Trong khó khăn càng tỏa sáng

VHO- Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, con người Việt Nam đã được tôi luyện, rèn đúc những phẩm chất đặc biệt. Đó là khí phách hiên ngang trong chống giặc ngoại xâm, là bản lĩnh vững vàng trong xây dựng đất nước, là truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, đùm bọc sẻ chia trong tai ương, hoạn nạn.

Trong khó khăn càng tỏa sáng - Anh 1

Biết ơn những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch

Năm 2021 là năm chồng chất khó khăn, kinh tế suy thoái, đặc biệt là đợt dịch Covid-19 lần thứ tư với biến thể Delta cực kỳ nguy hiểm. Nhưng chính trong gian nan thử thách, tinh thần đồng cam, cộng khổ, lòng yêu thương, nhân ái, ý thức cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam lại càng tỏa sáng.

Trước hết, tinh thần đoàn kết, ý chí và bản lĩnh ấy thể hiện ở sự “trên dưới đồng lòng” chung tay chống dịch, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến những người dân  bình dị nhất. Hình ảnh Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các vị “Tư lệnh ngành”  hốc hác, bạc tóc, mất ăn mất ngủ cùng toàn dân chống chọi với đại dịch, tấm gương các cán bộ cơ sở không quản ngại khó khăn, nguy hiểm lăn lộn “ba cùng” với nhân dân.

Trong đại dịch ngời sáng lên phẩm chất, y đức cao đẹp của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Những “thiên thần áo trắng” sẵn sàng đi đầu trên trận tuyến chống dịch, không nề hà ngày đêm, sức khỏe, tính mạng chăm lo cho người  bệnh. Câu chuyện lùi, hoãn cưới của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp ở Bệnh viện Bạch Mai hay bác sĩ Đình Hoàng ở Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ; chuyện vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh ở Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng gửi lại con thơ xung phong lên đường chống dịch là một vài trong vô vàn những tấm gương hy sinh quyền lợi cá nhân vì nghĩa lớn...

Trong đại dịch, truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc càng hiển hiện rõ hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp bất kể lớn nhỏ đều tự nguyện đóng góp hàng nghìn tỉ đồng vào Quỹ vắc xin, hỗ trợ mua máy thở, phòng điều trị áp lực âm, trang thiết bị y tế, xây dựng  bệnh viện dã chiến…

Người góp của, kẻ góp công, nhiều cụ già, em nhỏ cũng chung tay giúp đỡ, cưu mang những người kém may mắn hơn. Không phải là hiếm những trường hợp như cụ bà Phan Thị Chi, 94 tuổi, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc dành số tiền tích cóp bao năm để ủng hộ 2 tấn gạo cho bà con vùng dịch. Cụ  Nguyễn Văn Mộc, 98 tuổi, đảng viên 70 năm tuổi Đảng ở thôn Phù Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường dùng 3 triệu đồng truy lĩnh chế độ “Huân chương chiến sĩ vẻ vang” để ủng hộ Quỹ phòng chống dịch. Em Nguyễn Ngọc Ánh, học sinh Trường THCS Vĩnh Tường dốc hết lợn đất được  1.036.000 đồng ủng hộ hết cho Quỹ vắc xin...

Trong khó khăn càng tỏa sáng - Anh 2

Một miếng khi đói bằng một gói khi no, những cây ATM gạo, những hình thức giúp đỡ đa dạng xuất hiện khắp nơi trên các tỉnh, thành hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Đơn cử là trường hợp anh Hoàng Tuấn Anh - cha đẻ của "ATM gạo", "ATM khẩu trang" và gần đây là "ATM oxy". Anh không chỉ hỗ trợ oxy đến các F0 ở thành phố Hồ Chí Minh, mà còn mở rộng đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngay cả khi bị mắc Covid-19 và phải điều trị tại bệnh viện, anh vẫn thường xuyên đăng tải lên mạng xã hội kinh nghiệm F0 để chia sẻ cho mọi người. Anh Cường Béo (Vũ Quốc Cường) mở hai quán cơm chay xã hội để hỗ trợ người nghèo và các bệnh viện tuyến đầu. Trước khi qua đời vì Covid-19, anh vẫn gọi điện động viên, dặn dò cộng sự tiếp tục chăm lo cho người nghèo. Ca sĩ Phi Nhung đã có thể về Mỹ đoàn tụ với con gái, nhưng chị đã quyết tâm ở lại để tiếp tục hành trình thiện nguyện, tham gia bếp ăn tình thương, giúp đỡ người nghèo và mất vì Covid-19. Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng, chủ chuỗi quán chay Mãn Tự cùng nhóm thiện nguyện hằng ngày nấu từ 4.000 đến 7.500 suất ăn hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và người dân trong khu cách ly...

Ngoài ra, còn biết bao tấm gương cảm động khác về tình người, về “nghĩa đồng bào”. Trên các con phố, vỉa hè, khu dân cư, xóm nghèo xuất hiện rất nhiều bếp ăn, cửa hàng, siêu thị miễn phí, những “phiên chợ nghĩa tình”, “gian hàng 0 đồng” cung cấp nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn… Những suất quà tình nghĩa, lời nhắn nhủ “Ai cần thì lấy”, những “Bữa ăn từ thiện”, “Điểm phát cơm chay” đã kịp thời hỗ trợ và tiếp sức cho nhiều cảnh đời bất hạnh trong những ngày cam go, thiếu thốn. Có biết bao “Chuyến xe nghĩa tình” từ các tỉnh, thành phố chuyên chở lương thực, thực phẩm đến các vùng bị phong tỏa hoặc giải cứu nông sản cho người dân ở vùng dịch. Tấm lòng đùm bọc, chia sẻ, tình nghĩa được gửi gắm vào từng mớ rau, củ lạc, quả trứng, trái bầu, trái bí vườn nhà.

Ngay trong tâm dịch, tình người vẫn luôn tỏa sáng để không ai bị bỏ lại phía sau. Hàng loạt nhóm thiện nguyện ra đời để giúp đỡ những người lao động tự do, vô gia cư, tiêu biểu như nhóm thiện nguyện “Đêm Sài Gòn” ở thành phố Hồ Chí Minh, Hội thiện nguyện Tâm An ở Nghệ An, “Quỹ Phước An Nhiên” ở  Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm chuyên lo hậu sự cho bệnh nhân Covid-19 tử vong…

Đó còn là các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân kề vai sát cánh cùng bà con vùng dịch, chịu cảnh màn trời chiếu đất để nhường doanh trại, chỗ ở cho người dân, hay ngày đêm canh gác cửa khẩu, đường mòn, lối mở vùng biên giới để chặn dịch. Các văn nghệ sĩ bằng lời ca, tiếng hát, tác phẩm động viên, tiếp sức cho người bệnh và lực lượng tuyến đầu qua những chương trình “Tiếng hát át Covid”, “Nắng trong tim”, “Chia sẻ để gần nhau hơn”, “Cảm ơn những điều phi thường”, “San sẻ yêu thương chung tay vượt qua đại dịch”… Những nhà sư, tu sĩ, tín đồ các giáo phái khác nhau bằng tình thương yêu, từ bi, bác ái nỗ lực tham gia chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ các cơ sở y tế, hỗ trợ cộng đồng. Bên cạnh đó là đội ngũ phóng viên, nhà báo, người làm truyền thông  không quản ngại khó khăn, nguy hiểm xông vào tâm dịch để kịp thời đưa tin, viết bài, làm những thước phim nóng hổi ghi lại cuộc chiến cam go giữa lằn  ranh sinh tử trong đại dịch, v.v…

Có thể nói, đại dịch Covid-19 chính là một phép thử bi tráng đối với bản lĩnh, ý chí, tinh thần của người dân Việt Nam. Mặc dù có những thời điểm chúng ta không tránh khỏi hoang mang, lúng túng, bị động bởi dịch bệnh tàn khốc chưa từng có tiền lệ cũng như những khó khăn do nguồn lực con người và nền y tế còn hạn chế. Tuy nhiên, bên cạnh sự đau thương, mất mát, chúng ta cũng cảm nhận rõ hơn bao giờ hết những giá trị nhân văn tốt đẹp, những phẩm chất cao quý, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của văn hóa và con người Việt Nam. Chính những điều đó sẽ giúp dân tộc ta luôn có đủ bản lĩnh, sức mạnh để vượt qua mọi gian nan, thử thách, bách chiến bách thắng và mãi mãi trường tồn với thời gian.

 

GS.TS Từ Thị Loan

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam 

Ý kiến bạn đọc