới, có 105/134 quốc gia đã mở cửa trường học trở lại. Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, các địa phương, doanh nghiệp đón nhận một cách hồ hởi, phấn khởi. Đây là giải pháp trong tình hình hiện nay và thời gian tới, phải thích ứng, an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch. "Đặt vấn đề cho giáo dục, học sinh có cần tiếp tục học ở nhà không. Chúng ta vẫn thống nhất an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Do đó, các địa phương phải rà soát, hướng dẫn cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình hiện nay theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 128 là "thích ứng, linh hoạt"; đồng thời, xây dựng kế hoạch khi có F0 trong trường học. Theo Nghị quyết 128, địa phương cấp độ dịch 1, các trường dạy, học trực tiếp bình thường; cấp độ 2, dạy, học rực tiếp bình thường/hạn chế. Cấp độ dịch 3, dạy, học trực tiếp hạn chế, cấp độ dịch 4, ngừng dạy, học trực tiếp. Các địa phương căn cứ vào tình hình dịch tại địa phương để quyết định cho trẻ đến trường. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn phòng chống dịch ở trường học về công tác vệ sinh, khử khuẩn, xử trí khi các trường hợp nghi mắc, mắc Covid-19, phong toả dập dịch...", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.  

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc