Những “độc cô cầu bại” của điền kinh Việt Nam

VHO- Trong ánh nắng hanh hao của buổi chiều mùa đông Hà Nội, bóng dáng dũng mãnh băng băng về đích trên đường chạy 5.000m của Nguyễn Văn Lai trở nên nổi bật. Hình ảnh này đã quá quen thuộc với người hâm mộ điền kinh trong suốt 12 năm qua khi “chân chạy” thuộc biên chế của đoàn thể thao Quân đội thống trị quốc gia ở cự ly này.

Những “độc cô cầu bại” của điền kinh Việt Nam - Anh 1

 Niềm vui của Nguyễn Thị Oanh khi lập kỷ lục quốc gia tại nội dung 5.000m nữ Ảnh: ĐĂNG HUY

 Cụ thể, tại nội dung 5.000m Giải vô địch điền kinh quốc gia 2021 diễn ra từ ngày 9 - 13.12 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Nguyễn Văn Lai tiếp tục không có đối thủ khi cán đích đầu tiên với thông số 14 phút 51 giây 81. Thành tích trên thua xa so với kỷ lục quốc gia 14 phút 04 giây 82 mà chính anh đã thiết lập vào năm 2015. Nhưng nên nhớ, Nguyễn Văn Lai năm nay đã 35 tuổi và phong độ của anh cùng các đồng nghiệp khác bị ảnh hưởng nhiều bởi không được thi đấu thường xuyên trong năm 2021 vì dịch Covid-19. Chỉ hai ngày sau chiến thắng ở nội dung 5.000m, Nguyễn Văn Lai tiếp tục giành huy chương vàng ở cự ly 10.000m nam với thông số 31 phút 10 giây 33. Đây cũng là nội dung mà Nguyễn Văn Lai đang giữ kỷ lục quốc gia (thành tích 29 phút 44 giây 82 được anh thiết lập năm 2013).

Trong làng điền kinh Việt Nam, Nguyễn Văn Lai được xem là tài năng “nở muộn”. Không giống như những vận động viên khác được tập luyện bài bản từ nhỏ, Nguyễn Văn Lai bén duyên với điền kinh khi đã 22 tuổi. Bằng tố chất thiên bẩm cùng bản lĩnh, nghị lực đã được tôi luyện trong môi trường Quân đội, Nguyễn Văn Lai đã trở thành một trong những biểu tượng chiến thắng của thể thao Việt Nam.

Tương tự tại các cự ly trung bình và dài của nữ, “chân chạy” Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) đang thể hiện sức mạnh vượt trội. Tại nội dung 1.500m nữ ở Giải vô địch điền kinh quốc gia 2021, Nguyễn Thị Oanh đã xuất sắc bảo vệ thành công tấm huy chương vàng với thông số 4 phút 19 giây 66. Tại nội dung sở trường 5.000m nữ, vận động viên sinh năm 1995 này đã giành huy chương vàng, đồng thời phá kỷ lục quốc gia với thông số 15 phút 53 giây 48. Kỷ lục quốc gia cũ là 16 phút 12 giây 73 do Đoàn Nữ Trúc Vân thiết lập năm 2003. Điều đáng nói, cả hai nội dung chung kết 1.500m nữ và 5.000m nữ đều diễn ra trong một ngày và Nguyễn Thị Oanh tiếp tục thể hiện sự dẻo dai, sức bền cùng phong độ thi đấu ấn tượng. Tại nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nữ diễn ra sau đó, Nguyễn Thị Oanh không khó để bảo vệ ngôi vô địch. Không chỉ “vô đối” tại các giải điền kinh trong nước, Nguyễn Thị Oanh còn đang nắm giữ 3 huy chương vàng SEA Games ở nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật.

Sau gần 3 năm nghỉ thi đấu để thực hiện thiên chức làm mẹ, Bùi Thị Thu Thảo đã có sự trở lại đầy ấn tượng tại hố nhảy khi giành huy chương vàng quốc gia nội dung nhảy xa. Thành tích của “Thảo bò vàng” là 6,27m, thua kỷ lục quốc gia 6,68m mà vận động viên này đã từng thiết lập vào năm 2015. Dù vậy, thông số trên cũng giúp Thu Thảo bỏ xa các đối thủ phía sau, gồm: Vũ Thị Ngọc Hà (6,07m), Hà Thanh Thủy (5,95m), Hoàng Thị Thanh Giang (5,92m)… Điều này chứng tỏ, ngay cả khi chưa có được thể lực, phong độ tốt nhất, Bùi Thị Thu Thảo vẫn không có đối thủ tại nội dung nhảy xa.

Sau “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, điền kinh Việt Nam đang sở hữu một “nữ hoàng tốc độ” mới mang tên Lê Tú Chinh. Tại Giải vô địch điền kinh quốc gia 2021, Tú Chinh xuất sắc bảo vệ thành công tấm huy chương vàng ở cự ly 100m và 200m danh giá. Tú Chinh hiện cũng là nữ vận động viên nữ duy nhất của Việt Nam chạy 100m với thời gian dưới 12 giây. Ngoài ra, Tú Chinh cũng đang là đương kim vô địch SEA Games ở nội dung 100m. Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Hương, tài năng của Lê Tú Chinh không ngừng được hoàn thiện.

Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Thị Oanh, Bùi Thị Thu Thảo, Lê Tú Chinh đang là những biểu tượng chiến thắng của điền kinh Việt Nam. Tài năng của họ không chỉ được thể hiện tại hệ thống các giải điền kinh quốc gia mà còn góp phần mang vinh quang về cho thể thao nước nhà ở đấu trường quốc tế. Ở tuổi 35, Nguyễn Văn Lai vẫn là ứng cử viên hàng đầu cho tấm huy chương vàng SEA Games 31 ở nội dung 5.000m và 10.000m nam. Nguyễn Thị Oanh hướng tới SEA Games 31 không gì khác là bảo vệ thành công 3 tấm huy chương vàng. Sự trở lại của Thu Thảo mang nhiều ý nghĩa quan trọng cho điền kinh Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu SEA Games 31, đặc biệt là ASIAD 19 nơi vận động viên này đang là đương kim vô địch.

Mừng cho những “độc cô cầu bại” kể trên của điền kinh Việt Nam, song nhìn vào khoảng cách thành tích mà họ tạo ra so với các đối thủ khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Vấn đề đào tạo trẻ tại một số đơn vị thể thao trên cả nước đang gặp nhiều vấn đề bởi ngoài kinh phí còn đến từ khó khăn trong việc tuyển quân. Tìm được một tài năng điền kinh đã khó, đào tạo và huấn luyện nâng tầm thành tích cho vận động viên càng khó hơn. 

 HOÀI PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc