Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Bài toán nan giải của châu Phi

Thứ Tư 08/12/2021 | 09:33 GMT+7

VHO- Sự trỗi dậy của biến chủng Omicron đang đẩy nhiều nước châu Phi vào một làn sóng dịch bệnh mới đầy thách thức. Trong khi “chìa khóa” để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 vốn được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng là vắc xin, thì đó lại là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng tại các nước châu Phi.

 Châu Phi bị tụt lại trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 Ảnh: AP

 Châu Phi đã bị “tụt lại” rất xa so với các quốc gia, khu vực khác trên thế giới trong chiến dịch bao phủ vắc xin ngừa Covid-19 toàn cầu năm nay. Theo số liệu từ Our World in Data, mới chỉ 7% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, khi tỉ lệ toàn cầu là 42%. Trong khi tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ tại châu Âu và Mỹ lần lượt là 67% và 58%, thì con số này tại quốc gia đông dân nhất châu Phi là Nigeria mới chỉ đạt 1,7% và tại nước đông dân thứ hai châu Phi là Ethiopia chỉ đạt 1,2%. Thêm vào đó, dữ liệu từ Hiệp hội Mo Ibrahim cũng cho thấy, cứ 15 người dân châu Phi thì mới chỉ có một người đã hoàn thành tiêm chủng, trong khi gần 70% dân số các nước trong Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã được tiêm chủng đầy đủ. Chủ tịch Hiệp hội Mo Ibrahim nhấn mạnh, châu Phi có thể tiếp tục bị bỏ lại phía sau nếu vẫn còn tình trạng “phân biệt đối xử về vắc xin ngừa Covid-19”.

Quan ngại hơn, tình trạng thiếu vắc xin cũng đang khiến lực lượng y tế tuyến đầu châu Phi đối mặt rủi ro mắc Covid-19. Hiện mới chỉ có 27% nhân viên y tế tại châu Phi đã tiêm đủ liều vắc xin, con số này quá khiêm tốn so với hơn 80% nhân viên y tế tại các nước có thu nhập cao đã tiêm đủ mũi vắc xin ngừa Covid-19. Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Phi cho biết, hầu hết nhân viên y tế tại châu Phi đã bị “lỡ mất cơ hội” tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và có nguy cơ nhiễm bệnh nặng. Thêm nữa, thống kê của WHO còn cho thấy, tình trạng thiếu nhân viên y tế đã diễn ra trong nhiều năm qua tại các nước châu Phi. Đến nay, mới chỉ có duy nhất một quốc gia tại “lục địa đen” đạt mức chuẩn về nhân viên y tế trên đầu người là 10,9 nhân viên trên 1.000 dân, trong khi tại 16 nước châu Phi khác, tỉ lệ này thậm chí chưa tới một nhân viên y tế trên 1.000 dân. Vì thế, nếu các nhân viên y tế tại châu Phi bị mắc bệnh hoặc tử vong do Covid-19, có thể tác động nghiêm trọng đến khả năng cung cấp các dịch vụ của ngành y tế của khu vực này.

Thực tế, nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 của hầu hết các quốc gia châu Phi đều dựa vào cơ chế COVAX. Vì thế, khi nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới là Viện Serum của Ấn Độ gặp vấn đề trong sản xuất do lệnh cấm xuất khẩu của New Delhi, xuất phát từ đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng trong tháng 4 và tháng 5, thì việc chuyển giao vắc xin đã chậm lại, khiến chiến dịch tiêm chủng của nhiều nước châu Phi bị đình trệ. Bên cạnh đó, giới chức y tế tại “lục địa đen” còn gặp khó khăn trong việc mở rộng độ bao phủ vắc xin, bởi hệ thống y tế yếu kém, hạn chế về cơ sở hạ tầng và tâm lý do dự tiêm chủng của người dân. Nhiều lô vắc xin ngừa Covid-19 được chuyển đến châu Phi có nguy cơ không kịp sử dụng, khi các nước ở khu vực vẫn chưa kịp thiết lập hệ thống điểm tiêm chủng. Đồng thời, vấn đề bảo quản vắc xin đúng cách cũng “làm khó” các nước có nguồn điện không ổn định. Ngoài ra, các Chính phủ ở châu Phi vẫn chưa tìm được ngân sách cho chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm bớt tâm lý ngần ngại vắc xin. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi John Nkengasong cho biết: “Vắc xin đang được đưa tới, nhưng chiến dịch tiêm chủng vẫn đối mặt nhiều thách thức”.

Trước bối cảnh biến chủng Omicron khởi phát từ châu Phi đã xuất hiện rải rác ở tất cả các lục địa khác, giới chuyên gia khuyến nghị cần đẩy nhanh chiến dịch bao phủ vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu, để giảm thiểu rủi ro của đại dịch. Trong đó, việc cải thiện tỉ lệ tiêm chủng tại các nước châu Phi là vô cùng cấp thiết, để giúp khu vực vượt qua đợt bùng phát dịch này, cũng như “hạ nhiệt” các “lò ấp” biến chủng đang có nguy cơ bộc phát tại những vùng chưa phủ vắc xin. 

 HI MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top