Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Nhận diện cơ hội và thách thức của ngành Du lịch thời gian tới

Thứ Hai 20/12/2021 | 20:40 GMT+7

VHO- Ngày 25.12, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch năm 2021 chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo Du lịch năm 2021 “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”. Ảnh VŨ MỪNG

Trao đổi với phóng viên báo Văn hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết: “Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trong đó điểm cầu chính tại Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, cùng các điểm cầu tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Cần Thơ…”

Khoảng 300 đại biểu là đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước đã đăng ký tham dự Hội thảo. Dự kiến, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ sẽ tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

PV: Thưa ông, đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế xã hội nước ta. Vì sao Quốc hội lại chọn lĩnh vực du lịch để tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp phục hồi và phát triển trên quy mô toàn quốc?

- Ông Tạ Văn Hạ: Diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Gần 2 năm nay, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng chưa thể mở lại hoàn toàn khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ, “đóng băng” nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu nghỉ dưỡng… Hàng triệu hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm, không có thu nhập; nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực phải giải thể…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, với các giải pháp đồng bộ, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt kết quả tích cực, dịch bệnh từng bước được kiểm soát. Hiện nay, các hành động thích ứng với trạng thái “bình thường mới” đã và đang được triển khai một cách mạnh mẽ nhằm khôi phục sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế nhanh chóng hồi phục.

Thời gian qua, Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chấp thuận bằng những quyết sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể duy trì và từng bước khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTTDL đã đề xuất giảm thuế, giảm tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành; giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thực hiện Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang)... và từng bước đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường.

Tuy nhiên, những khó khăn đối với du lịch còn rất nặng nề, nhiều “điểm nghẽn” cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự chung tay của cộng đồng để tháo gỡ, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Với tinh thần đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội và Chương trình công tác năm 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo Du lịch với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ trao đổi về việc tổ chức Hội thảo với phóng viên Báo Văn hóa. Ảnh VŨ MỪNG

PV: Hội thảo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề gì và mục tiêu đặt ra như thế nào?

Ông Tạ Văn Hạ: Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế trao đổi, chính quyền địa phương, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành Du lịch. Đồng thời nhận diện những cơ hội và thách thức đặt ra đối với Du lịch Việt Nam giai đoạn hiện nay. Các đại biểu cũng thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả (panelists) và các đại biểu tham dự. Phiên chuyên đề thảo luận về những vấn đề chung của ngành Du lịch và tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; xu hướng, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; công nghệ số trong phục hồi, phát triển du lịch.

BTC mời các đại diện Tổ chức Lữ hành thế giới, Tổ chức Du lịch thế giới chia sẻ bài học kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng Covid-19 để phát triển du lịch. Ở phiên toàn thể, các đại biểu thảo luận quanh câu chuyện phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt. Trong phiên này, Hội thảo sẽ nghe báo cáo trung tâm về “Tác động của dịch Covid-19; thực trạng và giải pháp phục hồi Du lịch Việt Nam 2022- 2023” của chuyên gia Cấn Văn Lực; báo cáo của Bộ VHTTDL về “Định hướng, giải pháp và lộ trình phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh mới”, tham luận “Du lịch toàn cầu - xu hướng phục hồi và phát triển” do Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) Zurab Pololikashvili trình bày, tọa đàm bàn tròn do chuyên gia cao cấp Võ Trí Thành điều phối...

Hội thảo kỳ vọng sẽ thu được các đề xuất cụ thể, đột phá về thể chế, các chính sách ưu tiên để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ ngành Du lịch phục hồi và phát triển trong tình hình mới. Các giải pháp tập trung vào việc mở cửa du lịch an toàn, ứng dụng chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm phù hợp với xu thế và tình hình mới.

Có 2 nhóm giải pháp cần nghiên cứu là: ngắn hạn với các giải pháp tập trung cho quá trình phục hồi sau đại dịch và giai đoạn thích ứng hiện nay và dài hạn là các giải pháp khắc phục các tồn tại hạn chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển ổn định, bền vững.

Việc tổ chức Hội thảo thể hiện sự đổi mới hoạt động của Quốc hội, chủ động đồng hành với Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là với du lịch, một lĩnh vực có tác động lớn tới nhiều ngành khác.

Đến nay, công tác chuẩn bị Hội thảo đã hoàn thiện. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Nghệ An để tổ chức Hội thảo chu đáo, hiệu quả nhất, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Có hơn 80 tham luận, bài trình bày của các đại biểu gửi đến Ban tổ chức, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết của toàn xã hội với ngành Du lịch nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

PV: Xin cảm ơn ông!

LẠI THÚY HÀ (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top