Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

Thứ Tư 15/12/2021 | 07:54 GMT+7

VHO- Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực là mục đích hướng đến trong Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vừa được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định ban hành. Quy tắc ứng xử được dư luận, công chúng và đặc biệt là người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật hoan nghênh. Bởi từ nay, đây sẽ là tấm gương soi chiếu để người hoạt động nghệ thuật nhìn vào, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ và ngăn chặn những điều không tốt, không nên có thể xảy ra.

 Tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn mang đến nhiều cảm xúc tại khu cách ly bệnh viện dã chiến, lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật

 Lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật

Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được ban hành với tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phạm vi áp dụng là hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, công chúng, khán giả, khi tham gia các hoạt động xã hội, báo chí, truyền thông và không gian mạng. Đối tượng áp dụng là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Theo Quy tắc, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật luôn phải đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết; trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật. Gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.

Trong hoạt động nghề nghiệp, cần có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi cái mới, cái hay để phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống. Lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật.

Giữ gìn danh hiệu, hình ảnh. Đấu tranh chống lại cái xấu, những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn trong đời sống xã hội; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; có nhận thức, quan điểm đúng trước những biểu hiện lệch lạc, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong ứng xử với đồng nghiệp, trân trọng các thế hệ nghệ sĩ đi trước; tôn trọng, bảo vệ uy tín của đồng nghiệp trước công chúng, khán giả và xã hội. Trung thực, có trách nhiệm trong phát ngôn, bày tỏ, chia sẻ quan điểm, không gây mâu thuẫn, tổn hại đến uy tín, quyền lợi hợp pháp của đồng nghiệp.

Tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của công chúng, khán giả để hoàn thiện bản thân. Ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp; không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức.

Trên báo chí, truyền thông và không gian mạng, người hoạt động nghệ thuật cung cấp thông tin chính xác, tin cậy. Không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.

Khi tham gia các hoạt động xã hội, phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác. Đặc biệt: “Dùng uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng, chú trọng các hoạt động liên quan đến giáo dục sức khoẻ cộng đồng, lối sống thân thiện và bảo vệ môi trường. Công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân”.

Người hoạt động nghệ thuật khi tham gia quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa. Không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; không thực hành, ủng hộ các hoạt động mê tín dị đoan, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong nội dung tổ chức thực hiện, Quy tắc nêu rõ, đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí cân nhắc sử dụng hình ảnh của người hoạt động nghệ thuật không thực hiện nội dung Quy tắc ứng xử này.

 Quy tắc nhấn mạnh, người hoạt động nghệ thuật dùng uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp. Trong ảnh, nghệ sĩ Quyền Linh hết lòng giúp đỡ người dân vùng dịch

Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa Quy tắc ứng xử vào đời sống

Khẳng định việc ban hành Quy tắc ứng xử sẽ giúp người hoạt động nghệ thuật có điều kiện soi chiếu, nhìn nhận và điều chỉnh hành vi, theo TS Nguyễn Viết Chức, hơn ai hết, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải xem Quy tắc ứng xử này như một cuốn sổ tay hữu ích, luôn đặt bên mình. Bởi đó là sự hỗ trợ, khuyên răn vô cùng cần thiết đối với mỗi nghệ sĩ trong hoạt động nghệ thuật và mọi khía cạnh trong đời sống. Với người nổi tiếng, cái tốt hay cái xấu đều có thể truyền xa, truyền rộng. Lời nói hay cách ăn mặc, cử chỉ, thái độ đúng đắn, chuẩn mực là cách thể hiện trách nhiệm của người nổi tiếng với cộng đồng, và ngược lại.

Tin tưởng Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật với ý nghĩa thiết thực sẽ sớm lan tỏa trong đời sống, GS.TS Từ Thị Loan nêu, những quy tắc này sẽ không chỉ điều chỉnh hành vi, ứng xử của người hoạt động nghệ thuật mà còn là nền tảng quan trọng để từ đó, các cơ quan, đơn vị, các hội nghề nghiệp chuyên ngành căn cứ để xây dựng những quy tắc ứng xử mang đặc thù riêng. “Chúng ta thấy rằng có nhiều câu chuyện buồn từ những ứng xử thiếu chuẩn mực của người hoạt động nghệ thuật trong thời gian qua. Bởi thế, sẽ rất thấm thía và là lời nhắc để tự thân mỗi nghệ sĩ nhìn lại chính mình, qua những “gạch đầu dòng” cụ thể trong Quy tắc, như: “Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức”, hoặc “Công khai, minh bạch, kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự của người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân” …”.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng: “Để luôn giữ gìn hình ảnh đẹp trong mắt công chúng, hướng công chúng đến những giá trị chân - thiện - mỹ thông qua các hoạt động nghệ thuật và ứng xử thường ngày thì không chỉ đợi đến khi Quy tắc ứng xử ra đời, bản thân mỗi người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật đã luôn cần phải cân nhắc từng cử chỉ, hành vi, lời nói của mình khi xuất hiện trước công chúng. Đặc biệt, khi Quy tắc ứng xử được chính thức ban hành thì ý nghĩa của việc đề cao những chuẩn mực trong ứng xử của người hoạt động nghệ thuật ngày càng được xem trọng nhiều hơn”.

Với kinh nghiệm thực tiễn của mình, theo nhạc sĩ Quang Long, với sức lan tỏa của người nổi tiếng thì mọi ứng xử không thể tùy tiện, phó mặc. Mỗi lời nói, việc làm của họ đều có thể khiến số đông công chúng làm theo. Đặc biệt, với những người nổi tiếng, sở hữu lượng fan hùng hậu thì chỉ cần họ quảng cáo một sản phẩm không trung thực, hệ lụy tiêu cực sẽ rất lớn, nhất là các sản phẩm quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… “Cần đẩy mạnh tuyên truyền để đưa Quy tắc ứng xử sớm đi vào đời sống. Việc này ở Hà Nội có vẻ sẽ đơn giản hơn TP.HCM - thị trường có số lượng nghệ sĩ đông đảo, phần lớn lại là các nghệ sĩ hoạt động tự do, ngoài công lập. Bởi vậy, càng đòi hỏi cơ quan quản lý văn hóa phải bằng nhiều giải pháp để đưa Quy tắc này đến với các đối tượng điều chỉnh, để họ thấm thía, hiểu rõ và thực hiện”, nhạc sĩ Quang Long chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Quy tắc ứng xử, NSND Đỗ Quốc Hưng (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) khẳng định, việc ban hành Quy tắc ở thời điểm hiện nay vô cùng cần thiết, càng cần thiết hơn là những biện pháp đưa những quy tắc này vào đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. Những phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực, thậm chí ngông cuồng của nhiều người tự ngộ nhận danh xưng nghệ sĩ, những “ông hoàng, bà chúa” luôn cố tình tạo scandal để nổi tiếng… đang rất cần chấn chỉnh, đẩy lùi bằng những quy tắc chuẩn mực. “Tôi rất mong Quy tắc ứng xử được ban hành sẽ tạo sự răn đe cần thiết. Các đơn vị quản lý Nhà nước về văn hóa có thể căn cứ trên khung quy tắc này để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nhất đến các đối tượng văn nghệ sĩ thuộc phạm vi quản lý. Đối với các nghệ sĩ tự do, Quy tắc cũng là những khuyến cáo, nhắc nhở họ phải gìn giữ hình ảnh, lời nói và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, nếu không muốn bị cộng đồng quay lưng, thậm chí tẩy chay…”.

NSND Quốc Hưng cho biết, đối với hoạt động đào tạo văn hóa nghệ thuật, Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật đặc biệt có ý nghĩa. “Môi trường học tập và giảng dạy của chúng tôi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam luôn chú trọng, cập nhật những nội dung này. Bởi ngay từ trên ghế nhà trường, đạo đức nghề nghiệp đã là một môn học, một hành trang quan trọng mà các nghệ sĩ tương lai cần phải được trang bị cho con đường nghệ thuật trong tương lai của mình...”. 

BẢO VY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top