Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tin vào sự phục hồi của ngành Du lịch

Thứ Bảy 25/12/2021 | 15:59 GMT+7

VHO- Chiều 25.12, Phiên toàn thể của Hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam- phục hồi và phát triển” diễn ra tại Nghệ An có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội thảo

Phiên toàn thể còn có sự tham dự của Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (tham dự trực tuyến), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí. 19 đầu cầu tại các tỉnh, thành phố là các trung tâm du lịch tham gia Phiên toàn thể.

Cần giải pháp cụ thể, thực thi, nhất quán từ Trung ương đến địa phương

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: “Lãnh đạo Quốc hội hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ VHTTDL và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa này đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2. Đây là sự tiếp nối hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, nhằm làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và Phát triển bền vững”. Chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” của Hội thảo này có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm nhiều của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh đất nước ta đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản suất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Phát triển ngành Du lịch là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, từ khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, ngành Du lịch liên tục có bước phát triển đột phá: Năm 2019, doanh thu từ ngành Du lịch đạt 32,8 tỉ USD, đóng góp 9,2% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra 2,5 triệu việc làm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (trái) và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội thảo

Từ đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Nhà nước và lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội duy trì và phát triển: thu ngân sách 11 tháng ước đạt hơn 1,39 triệu tỉ đồng, vượt mục tiêu 3,7%, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu nội địa tăng 6%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 599 tỉ USD, tăng 22,3%. Xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả.

“Phiên chuyên đề của Hội thảo du lịch 2021 có thể thấy, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan tới lĩnh vực du lịch đã rất quan tâm, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm qua các bài tham luận, ý kiến thảo luận rất có chất lượng, thể hiện quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội”, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Tại Phiên toàn thể, các đại biểu tập trung đánh giá tác động của dịch Covid-19 đã làm thay đổi bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Do đó, cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành Du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu 

Bên cạnh đó, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết 30, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết dành ngân sách cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bộ VHTTDL, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành liên quan đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành một số nghị quyết cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có giải pháp hiệu quả, toàn diện hơn nữa.

Vì thế, Hội thảo đã tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững”.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Phiên toàn thể

Theo Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”.

Ông đề nghị Ban tổ chức Hội thảo không chỉ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo hôm nay, mà cần tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bao phủ hết các đối tượng tác động. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền tiếp thu ý kiến đại biểu tại Hội thảo, có các giải pháp cụ thể, thực thi, nhất quán từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Nắm bắt cơ hội để khôi phục và nâng tầm Du lịch Việt Nam

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Phiên toàn thể cho rằng: “Chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng và tin vào sự phục hồi và phát triển của ngành Du lịch trong tương lai. Nhất là khi đang có sự đồng lòng, ủng hộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân, doanh nghiệp đối với ngành”.

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi sâu rộng và toàn diện thị hiếu, nhu cầu, và hành vi du lịch của con người. Sau Covid-19 du khách có tâm lý e ngại du lịch đến những địa điểm đông người; quan tâm nhiều hơn tới an toàn sức khỏe; thận trọng khi lựa chọn điểm đến, phương tiện và cách thức tổ chức chuyến đi. Du khách thiên hướng đi theo nhóm nhỏ với bạn bè và gia đình, tìm đến những khu nghỉ chất lượng, an toàn, tách biệt, gần gũi thiên nhiên, ít tiếp xúc và ngày càng dựa vào công nghệ để thực hiện chuyến đi theo ý muốn.

Cùng với đó, xu hướng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và trải nghiệm du lịch ngày càng phổ biến; dịch vụ trực tuyến, du lịch thông minh sẽ dần thay thế nhiều công đoạn dịch vụ truyền thống; vai trò của trung gian lữ hành ngày càng giảm khi khách có thể tiếp cận dịch vụ trực tuyến, tự sắp xếp chuyến đi. Du lịch bằng hộ chiếu vắc xin kèm những điều kiện an toàn về y tế được dự báo sẽ trở thành thói quen du lịch mới.

Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký Tổ chức du lịch thế giới 

“Từ thực tế nói trên, đòi hỏi mỗi chủ thể trong ngành Du lịch phải đổi mới tư duy và cách làm du lịch thích ứng kịp với xu hướng mới. Sau giai đoạn ngưng trệ gần hai năm qua, thách thức lớn đối với ngành Du lịch là nối lại chuỗi cung ứng, khơi thông lại thị trường và tạo dựng niềm tin, sự an tâm cho du khách. Đây cũng là cơ hội khi toàn ngành đang thực hiện cơ cấu lại theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Trong thời gian tới, để phục hồi ngành Du lịch an toàn, hiệu quả, Bộ VHTTDL đề xuất tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị những cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động du lịch. Trong đó, chú trọng chính sách tài khóa, tiền tệ như: hoãn nợ, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi…; chuyển đổi số trong du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch trực tuyến; giữ chân và đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch…

Phát huy vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc Kế hoạch phục hồi du lịch nội địa, Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL ngày về việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; Hướng dẫn việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa để doanh nghiệp hoạt động gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi.

Hội thảo thu hút 300 đại biểu là lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch

Tổ chức các chiến dịch truyền thông có định hướng, kích cầu du lịch mang tính đồng bộ, quảng bá du lịch an toàn. Tập trung thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; triển khai và phát huy hiệu quả ứng dụng “Bản đồ số du lịch an toàn” nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác các khu, điểm du lịch, tour, tuyến du lịch an toàn cho du khách lựa chọn.

Triển khai hoạt động khảo sát, nghiên cứu, phân tích thị trường, thị hiếu của du khách để định hướng xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với bối cảnh bình thường mới. Phối hợp với các địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “Mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch tiêu biểu” và kết nối an toàn.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch tiếp tục tổ chức tiêm chủng cho người dân và người lao động trong ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch an toàn, khuyến khích du lịch xanh, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý điểm đến, trong đó chuẩn bị sẵn sàng kịch bản xử lý khủng hoảng khi có ca nhiễm tại điểm đến du lịch; điều tiết hoạt động du lịch tại điểm đến theo không gian và thời gian, tránh tập trung quá đông du lịch vào một thời điểm tại một điểm đến; quảng bá, xúc tiến điểm đến an toàn; kiểm soát chất lượng dịch vụ, giá cả tại điểm đến…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các doanh nghiệp du lịch cần triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp. Cố gắng giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt, tiếp tục đào tạo nhân lực và phát triển kỹ năng làm việc an toàn cho đội ngũ nhân viên. Xây dựng các sản phẩm mới, sản phẩm du lịch an toàn, sản phẩm du lịch ngách (du lịch golf, du lịch mạo hiểm…) nhằm đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường...

Khi du lịch của các quốc gia gần như quay lại vạch xuất phát do đại dịch, đón được cơ hội để khôi phục và nâng Du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới hay lãng phí những tiềm năng, thụt lùi, phá hủy môi trường và văn hóa điều đó phụ thuộc rất nhiều vào những chiến lược, giải pháp, hướng đi, cách làm và sáng kiến mà Ngành Du lịch sẽ áp dụng cả trong ngắn hạn cũng như cho một giai đoạn phát triển dài tới đây trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo.

THÚY HÀ, ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top