Chùa Hương nghiêm túc dừng lễ hội, Tam Chúc du khách chen chân

VHO- Khác với bối cảnh mọi nẻo đường đều đổ về lễ hội như nhiều năm trước, năm nay, hầu hết các lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận đều đã nghiêm túc thực hiện việc tạm dừng tổ chức phần hội, hoặc thu hẹp quy mô tổ chức. Bên cạnh đó, một số nơi vẫn ghi nhận cảnh du khách chen chân.

Chùa Hương nghiêm túc dừng lễ hội, Tam Chúc du khách chen chân - Anh 1

Thông báo dừng lễ hội được niêm yết công khai tại đường vào di tích Chùa Hương

Chùa Hương tuân thủ nghiêm quy định dừng lễ hội

 Ngày 5.2, Sở VHTT Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra việc tạm dừng lễ hội tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức)- một ngày trước ngày khai hội chùa Hương chính thức như thường niên trước đây (mồng 6.2, tức mùng 6 tháng Giêng). Theo ghi nhận, huyện Mỹ Đức đã thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng tổ chức lễ hội. Ngay từ cổng vào và các khu vực quanh di tích đều được lập các chốt chặn, có lực lượng ứng trực, nhắc nhở, vận động người dân và du khách chấp hành nghiêm các quy định của khu di tích. Khu vực suối Yến không còn cảnh đò xếp hàng chờ đón khách; hàng quán khu vực đền Trình và chùa Thiên Trù, đường lên động Hương Tích cũng đóng cửa.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, địa phương và BQL Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn được yêu cầu tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân và du khách để mọi người hiểu và tuân thủ các quy định. Thông báo dừng lễ hội được niêm yết công khai tại đường vào di tích.

Chùa Hương nghiêm túc dừng lễ hội, Tam Chúc du khách chen chân - Anh 2

Hàng quán trong khu vực di tích đóng cửa 

Theo BQL Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, nhiều du khách không biết thông tin vẫn đến chùa Hương. BQL đã tổ chức 4 chốt để giám sát, tuyên truyền về việc dừng lễ hội, không đón khách tham quan. Vì vậy, nhiều du khách đến chùa Hương phải quay về.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tất cả các thuyền đều tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, ở các điểm di tích, một số người dân địa phương vẫn đi lễ, cũng có những người đi làm ăn xa về nhà trong dịp Tết đến các điểm di tích. Các chốt kiểm soát đã nắm bắt để thường xuyên tuyên truyền đến du khách.

Trang nghiêm phần lễ, thu hẹp quy mô lễ hội

Khác với khung cảnh tưng bừng từ sáng sớm mùng 5 Tết Nguyên đán như mọi năm, Xuân Nhâm Dần, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội dừng tổ chức Lễ hội Gò Đống Đa. Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ được thực hiện theo đúng các quy định về phòng dịch Covid-19. Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đã tới dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ và Đền thờ Hoàng đế Quang Trung tại Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa, nhân kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2022).

Chùa Hương nghiêm túc dừng lễ hội, Tam Chúc du khách chen chân - Anh 3

Các tầng lớp nhân dân Thủ đô dâng hương tưởng nhớ vị Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ tại di tích gò Đống Đa

Cũng trên địa bàn TP. Hà Nội, Đoàn kiểm tra của Sở VHTT Thành phố đã tiến hành kiểm tra việc tạm dừng lễ hội tại đền Gióng (huyện Sóc Sơn), đền Cổ Loa (huyện Đông Anh), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)... Cả ba di tích trên đều là lễ hội lớn, thu hút đông người, có ngày khai hội là mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Việc siết chặt quản lý lễ hội tiếp tục được tăng cường, thông qua việc duy trì tuyên truyền vận động cũng như lập tổ kiểm tra, giám sát, nhắc nhở.

Trước đó, ngày 3.2 (mùng 3 Tết), UBND huyện Sóc Sơn có văn bản thông báo về việc tạm thời đóng cửa hai di tích Quốc gia trên địa bàn để phòng, chống dịch Covid-19, gồm di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (xã Phù Linh) và di tích Quốc gia đền Thanh Nhàn (xã Thanh Xuân). Hai di tích tạm thời đóng cửa, không đón tiếp du khách từ ngày 4.2 đến ngày 15.2.2022 (tức từ ngày mùng 4 tháng Giêng đến ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Dần).

Thực hiện công tác quản lý lễ hội Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Sở VHTT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai thực hiện tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội xuân trên địa bàn. Trong những ngày Tết, ngày chính lễ tại các điểm di tích, các nơi thờ tự thực hiện việc thờ cúng theo truyền thống đảm bảo ấm cúng, trang trọng. Các địa phương hướng dẫn, khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Một số nơi còn cảnh chen chúc

Ngày 5.2 (mùng 5 Tết), đền Bà Chúa Kho chính thức dừng hoạt động đón khách. Trước đó, trong ngày 4.2 (mùng 4 Tết), hàng ngàn người dân kéo nhau đến đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) thắp nhang, dâng lễ để “vay tiền”, "xin lộc". Nhiều thời điểm, người dân đến hành lễ không đảm bảo yêu cầu 5K phòng chống dịch.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, du khách về lễ đền Bà Chúa Kho quá đông, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, tối 4.2, BCĐ- Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh và BTC ra thông báo đóng cửa và tạm dừng tiếp đón khách tại đền Trình và đền Bà Chúa Kho từ ngày 5.2 (mùng 5 tháng Giêng năm Nhâm Dần) cho đến khi có thông báo mới.

Chùa Hương nghiêm túc dừng lễ hội, Tam Chúc du khách chen chân - Anh 4

Tại khu du lịch chùa Tam Chúc, ảnh: TTXVN

Đông nghẹt du khách cũng là thực tế được báo chí phản ánh tại khu du lịch chùa Tam Chúc trong dịp đầu năm. Theo đó, ngày mùng 2, 3 Tết Nhâm Dần 2022, có khoảng 3.000 du khách đến tham quan, chiêm bái chùa Tam Chúc. Đến ngày mùng 4, 5 lượng khách tăng mạnh. Lượng du khách lớn khiến khu du lịch chùa Tam Chúc đông nghịt người. Đặc biệt, tại khu vực khai báo y tế, quầy bán vé, khu vực đợi lên thuyền vào khu du lịch dày đặc người chờ đợi. Các lực lượng làm nhiệm vụ khá vất vả để không xảy ra tình trạng chen lấn, lộn xộn. 

Đây không phải lần đầu tiên diễn ra tình trạng quá đông du khách đến khu du lịch Tam Chúc khi bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp.

MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc