Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Hồi hương cổ vật: Bằng cách nào?

Thứ Năm 27/01/2022 | 22:01 GMT+7

VHO- Ngày xưa, cũng chẳng phải xưa lắm, chỉ cách đây vài chục năm, chợ hoa Tết Hàng Lược thường có một phần không gian dành cho những sạp hàng đồ cổ, trong đó có cả những đồ cũ, tạo nên một không khí xuân đặc trưng của phố phường Hà Nội. Đến đây, không chỉ có những người già hiếu cổ, tóc bạc, mà còn nhiều nam thanh, nữ tú tân thời, mua ít, ngắm nhiều để hưởng cái không khí ngày xuân tĩnh lặng của hoa và cổ vật, lui tránh sự ồn ào, náo nhiệt của phố phường mua sắm cuối năm.

Chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đấu giá thành công tại Pháp để đưa về trưng bày ở Hoàng cung Huế

Mấy chục năm nay, không gian ấy không còn, nhường chỗ cho những quầy hàng giả cổ, xem ra lạnh lẽo và tẻ nhạt, do thiếu đi những lời phẩm bình nhỏ, to từ những người mua sắm, chiêm ngắm đam mê qua những dấu ấn tài hoa của tiền nhân để lại. Sự mất đi ấy, không phải cổ vật ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã hết, mà bởi giá trị và sự trân quý của chúng ngày một tăng lên, không còn là mặt hàng bày bán nơi vỉa hè, góc phố. Không còn chợ cổ vật, sự đam mê, nghiện ngập lại không thể cưỡng. Những người ở tuổi trung niên, thay thế cha chú, cũng dựa vào những ngày, tháng cuối năm, tìm đến thị trường cổ vật ở nước ngoài để sưu tầm, như một lực lượng hồi hương cổ vật tự phát, đầy cảm tính, theo thị hiếu đám đông. Tuy nhiên, trong số đó, không ít người đã có định hướng.

Tôi biết một nhóm người yêu thích và say mê cổ vật Việt Nam, tìm đến những sưu tập ở nước ngoài, của cả người Tây lẫn người Việt, tìm mua những cổ vật Việt, may chăng gặp được giá hời, khi năm hết, tết đến, chồng chất áp lực cho những khoản chi tiêu. Thế nhưng, hồi cố từ họ cũng vô cùng bi đát, bởi cổ vật Việt hiếm hoi và ít ỏi, đúng như sự ít ỏi và hiếm hoi, ngay từ lúc chúng được làm ra trên quê hương xứ sở. Ở nước ngoài, hẳn là việc tìm kiếm bội phần gian nan, bởi những người nước ngoài, do yêu thích văn hoá Việt, họ trân quý chúng như gia bảo. Còn, với người Việt, họ coi đó là hồn cốt, là hơi thở, là hình bóng của đất nước, mà những người xa xứ như họ, thường ngày chiêm ngắm để vơi bớt nỗi nhớ nước, nhớ quê.

 Long sàng của vua Thành Thái

Mấy chục năm trở lại đây, trên những sàn đấu giá quốc tế, được thực hiện từ những công ty đấu giá tầm cỡ, có uy tín như Sotheby's, Christie’s, Butterfield… cổ vật Việt Nam và những tác phẩm thời Mỹ thuật Đông Dương, giá tăng lên chóng mặt. Hồi hương theo cách này lại càng áp lực, khi người Việt phải đối đầu với những đại gia giàu tiền của ở những quốc gia phát triển. Còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, một chiếc bình vẽ nhiều màu trên men cánh sen và hoa cúc dây, được sản xuất từ lò gốm Chu Đậu nổi tiếng của tỉnh Hải Dương bây giờ, niên đại thuộc thời Lê sơ, thế kỷ XV, giá lên tới 300.000 bảng Anh tại London, đã được coi là khủng khiếp. Gần đây, ngày 28.11.2021, giá của một chiếc mũ quan triều Nguyễn, thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bán tại Barcelona, Tây Ban Nha, lên tới 600.000 euro. Những dấu hiệu ấy buồn ít, vui nhiều, bởi chỉ số giá trị kinh tế, phản ánh một Việt Nam ngày càng có vị thế và uy tín trên thế giới, theo đó, những di sản cổ vật của đất nước này, dưới con mắt của những nhà sưu tập, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Còn, với cộng đồng quốc tế, “bí mật” về một Việt Nam đã phần nào được khám phá và giải mã, kể từ khi Đảng và Nhà nước mở cửa và hội nhập với thế giới ngày một sâu và rộng hơn.

Tuy nhiên, đấu giá trực tiếp hay trực tuyến, vẫn là phương cách hữu hiệu và đơn giản nhất để hồi hương cổ vật. Và, ở một chừng mực nào đó, chúng ta đã tiếp cận được, sau sự ghi nhận đấu giá thành công hai cổ vật triều Nguyễn đưa về Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để lưu giữ, phát huy. Đó là chiếc long sàng và xe tay của vua Thành Thái mua tặng thân mẫu. Thành công thương vụ này đã được dư luận tán thưởng với sự chung tay góp sức từ rất nhiều cơ quan và cá nhân, trong đó, có cộng đồng người Việt ở ngoài và trong nước. Mặc dù vậy, không ít cổ vật Việt Nam, trong đó có báu vật Hoàng cung, của quan lại vương triều, thời cơ đã bị bỏ lỡ, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, mà trong đó, bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi và chiếc mũ quan nêu trên, là những ví dụ.

Với chiếc mũ quan, dư luận và thông tin đại chúng phàn nàn. Sự phàn nàn mang nặng nỗi niềm đau thiết, khi cổ vật không thể được hồi hương. Là một người ít nhiều am tường về lĩnh vực này, tôi chia sẻ nhiều hơn là trách móc, khi sự việc diễn ra nơi đất khách, chỉ trong một tuần, không kịp trở tay là thực tế. Giao dịch trực tuyến là quá mạo hiểm đối với việc mua, bán cổ vật. Hơn thế, những tư liệu có liên quan không được xử lý trực tiếp, lại chưa tìm được người có kinh nghiệm và khả năng để ủy quyền, giao phó. Hơn 5 năm về trước, chiếc xe tay vua Thành Thái mua tặng mẹ, ồn ào dư luận về dấu hiệu cung đình đã không được thể hiện trên món quà tặng này, cho dù, việc thu thập tài liệu có liên quan là đáng tin. Trong hoàng cung, không phải tất cả đồ dùng đều có dấu hiệu của hoàng gia. Khai quật khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long, ở Cố đô Lam Kinh, ở Thành Nội Huế, những đồ gốm sứ, dẫu được dùng cho hoàng tộc, nhưng khá nhiều là đồ gốm sứ thương mại, không được sản xuất tại những "lò quan" của cung đình. Bối cảnh lịch sử, do vương triều bước vào buổi hoàng hôn, do vua lâm vào hoàn cảnh suy vi, do ngự xưởng không đủ khả năng và điều kiện làm và đặt làm những đồ dùng mang dấu ấn hoàng gia, cần phải được khai khác và vận dụng trong trường hợp cụ thể nêu trên.

Mũ quan triều Nguyễn được đấu giá 600.000 euro (15,7 tỉ đồng) trong phiên đấu tháng 11.2021 của Nhà Balclis, Tây Ban Nha

Dư luận cũng đặt ra, hồi hương cổ vật, nên chăng cần vận dụng luật pháp và công ước quốc tế. Điều 5 của Luật Di sản văn hóa nêu rõ, "Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu của toàn dân, công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật". Về di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, Khoản 2, Điều 8 chỉ rõ: "Di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo tập quán quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia". Việt Nam là một trong những nước tham gia "Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cản xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa".

Tất cả những điều luật và công ước, ngành Di sản văn hóa nói riêng, cộng đồng Việt Nam nói chung đã, đang thực hiện và ngày càng thực hiện nghiêm túc hơn cho một Việt Nam hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, bằng những con đường khác nhau, cổ vật Việt Nam đã ra đi từ lâu, không thể ngoại trừ thời gian đất nước còn chìm trong bom đạn chiến tranh, để giờ đây, chúng nằm trong quyền sở hữu của các cá nhân và tổ chức nước ngoài, phù hợp với luật pháp sở tại. Những tập quán quốc tế và những quy định của điều ước quốc tế, không phải quốc gia nào cũng thực hiện như cam kết. Hơn thế, nó còn phụ thuộc và ràng buộc bởi những điều luật từ mỗi quốc gia, theo đó, những nỗ lực hồi hương cổ vật Việt Nam từ nước ngoài, qua con đường luật pháp và công ước còn vô cùng gian nan, cho dù, Nhà nước, Bộ VHTTDL, ngành Di sản văn hóa, đều mong muốn điều này được thực hiện như một mẫu số chung trên toàn thế giới.

Vậy nên, hồi hương cổ vật bằng hình thức mua đấu giá vẫn là thông lệ quốc tế, là một trong những con đường ngắn nhất để di sản trở về với quê hương. Thế nhưng, làm cách nào có hiệu quả là vấn đề cần được trao đổi, từ những kinh nghiệm của các quốc gia, đã ít nhiều thành công như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tôi đã có dịp làm việc với những nhà nghiên cứu nước ngoài, Á cũng như Âu, họ đều nói rằng, bất cứ quốc gia nào, dù giàu có đến mấy cũng không đủ khả năng sưu tầm bằng mua đấu giá như mong muốn. Cần phải lực lượng tư nhân. Định hướng xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, ở lĩnh vực này đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực, qua sự ra đời những sưu tập tư nhân, những bảo tàng ngoài công lập, để rồi, họ trở thành một lực lượng góp sức cho hồi hương. Thực tế, lực lượng ấy đã hoạt động, nhưng, như đã đề cập, còn nặng về tự phát, thiếu chuyên môn, chạy theo thị hiếu đám đông, lẻ tẻ và du kích.

 Cặp đôn gốm Cây Mai đắp nổi quần thể điển tích của lò Đồng Hòa được đưa ra đấu giá trên trang web của Nhà Asium (Paris, Pháp) vào năm 2018

Hồi hương, cần phải có một chiến lược toàn diện và bao quát, mà trước hết, nên được xây dựng trên cơ sở của những tập đoàn kinh tế lớn. Bên trong họ, có thiết chế bảo tàng. Song hành với họ là những bảo tàng, di tích.

Tôi cứ nghĩ, Thừa Thiên Huế, nếu có một tập hợp doanh nghiệp và doanh nhân đủ mạnh, nặng lòng với di sản đất nước, có tầm nhìn và định hướng của cả hệ thống chính trị, hẳn những di sản cổ vật của cung đình Huế sẽ được hồi hương kịp thời khi khu di sản văn hóa thế giới Cố đô đang là một trong những động lực phát triển kinh tế ở địa phương.

Việt Nam, giờ đây đã có nhiều tập đoàn và doanh nghiệp mạnh, đủ sức làm việc này. Họ đang thai nghén những ý tưởng cho di sản, cho bảo tàng, cần một sự khích lệ của Nhà nước, cộng đồng và toàn xã hội.

Còn quá nhiều những câu chuyện về hồi hương cổ vật với những ý tưởng và giải pháp vô cùng phong phú mà bài viết này chưa thể đề cập do dung lượng có hạn. Và, đâu đó, trong nội dung bài viết còn nặng về suy nghĩ chủ quan, chưa hẳn đã làm vừa lòng mọi đối tượng độc giả. Thế nhưng, đó là những trăn trở bấy lâu nay, cần được giãi bày, mong sao, những điều kiện và cơ hội để cổ vật Việt hồi hương không còn nhiều vướng bận và khó khăn, như đã gặp trong những năm qua.

 

“Đấu giá trực tiếp hay trực tuyến, vẫn là phương cách hữu hiệu và đơn giản nhất để hồi hương cổ vật. Và, ở một chừng mực nào đó, chúng ta đã tiếp cận được, sau sự ghi nhận đấu giá thành công hai cổ vật triều Nguyễn đưa về Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để lưu giữ, phát huy... Hồi hương cổ vật bằng hình thức mua đấu giá vẫn là thông lệ quốc tế, là một trong những con đường ngắn nhất để di sản trở về với quê hương”.

 

TS Phạm Quốc Quân

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top