Công đoàn cơ sở thương lượng về nghỉ giải lao, bữa ăn phụ, lương… làm thêm giờ cho NLĐ

VHO- Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐ triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 24.3.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển KT-XH.

Theo đó, LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐ chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc phối hợp với ngành LĐ,TB&XH, các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, người lao động hiểu đúng và đầy đủ nội dung và tinh thần của Nghị quyết. Trong đó, các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm là các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết và khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019. Tất cả trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong 1 tháng.

Công đoàn cơ sở thương lượng về nghỉ giải lao, bữa ăn phụ, lương… làm thêm giờ cho NLĐ - Anh 1

Đề xuất hỗ trợ ăn ca, giải lao, tiền trông trẻ cho người lao động làm thêm trên 3 giờ/ca

Tăng cường công tác giám sát, tham gia thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trong đó, quan tâm giám sát việc trả tiền lương làm theo giờ đúng quy định; việc đảm bảo đầy đủ các quy trình quản lý rủi ro có thể phát sinh do việc làm thêm giờ tạo ra; việc theo dõi các biểu hiện sức khỏe của người lao động trong quá trình làm thêm giờ; việc tổ chức lấy ý kiến đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ…

 Hướng dẫn cho các cấp công đoàn (nhất là công đoàn cơ sở) đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ. Cụ thể, thương lượng với người sử dụng lao động về mức tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức doanh nghiệp đang chi trả để động viên, khuyến kích và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động, 

 Nếu thời gian làm thêm trong 1 ca lớn hơn 3 giờ thì ngoài quy định về thời gian nghỉ giữa ca, đề nghị người sử dụng lao động cứ sau 90 phút làm việc thêm giờ thì bố trí giải lao ít nhất 10 phút, nhất là đối với người lao động làm việc ở các dây chuyển sản xuất liên tục.

Các cấp công đoàn cơ sở đề xuất, đối thoại, thương lượng với doanh nghiệp quan tâm cung cấp bữa ăn ca đảm bảo đủ chất, cân bằng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm với giá trị bữa ăn ca bằng hoặc cao hơn mức quy định; Đề xuất bổ sung bữa ăn phụ, bữa ăn nhẹ cho người lao động sau khi kết thúc làm thêm để phục hồi sức khỏe;  Đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ cho người lao động nhất là lao động có con dưới 6 tuổi…Ngoài ra, tùy vào tình hình thực tế và ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh do việc điều chỉnh thời gian làm thêm giờ, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.

 Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp công đoàn phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tập thể người lao động, đặc biệt các vụ việc ngừng việc tập thể, đình công có liên quan đến điều chỉnh thời gian làm thêm giờ.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc