Truyền thông về tác hại của thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường còn ở mức thấp

VHO- Thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường là những sản phẩm gây hại cho sức khỏe người dân, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến tử vong nhưng được sử dụng phố biến và bày bán với giá khá rẻ. Do đó, cần tăng cường truyền thông về tác hại, các chính sách pháp luật cũng như giải pháp nhằm giảm tiêu dùng của những sản phẩm, đồ uống này.

Truyền thông về tác hại của thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường còn ở mức thấp - Anh 1

Một phóng viên thuyết trình về thực hiện truyền thông tác hại của rượu bia, thuốc lá và đồ uống có đường Ảnh: THANH HẢI

Đây là mục tiêu của hội nghị tập huấn cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường và giải pháp kiểm soát tiêu thụ do Bộ TT&TT phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam vừa được tổ chức tại Ninh Bình. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) Hồ Hồng Hải cho rằng, cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại là sự xuất hiện ngày càng phổ biến các sản phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, cụ thể là thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường. “Việc sử dụng không có kiểm soát đối với các sản phẩm này là nguyên nhân gây ra các căn bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của con người”, ông Hải nói.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, tại Quyết định số 376 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 - 2025 đã xác định việc kiểm soát nhằm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm này là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu chung là khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỉ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân vàphát triển kinh tế, xãhội của đất nước. “Với việc nỗ lực thực hiện các mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng, Bộ TT&TT nhận thấy việc thông tin, truyền thông là giải pháp chủ đạo để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của các sản phẩm thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường, qua đó giúp thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm này trong cộng đồng. Bên cạnh đó, truyền thông cũng đóng vai trò là đòn bẩy tích cực góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế nhằm kiểm soát và hạn chế việc sử dụng các sản phẩm có hại cho sức khỏe”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Health Bride cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022 có gần 6.000 bài viết về đồ uống có đường, trong đó nội dung quảng cáo, khuyến mại, tài trợ chiếm đa số (51%); tác hại chiếm tỷ trọng ít (13,2%); các chính sách về thuế nhằm hạn chế tiêu dùng đồ uống có đường ít được quan tâm. Về thuốc lá, có hơn 8.000 tin, bài viết, chiếm đa số là các nội dung về tác hại của thuốc lá (44,8%), buôn lậu (31,1%), môi trường không khói thuốc (10,6%), thuốc lá điện tử nung nóng (2,3%), ngành công nghiệp thuốc lá (2,6%), giá và thuế (3,3%)… Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Hà Nội mới cho rằng, báo chí đã tham gia tích cực và đóng góp lớn vào công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và đồ uống có cồn, nâng cao nhận thức về tác hại và chính sách pháp luật, từ đó thay đổi hành vi của người dân trong sử dụng các sản phẩm này. Đồng thời, kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia đồ uống có đường, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật…

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc