Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Những người sống nhờ nguồn máu hiến từ cộng đồng

Thứ Tư 12/01/2022 | 09:55 GMT+7

VHO- Là người bệnh tan máu bẩm sinh, chị Kiều Thị Thu Phương (42 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) đã có hơn 40 năm chiến đấu với căn bệnh, gần như cả cuộc đời chị cho đến ngày hôm nay có thể sống và làm việc đều nhờ vào những đơn vị máu hiến tặng từ cộng đồng.

 Chị Lò Thị Hoa (Sơn La) và anh Bùi Tấn Giác (Thái Bình) bày tỏ sự may mắn vì được truyền máu đầy đủ Ảnh: CÔNG THẮNG

“Tôi là người bệnh tan máu bẩm sinh từ khi mới vài tháng tuổi, đến nay tôi đã 42 tuổi. Có những đợt tôi phải truyền hằng tháng lên đến 8 đơn vị máu, tính đến nay tôi đã được nhận hàng ngàn đơn vị máu. Nếu không có những người tình nguyện hiến máu, người bệnh như chúng tôi sẽ không thể tiếp tục sống”, chị Phương chia sẻ.

Máu hiến là nguồn sống của người bệnh

Theo chị Phương, khi không được truyền đủ máu, cơ thể vô cùng mệt mỏi, dễ hoa mắt, chóng mặt và không thể làm được việc gì. Chỉ khi được truyền máu thì sức khỏe mới ổn định hơn và mới có thể lao động, làm việc như những người bình thường. “Năm nay dịch bệnh nên có thời điểm tôi phải chờ mất vài ngày mới được truyền máu. Người bệnh như chúng tôi rất sợ vào mỗi dịp lễ, Tết hay dịch bệnh vì nhiều người ít đi hiến máu hơn. Chỉ mong sao mọi người bớt chút thời gian đi hiến máu để người bệnh được cứu sống”, chị Phương mong muốn.

Không chỉ chị Phương mà rất nhiều người bệnh tan máu bẩm sinh khác cũng đều chung tình trạng phấp phỏm mỗi khi nguồn máu khan hiếm. Đối với họ, nguồn máu chính là nguồn sống, được truyền máu chính là được sống, mà máu lại là chế phẩm không thể nhân tạo mà bắt buộc phải được lấy từ nguồn máu hiến của cộng đồng. Như chị Lò Thị Hoa (Sơn La) và anh Bùi Tấn Giác (Thái Bình) đều mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Sau quá trình điều trị, hiện tại sức khỏe của chị Lò Thị Hoa đã ổn định. Chị Hoa cho hay: “Từ khi tôi vào viện, tôi đã được truyền 10 đơn vị máu. Sau khi truyền máu sức khỏe tôi ổn định hơn so với khi phát bệnh. May mắn được điều trị và tránh được những đợt khan hiếm máu”.

Còn anh Giác cũng bày tỏ sự biết ơn những người hiến máu vì đợt anh điều trị được truyền đủ máu mà không phải chờ đợi, không gặp tình trạng khan hiếm máu. “Đó là điều may mắn được tạo nên từ sự sẻ chia của cộng đồng”, anh Giác xúc động nói.

 Chị Đỗ Thị Liên Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Bộ VHTTDL) hiến máu

Đảm bảo an toàn truyền máu trong mùa dịch

Chia sẻ về nguy cơ thiếu máu dịp Tết, TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Trung bình mỗi tháng bệnh viện cần tiếp nhận 30.000 đơn vị máu mới cung cấp đủ cho người bệnh. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán, bệnh viện thường chỉ tiếp nhận 25.000 đến 28.000 đơn vị máu.

Tình trạng này kéo dài trong khoảng 2-3 tháng nên sẽ thiếu khoảng 15.000 đơn vị máu, 2.000 đơn vị tiểu cầu, chưa kể tình trạng mất cân đối giữa các nhóm máu cũng có thể xảy ra (thiếu máu nhóm O, nhóm A). Trước tình thế này, dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng Tiền Phong vẫn chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố tổ chức chương trình Ngày Chủ nhật đỏ 2022, ngày hội chính sẽ diễn ra tại Học viện Cảnh sát Nhân dân (Hà Nội) vào ngày 16.1. Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng ban Tổ chức cho biết: Để sự kiện diễn ra an toàn, yêu cầu phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu. Vì thế chúng tôi đã phải giảm quy mô sự kiện, chia nhỏ việc tổ chức, đồng thời thực hiện nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Đến nay chương trình đã diễn ra tại 14 địa phương, tiếp nhận hơn 9.000 đơn vị máu, là những địa phương có nguy cơ lây lan thấp. Trước mỗi buổi hiến máu đều có đội ngũ test nhanh để đảm bảo an toàn và không lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng phân công chi tiết số lượng người đến hiến máu theo các khung giờ khác nhau để trong bất cứ thời điểm nào cũng không quá 30 người. Được sự quan tâm của các Bộ, ban, ngành, đặc biệt sự vào cuộc của hơn 40 tỉnh, thành phố, dự kiến Chương trình sẽ tiếp nhận 45.000 - 50.000 đơn vị máu.

Liên quan đến vấn đề hiến máu và vắc xin, TS Bạch Quốc Khánh thông tin, hiện nay có 9 loại vắc xin phòng Covid-19, mỗi loại có thời gian khác nhau để tham gia hiến máu. Có loại vắc xin sản xuất theo phương pháp truyền thống “bất hoạt” (sử dụng virus có vật chất di truyền đã bị phá hủy - PV) thì sau tiêm một tháng mới có thể tham gia hiến máu. Các loại vắc xin sản xuất bằng các phương pháp mới phân tử thì chỉ 1 - 2 tuần là có thể tham gia hiến máu. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thời điểm đi hiến máu, người hiến máu không có tác dụng phụ nào từ việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bệnh nhân Covid-19 thì chưa nên hiến máu, mà ưu tiên nghỉ ngơi lấy sức, có thể 3 - 6 tháng sau thì có thể tham gia hiến máu.

“Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các chương trình hiến máu của các bệnh viện, các địa phương có thể hoãn bất cứ khi nào bùng dịch. Với sự nỗ lực tích cực vận động hiến máu khắp các địa phương, cách tổ chức chương trình Chủ nhật Đỏ giúp chúng tôi có thể chủ động đủ máu cho bệnh nhân, đảm bảo lượng máu cần thiết đến tháng 2. Chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm túc các biện pháp 5K đảm bảo an toàn cho người tham gia hiến máu và nhân viên y tế cũng như đảm bảo quy tắc 3A bao gồm: Đảm bảo an toàn cho người hiến máu; Đảm bảo cho nhân viên thực hiện hiến máu; Đảm bảo an toàn cho người nhận máu.

Bên cạnh việc chia nhỏ các địa điểm, kéo dài thời gian tiếp nhận hiến máu ở cùng một địa điểm, các nhân viên y tế đã tiêm vắc xin bổ sung mũi 3, thường xuyên test PCR để đảm bảo an toàn cho đơn vị tổ chức hiến máu”, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nói. 

 Bộ VHTTDL là một trong những điểm sáng của phong trào hiến máu

Cuối tháng 12.2021, Đoàn Thanh niên, Công đoàn VHTTDL phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Đoàn Thanh niên các đơn vị tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện năm 2021. Tham dự chương trình có nhiều đại diện lãnh đạo các đơn vị và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các bạn đoàn viên thanh niên.

Đồng hành với nhiều chương trình trong thời gian vừa qua, ông Trần Huy Toản, Phó chủ tịch phụ trách Công đoàn Bộ cho biết: “Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp đã tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội. Thấu hiểu những khó khăn trong công tác tiếp nhận nguồn máu do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, cán bộ, đoàn viên Công đoàn các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực hiến máu, kịp thời cứu chữa được nhiều người bệnh”. Trong năm 2020, đoàn viên, thanh niên các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã hiến tặng 1.000 đơn vị máu, là 1 trong những điểm sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện. Tin, ảnh: C.THẮNG

 QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top