Nghi án lộ đề thi tốt nghiệp THPT: Cấp bách cần thay đổi

VHO- Nhiều chuyên gia đang cho rằng, đã tới lúc Bộ GD&ĐT không nên “ôm” việc ra đề thi tốt nghiệp THPT nữa mà nên trả kỳ thi về cho địa phương, trả vấn đề tuyển sinh cho các trường đại học. Và nghi án lộ đề thi Sinh từng gây ồn ào lại một lần nữa khiến nhiều người xới lại vấn đề này.

Nghi án lộ đề thi tốt nghiệp THPT: Cấp bách cần thay đổi - Anh 1

 Qua kim tra thì thy Ban đ thi không rút ngu nhiên câu hi t Ngân hàng đ thi như quy chế mà làm đ thi chính thc trên cơ s đ thô có sẵn

 Đề Sinh giống đến 97,2 % bài tổng ôn của một thầy giáo

Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra, nhiều giáo viên Sinh học đã lên tiếng về việc một bài tổng ôn (có video trên mạng xã hội) của thầy giáo Nguyễn Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Tĩnh giống đến 90% đề thi môn Sinh của Bộ GD&ĐT.

Đầu tháng 8.2021, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an thành lập Tổ công tác xác minh sự việc, nhưng nửa năm trôi qua sự việc đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Giữa lúc tưởng như đã “chìm xuồng” thì lại có đơn tố giác gửi đi nhiều nơi, kèm theo bản chụp biên bản làm việc của Tổ chuyên gia (nằm trong Tổ công tác xác minh sự việc). Theo văn bản này thì Tổ chuyên gia đã đối sánh tỉ mỉ giữa đề thi chính thức, các đề thô sử dụng để xây dựng đề thi chính thức với các video bài giảng, bản PDF bài tổng ôn của thầy Nguyễn Khắc Nghệ và nhiều tài liệu thể hiện sự trao đổi qua email giữa thầy Nghệ với bà Phạm Thị My (Tổ ra đề thi môn Sinh học của Bộ GD&ĐT) và ông Bùi Văn Sâm (Tổ thẩm định đề thi môn Sinh học của Bộ GD&ĐT) trong nhiều năm, trong đó có năm 2021.

Kết luận của Tổ chuyên gia cho thấy, có 4 đề thô rút ra từ máy tính trong số 16 đề thô sử dụng để xây dựng đề thi chính thức giống trên 97% với bài tổng ôn của thầy Nghệ. Cụ thể 39/40 câu giống nhau; trong 39 câu có 73 câu giống nhau ở cả 4 đề thô. Và nhận định của Tổ chuyên gia là “có dấu hiệu bất thường”.

Ông Phạm Văn Lập, nguyên giáo viên trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN, thành viên Tổ chuyên gia) đã xác nhận những nội dung trong văn bản trên đúng là do ông và các thành viên của Tổ xác lập. Ông Lập cũng cho biết, qua kiểm tra thì thấy Ban đề thi không rút ngẫu nhiên câu hỏi từ Ngân hàng đề thi như quy chế mà làm đề thi chính thức trên cơ sở đề thô có sẵn. Đây có thể là kẽ hở dẫn tới việc lọt đề ra ngoài (nếu có).

Câu trả lời chưa thỏa đáng

Ngày 23.12, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ vẫn đang xem xét trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan. Đồng thời đã chỉ đạo rà soát quy trình ra đề thi để có điều chỉnh cần thiết vào kỳ thi tới. Tuy nhiên, trả lời này là không thỏa đáng, né tránh đề cập trực diện vào những nội dung tố giác và những “điểm bất thường” đã được Tổ chuyên gia xác nhận.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho biết, bà cũng nhận được thông tin tố cáo về sự việc trên và đã trực tiếp chuyển cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại phiên họp của kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 11.2021. Nhưng tới nay bà cũng chưa nhận được phản hồi chính thức từ Bộ GD&ĐT thông báo việc tiếp nhận, xử lý.

Thầy giáo Đinh Đức Hiền, giáo viên dạy bộ môn Sinh học, Hệ thống giáo dục Học Mãi cho biết, ông từng có tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về sự việc này và nhận được thư điện tử hồi đáp của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cách đây khoảng 1 tháng, thông tin rằng vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ sự việc, nhưng chưa đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo thầy Hiền, sự việc xảy ra gần nửa năm mà trả lời của Bộ trưởng như vậy là chưa thoả đáng. Phân tích của một số giáo viên cũng cho biết, so với 4 năm gần đây, điểm 10 môn Sinh học cao hơn mặc dù đề thi được đánh giá khó hơn, có câu phân hoá sâu sắc hơn. Nên nếu có chuyện lộ đề, việc này sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan của kỳ thi và quyền lợi của nhiều thí sinh.

Môn Sinh nằm trong tổ hợp xét tuyển vào khối Y - Dược của các trường ĐH, nhóm ngành luôn có điểm chuẩn rất cao, việc vênh nhau 0,25 điểm cũng làm thay đổi số phận của nhiều thí sinh trong việc giành suất vào các trường đại học hàng “tốp”. 

 B không nên “ôm vic ra đ

Về nghi án lộ đề, Bộ GD&ĐT không thể bỏ qua và cần thông tin công khai, minh bạch. Và qua sự việc này, nhiều chuyên gia lại cho rằng, Bộ không nên ôm việc ra đề thi cho cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa. Vì khi kết quả kỳ thi này vẫn sử dụng để xét tuyển đại học thì sẽ có nhiều kẽ hở cho hành vi gian lận. Cụ thể như những vụ gian lận năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và nhiều nghi án khiến dư luận băn khoăn về tính nghiêm túc, khách quan của kết quả thi.

“Khi kỳ thi đã giao cho địa phương coi thi, chấm thi thì Bộ nên để các địa phương tự chủ cả về đề và lịch thi, trả cho kỳ thi đúng mục đích là xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, tách hẳn việc tuyển sinh đại học khỏi kỳ thi này”, một chuyên gia cho biết.

Với nghi án lộ đề môn Sinh, nếu điều này đúng như tố cáo thì là vấn đề rất nghiêm trọng khi sai phạm lại xuất phát từ Ban ra đề. Trong đó có vấn đề bất cập về việc không tuân thủ quy chế đã đặt ra. Tuy sự việc vẫn cần chờ kết luận chính thức của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an, nhưng ngay bây giờ, Bộ GD&ĐT cũng đã có bài học để phải chấn chỉnh, thay đổi công tác ra đề nếu như vẫn nhận trách nhiệm về mình…

 TRIỆU ANH

Ý kiến bạn đọc