Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Sáng tác đề tài Covid: Văn chương - nghệ thuật không đứng ngoài cuộc

Thứ Sáu 19/11/2021 | 09:47 GMT+7

VHO- Hôm qua 18.11, Hội Nhà văn TP.HCM vừa trao giải cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam. Giải Nhất thuộc về bộ ba tác phẩm: Tưởng niệm, Có thể, Hẹn con sinh nhật mùa sau. Theo BTC, các tác phẩm đoạt giải đã nói lên được ý nghĩa của cuộc thi - những ngày cả nước gồng mình chống dịch…

 Họa sĩ Lê Long Sa sáng tác “Kỷ vật của Mẹ” để tưởng niệm những người đã ra đi vì đại dịch

Không chỉ trong văn chương, chủ đề này còn là chất liệu, là niềm khắc khoải để các tác giả cho ra đời hàng loạt tác phẩm trong nhiều lĩnh vực khác.

Đề tài Covid dày đặc trong các sáng tác

Sài Gòn thời Covid-19 với biết bao nỗi niềm, cả điều bi thương lẫn câu chuyện tình người, khiến ai nấy đều rưng rưng cảm xúc… Dường như muốn níu giữ những ký ức “lịch sử” của một thời giãn cách, bằng nét vẽ tài ba của mình, thời gian qua, nhiều họa sĩ đã khắc họa vô vàn những tác phẩm đẹp, để lưu dấu một thời Sài Gòn hoạn nạn, khó khăn. Trong đó, bộ tranh Sài Gòn trong thời giãn cách qua nét vẽ của họa sĩ Lê Sa Long đã chạm đến trái tim của người xem và được giới mỹ thuật đánh giá cao. Tác giả đã khắc họa những góc phố, con đường, câu chuyện sinh hoạt đời thường nhưng chứa đựng sự tử tế, lòng nhân ái; chân dung những nhân vật đang hết mình vì sự bình yên của cộng đồng. Chất liệu trong các sáng tác của anh là những câu chuyện có thật, diễn ra hằng ngày mà anh chứng kiến, tìm hiểu. Trong đó có câu chuyện của nam ca sĩ Hà Anh Tuấn lan tỏa thông điệp Sài Gòn cùng nhau nấu cơm nhằm sẻ chia với những người khó khăn do Covid. Đó là câu chuyện của bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê Lâm Đồng) làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM với việc mang dòng sữa ngọt ngào đến với những bệnh nhi Covid. Hay bức tranh Thiên thần bé nhỏ đi cách ly phác họa bệnh nhi mới 5 tuổi trong bộ đồ bảo hộ dũng cảm bước lên xe để vào khu điều trị làm se thắt lòng người… Anh gọi những bức tranh như cuốn sổ ghi chép sự kiện đại dịch kinh hoàng, khó quên trong cuộc đời.

Album Những người hùng thầm lặng của họa sĩ Trần Trung Lĩnh sau khi ra mắt trên trang cá nhân đã khiến nhiều người xúc động. Qua nét ký họa tài ba của mình, những câu chuyện đời thường được Trần Trung Lĩnh thổi vào tranh mang đầy sức sống, cho người xem cảm giác ấm áp bởi xung quanh ta đâu đâu cũng đầy câu chuyện nghĩa tình. Qua bức tranh Đêm Sài Gòn ấm, anh kể: “22h, ở ngã tư Châu Văn Liêm - Trần Hưng Đạo (Quận 5), người đàn ông trung niên nằm ngủ cạnh chiếc xe đạp cũ. Diệu Hiền bước đến, thật khẽ, tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ của ông. Cô đặt chiếc bánh mì và một ít sữa vào giỏ xe đạp, rồi chầm chậm rời đi. Sáng mai, hoặc chút nữa thôi, khi bị đánh thức, người đàn ông sẽ an lòng vì có thêm một bữa no giữa tháng ngày chông chênh”... Còn ở tranh Anh chỉ còn một chân nhưng tim anh tình thương vững chắc, Trần Trung Lĩnh kể câu chuyện về võ sư Tạ Anh Dũng, mất một chân nhưng mỗi ngày chạy xe hơn 60 km phát cơm, tặng quà cho những người khó khăn. Cùng với đó, anh còn vẽ rất nhiều những câu chuyện khác về sự tử tế và lòng bao dung của người Sài Gòn như Trong khốn khó có điều ngọt ngào,“Sài Gòn tử tế… khiến người xem lay động.

Cũng trong thời gian này, một số tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại đã được ra đời: Những ngày cách ly (tiểu thuyết, Bùi Quang Thắng), Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái (nhật ký y tá, Iris Lê), Mắc kẹt - 122+ ngày mắc kẹt ở Mỹ vì Covid-19 (ghi chép của Phương Thu Thủy), Tình người cách ly (tạp văn, Từ Nguyên Thạch), Cô Vy tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi (nhiều tác giả)… Gần nhất là 120 ngày mây thì thầm với gió của nhà văn Nuage Rose - Hồng Vân. Mảng sách ảnh và sách tranh có Sài Gòn Covid-19 (Trần Thế Phong), Con đã về nhà - I’m Home (Tăng Quang)… Ở lĩnh vực sân khấu kịch, đạo diễn Hoàng Duẩn khai thác chủ đề phòng, chống Covid-19 hậu giãn cách xã hội qua tác phẩm Giữ mãi màu xanh để tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng dịch. Anh cũng vừa đạt giải A của Hội Sân khấu Việt Nam về tác phẩm nội dung phòng, chống Covid-19.

Đại dịch không còn là câu chuyện của riêng ai

Hai năm qua, Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, có những nỗi đau đã hằn sâu không dễ gì quên được và cả những tấm lòng cao đẹp sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng. Văn chương - nghệ thuật không đứng bên lề cuộc sống, với nhiệm vụ là “sử gia” ghi chép lại biến động của thời đại, những tác phẩm đầy ắp cảm xúc đã ra đời, đánh dấu một giai đoạn khó khăn nhất mà chúng ta đang vượt qua. Nói như nhạc sĩ trẻ Nguyễn Bá Hùng khi chia sẻ về sáng tác mới Tiếng chuông ngân trong gió, nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong vì đại dịch Covid-19: “TP.HCM đang chuẩn bị cho Đại lễ cầu siêu để tưởng nhớ những người dân, cán bộ, chiến sĩ đã mất vì đại dịch Covid. Cá nhân tôi thấy rằng việc làm này rất ý nghĩa, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân”. Trong ca khúc có đoạn: Nhường cơm, sẻ áo / Chở che nhau người Việt Nam / Những tâm hồn bé thơ ở lại / Sẽ vươn chồi dưới nắng ban mai… Theo nam nhạc sĩ: “Tôi nghĩ rằng sáng tác về những số phận con người, về sự đồng cảm, sẻ chia để nhắc cho ta nhớ về một giai đoạn khó khăn mà biết trân trọng, nâng niu giá trị cuộc sống, để cùng nhau vượt qua những tháng ngày gian khó, đó cũng là trách nhiệm mà những nghệ sĩ trẻ không thể thờ ơ”.

Mới đây, trong chương trình Trại sáng tác năm 2021 tại Đồi Thơm, tỉnh Phú Yên, Hội Nhà văn TP.HCM và Hội VHNT Phú Yên đã tọa đàm về chủ đề: Nhà văn viết gì thời Covid-19? thu hút sự quan tâm của nhiều cây bút nổi tiếng. Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM bày tỏ: “Sau nhiều tang thương, mất mát, chúng ta đều có chung sự trăn trở, đau khổ trước nỗi đau lớn của đồng bào, câu chuyện đại dịch bây giờ không còn của riêng ai nữa mà là sự quan tâm của toàn cầu, của nhân loại, điều đó bắt buộc các nhà văn không thể đứng ngoài cuộc”. Theo nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên: “Chất liệu sáng tác đang ngồn ngộn trước mắt các nhà văn hiện nay, đó là nỗi đau và tình người, là biết bao số phận…”. Ông cho biết: “Lúc Covid-19 mới ập tới, nhiều nơi đồng bào thậm chí còn không quen với khẩu trang, phải hướng dẫn, tư vấn mãi họ mới chịu đeo. Vì vậy, các nhà văn vừa là nhà báo của chúng tôi có mặt trên từng điểm nóng, thậm chí vào tận nơi điều trị F0 để có những phóng sự, bút ký nóng hổi hằng ngày. Những chuyến đi đã cho họ trải nghiệm, thu thập và khai thác đề tài. Ngay sau khi đại dịch từng bước được kiểm soát, những bản thảo đầu tiên gửi đến cho Hội là các tác phẩm về đề tài Covid-19”. 

TÙNG THƯ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top