Bộ VHTTDL: Xử lý nghiêm các hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Quốc thiều, Quốc ca

VHO- Ngày 8.12, Bộ VHTTDL có thông tin chính thức về việc âm thanh Quốc ca Việt Nam bị ngắt trên mạng xã hội YouTube. Theo đó, Bộ VHTTDL cho biết, sẽ tổ chức rà soát các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn liên quan tới Quốc thiều, Quốc ca và xử lý nghiêm các hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Quốc thiều, Quốc ca theo quy định của pháp luật.

Bộ VHTTDL: Xử lý nghiêm các hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Quốc thiều, Quốc ca - Anh 1

Trước đó, ngày 6.12. 2021, trong trận đấu giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam gặp đội tuyển quốc gia Lào, thuộc giải bóng đá Vô địch Đông Nam Á 2020 (AFF Suzuki Cup 2020), tại phần nghi lễ chào cờ, Quốc ca Việt Nam và Quốc ca Lào đã bị tắt tiếng khi phát trên nền tảng mạng xã hội YouTube Next Sports, kèm dòng chữ: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".

Về việc này, Bộ VHTTDL cho biết: Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca. Bộ VHTTDL trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

Pháp luật của Việt Nam quy định  nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Quốc ca Việt Nam một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm cả trên không gian mạng). Bộ VHTTDL yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm và không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có văn bản đề nghị Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và Sportfive thông báo sự việc nêu trên tới các đối tác liên quan và đảm bảo sự việc này sẽ không lặp lại trong các trận đấu tiếp theo của Đội tuyển bóng đá Việt Nam tại Giải đấu. Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã gửi bản ghi Quốc thiều, Quốc ca Việt Nam để sử dụng tại các trận đấu còn lại của Giải đấu.

Đồng thời, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật tổ chức sản xuất bản ghi âm, ghi hình Quốc thiều, Quốc ca Việt Nam đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ  để cung cấp cho tổ chức, cá nhân sử dụng.

Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế về việc sử dụng, phổ biến Quốc thiều, Quốc ca Việt Nam; không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc thiều, Quốc ca Việt Nam.

Tăng  cường  phối  hợp  với  Bộ  TT &TT chỉ đạo các cơ quan báo chí, đơn vị, doanh nghiệp truyền thông không lợi dụng việc sử dụng bản quyền để ngăn chặn việc phổ biến và cản trở việc tiếp cận Quốc thiều, Quốc ca Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.

Tổ chức rà soát các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn liên quan tới Quốc thiều, Quốc ca và xử lý nghiêm các hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Quốc thiều, Quốc ca theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ sẽ tập trung làm việc với chủ sở hữu kênh YouTube Next Sports và các đơn vị liên quan để làm rõ nguyên nhân sự việc tắt tiếng Quốc ca Việt Nam tại phần nghi lễ chào cờ như đã nêu trên. Nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

PHƯƠNG ANH

 

 

Ý kiến bạn đọc