Thể thao hòa nhịp cùng “đường bay” lớn của dân tộc

VHO- Năm 2021 đã qua đi với nhiều khó khăn và thách thức, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư, với biến chủng mới Delta lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã gây ảnh hưởng lớn và hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội nước ta.

Thể thao hòa nhịp cùng “đường bay” lớn của dân tộc - Anh 1

 Việc người hâm mộ được vào sân Mỹ Đình cổ vũ đội tuyển Việt Nam tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cho thấy sự thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả của thể thao Việt Nam trước đại dịch  Ảnh: Trần Huấn

Trong bối cảnh ấy, hoạt động thể thao Việt Nam đã có những đóng góp đáng khen để cùng cả nước vượt qua đại dịch, đồng thời thể hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Không thể quên được những cảm xúc tự hào khi bóng đá Việt Nam được vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022, một lần nữa giữ vững danh hiệu số một Đông Nam Á. Không thể quên được hình ảnh vận động viên Quách Thị Lan vào chung kết 400m tại Olympic Tokyo 2020; đô cử Lê Văn Công giành HCB tại Paralympic Tokyo 2020 và nữ võ sĩ Thu Nhi vô địch boxing WBO càng làm nức lòng người hâm mộ Việt Nam. Cùng với Quách Thị Lan, tại Olympic Tokyo, cũng ghi nhận sự xuất hiện của một số gương mặt trẻ tài năng trong các bộ môn cầu lông, boxing, bắn cung… tạo nên những niềm hy vọng tươi mới cho thể thao Việt Nam.

Trên mặt bằng chung, thể thao đã cùng cả nước chống dịch Covid-19, các hoạt động thể thao cũng thể hiện tình cảm tương thân tương ái trong bối cảnh này. Nhưng không chỉ có như thế, thể thao Việt Nam không xa rời mục tiêu và lý tưởng Olympic. Một hoạt động cụ thể trong năm qua là tham gia Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao diễn ra vào tháng 8.2021 tại Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ trong Thể thao của Nhật Bản thuộc Đại học Juntendo.  Hội thảo do Ban thư ký ASEAN và Cơ quan thể thao Nhật Bản phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của khoảng 60 đại diện từ 10 quốc gia thành viên ASEAN, Nhật Bản và Ban thư ký ASEAN. Đây là nét mới rất đáng được ghi nhận, bởi hướng tới mục tiêu là các chiến lược hành động để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong các môn thể thao phù hợp với từng quốc gia thành viên ASEAN.

Chia tay năm Tân Sửu, ngay từ cuối năm qua, thể thao Việt Nam đã tập trung vào nhiệm vụ mới, trong đó trọng tâm chính là công tác chuẩn bị SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Những tín hiệu tốt đã xuất hiện. Đó là việc các bộ môn đã, đang gấp rút hoàn thiện các công việc liên quan đến công tác tổ chức SEA Games 31. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX với chất lượng chuyên môn cao nhất nhưng vẫn đảm bảo được sự cân đối tiết kiệm, hạn chế chi phí tối đa trước sự khó khăn chung của nền kinh tế trong suốt hai năm chống dịch Covid–19. Để có thể đưa ra phương án tổ chức tối ưu nhất, các đơn vị có liên quan đã chỉ đạo bộ môn rà soát lại toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thi đấu, tập luyện tại mỗi địa phương dự kiến đăng cai các môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.

Hoạt động thể thao luôn luôn bám vào sự vận động của toàn xã hội. Lãnh đạo ngành đã xem Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là kim chỉ nam để xây dựng kế hoạch tổ chức các giải đấu thể thao phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây là cơ hội để từng bộ môn khởi động lại nhịp hoạt động thể thao thành tích cao trong điều kiện mới. Đồng thời, là dịp tốt giúp vận động viên thành tích cao có cơ hội thi đấu, sau nhiều tháng “cấm trại” tập luyện.

Thực tiễn cuộc sống đã cho thấy phải có nguồn lực đầu tư hợp lý cho văn hóa thể chất. Bởi vì, như Bác Hồ đã căn dặn: "Muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người Xã hội chủ nghĩa", Bác cũng nói rằng: “Có sức khỏe là có tất cả” và để có sức khỏe, một trong những yếu tố không gì tốt hơn là tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao. Đáng nói hơn, Việt Nam đang là một trong những quốc gia chống dịch Covid-19 khá linh hoạt và việc đăng cai tổ chức một đại hội thể thao quy mô như SEA Games sẽ khiến vị thế của nước nhà được gia tăng nhiều hơn nữa trong mắt bạn bè quốc tế.

18 năm trước, SEA Games 22 đã tạo nên những hình ảnh đẹp với người hâm mộ thể thao trong và ngoài nước. Hy vọng rằng năm Nhâm Dần tới, SEA Games 31 cũng sẽ tạo được những “cú hích” tích cực trong bối cảnh toàn cầu vẫn đang đối mặt nhiều thách thức bởi đại dịch Covid-19. Tại lễ kỷ niệm Quốc khánh năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Người Việt Nam có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”; thử thách này sẽ rèn luyện bản lĩnh của chúng ta. Lịch sử đã chứng minh, trong khó khăn, thách thức và gian nan, tinh thần đoàn kết, tương trợ, chia sẻ là liều thuốc quý để chúng ta cùng nhau đi qua dịch bệnh và tăng cường mối quan hệ hơn nữa.

Một năm mới lại đến với ngành thể dục thể thao cả nước, hy vọng đây sẽ là một mốc son mới của thể thao Việt Nam khi những vận động viên ưu tú của chúng ta xiết tay nhau bay lên cao hơn, nhanh hơn, hòa nhịp cùng “đường bay” lớn của dân tộc.

NGUYỄN LƯU

Ý kiến bạn đọc