Thấy gì sau việc giải cứu thành công 7 thanh niên bị lừa bán sang Campuchia?

VHO- Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết của những thanh niên người đồng bào DTTS ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai), đối tượng Trần Quang Quyết đã lên mạng làm quen và đưa ra “bánh vẽ” việc nhẹ, lương cao để dụ dỗ những thanh niên này vào các tỉnh phía Nam làm việc rồi lừa bán sang Campuchia làm việc trong các sòng bài.

Thấy gì sau việc giải cứu thành công 7 thanh niên bị lừa bán sang Campuchia? - Anh 1

Puih Phú (giữa) vẫn chưa hết bàng hoàng sau chuyến đi nhớ đời vào “động quỷ”

 Rất may, sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng đã giải cứu thành công 7 nạn nhân khỏi “động quỷ”.

Nước mắt người dân làng quê nghèo

Những ngày cuối tháng 6, ngôi làng nghèo Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai xuất hiện những tiếng kêu than của nhiều gia đình. Đó là tiếng khóc của những vợ, người làm cha khi hay tin chồng, con của mình bị lừa bán sang Campuchia làm việc, bị đánh đập hành hạ và… đòi tiền chuộc hàng trăm triệu đồng nếu muốn chồng, con mình “toàn mạng” trở về.

Đôi mắt đỏ hoe, bà P ở làng Kloong kể: Đầu tháng 6, trong các cuộc tụ tập, đám thanh niên trong làng rủ nhau vào TP.HCM làm thuê với mức lương hấp dẫn, lên đến 18 - 20 triệu đồng/ người/tháng. Hai đứa con bà là T (SN 1994) và Đ (SN 1998) hào hứng lên đường. Do nhà nghèo, 2 đứa cũng mới cưới vợ và con còn nhỏ nên muốn đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Bà P khuyên con ở nhà làm rẫy những bất thành. Hai đứa con của bà P cùng với 5 đứa bạn bắt xe trong đêm đi vào miền Nam lập nghiệp. Đi nửa đường rồi chúng nó mới gọi điện thoại về báo rằng đi làm thuê miền Nam, đã nhờ người sắp xếp công việc ổn thỏa trong đó và dặn mọi người ở nhà giữ sức khỏe, đừng lo lắng gì.

Thấy gì sau việc giải cứu thành công 7 thanh niên bị lừa bán sang Campuchia? - Anh 2

 Đối tượng Trần Quang Quyết - chủ mưu vụ buôn người qua biên giới Campuchia tại cơ quan chức năng

“Cứ ngỡ chúng nó lo được chu toàn rồi, tôi cũng mừng. Ai ngờ mới hôm rồi, vợ thằng Đ chạy về nhà khóc lu loa. Một hồi sau nó mới nói là chồng đang ở Campuchia gọi điện về bảo gửi sang 90 triệu đồng, trong đó 80 triệu đồng tiền đền bù hợp đồng vì xin nghỉ việc sớm, 10 triệu đồng tiền xe cộ về nước. Nhà nghèo, vợ nó mới mang bầu tháng thứ 5, không đi làm thì lấy tiền đâu mà gửi sang bây giờ. Còn thằng T vẫn gắng sức làm việc cho người ta chưa đến mức phải gọi về bảo gia đình gửi tiền chuộc. Mấy đêm nay, tôi thức trắng ngóng 2 con trai, vợ chúng nó cũng vậy. Chúng tôi cũng chạy vạy mà chưa đủ tiền chuộc thằng Đ, chắc phải bán nhà, bán rẫy thôi. Mà bán rồi, biết ở đâu và làm gì để sống”, bà P nghẹn ngào.

Tương tự, gia đình bà K.B ở làng Kloong cũng như “ngồi trên đống lửa” vì đứa con trai K.C (SN 2003) cũng đang làm thuê ở Campuchia. Gia đình bà B cũng nhận được điện thoại đòi 150 triệu đồng để chuộc con về. “Bữa thấy nó gặp mấy thanh niên trong làng để bàn nhau đi làm ăn trong miền Nam, tôi ra sức can ngăn nhưng không được. Đi làm thuê lương tháng 18 triệu đồng mà nói chuyện lén lút như ăn trộm. Có ngờ đâu chúng nó bị người ta lừa sang Campuchia làm việc, bị đánh đập và thường xuyên bị bỏ đói. Gia đình khó khăn, chúng tôi không có số tiền lớn như thế để chuộc con”, bà B nói trong tiếng nấc.

Thông tin 7 công dân ở làng Kloong, xã Ia O bị lừa bán sang Campuchia làm việc, bị đánh đập và gia đình bị đòi tiền chuộc hàng trăm triệu đồng đã làm cho ngôi làng quê nghèo bức bí. Ông Ksor Tuâng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O cho hay: “Đây là sự việc đáng tiếc. Nguyên nhân là do đa phần gia đình các nạn nhân khó khăn về kinh tế, lại nhẹ dạ cả tin khi nghe dụ dỗ việc nhẹ lương cao. Sau khi nắm thông tin, chúng tôi đã gặp gỡ, động viên các gia đình và báo cáo cấp trên để có hướng tháo gỡ. Tới đây, song song với hoạt động tuyên truyền phòng tránh tình trạng lừa đảo việc làm, xã cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tiếp tục nhận người vào làm công nhân, nhất là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, xã sẽ phối hợp với các ban, ngành của huyện tổ chức phiên chợ việc làm và các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.

Giải cứu thành công

Trao đổi với Văn Hóa, đại tá Trần Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh 7 công dân ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai bị lôi kéo đi làm việc tại các tỉnh phía Nam bị bán sang Campuchia có dấu hiệu bị cưỡng bức, bóc lột lao động; xét thấy tính chất vụ việc phức tạp, lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai, thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã báo cáo Bộ Tư lệnh, Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm BĐBP triển khai xác lập Chuyên án GL 622.

Thấy gì sau việc giải cứu thành công 7 thanh niên bị lừa bán sang Campuchia? - Anh 3

 5 công dân của vụ lừa bán qua biên giới Campuchia hiện đã được giải cứu về đến Tây Ninh, chuẩn bị trở về địa phương đoàn tụ với gia đình

Tiếp đó chỉ đạo lực lượng đơn vị trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh, triệt phá, bắt giữ đối tượng Trần Quang Quyết (SN 2001) trú tại thôn 7, xã Ia Dal, huyện Ia H’drai (Kon Tum). Qua đấu tranh ban đầu, đối tượng Quyết khai nhận đã dụ dỗ, chở 7 công dân ở làng Kloong vượt biên trái phép sang Campuchia làm việc. Trước đó, Quyết cũng sa bẫy việc nhẹ lương cao ở bên kia biên giới. Hiện, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã di lý đối tượng Trần Quang Quyết từ đồn Biên phòng Ia O về TP Pleiku và bàn giao lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai thông tin, đến thời điểm hiện tại (7.7), 7 công dân ở làng Kloong, xã Ia O bị lừa bán sang Campuchia làm việc đã được lực lượng chức năng giải cứu thành công. Trong đó, 2 công dân là Puih Thái (SN 1994) và Puih Phú (SN 2006) đã về đến nhà an toàn, 5 công dân còn lại đã về đến Tây Ninh, chuẩn bị đưa trở về địa phương. Trở về trong căn sàn lợp tôn của gia đình, Puih Thái nhờ người anh họ nấu cơm để ăn mừng. Thái phấn khởi nói: “Em biết ơn bộ đội biên phòng cùng các lực lượng chức năng của nước ta và Campuchia nhiều lắm. May được các anh bộ đội biên phòng giải cứu kịp thời em mới được về với buôn làng, với gia đình. Sau đợt này, em cố gắng chăm sóc mấy sào điều để phát triển kinh tế gia đình”.

Khác với tâm trạng lo lắng của mấy ngày trước, hôm nay căn nhà của gia đình bà Puih Bil cũng nhộn nhịp người ra vào thăm hỏi. Gia đình bà đang làm cơm mừng em Puih Phú hồi hương sau chuyến đi nhớ đời. Ngồi trong căn nhà cấp 4 xiêu vẹo của gia đình, em Puih Phú vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Công việc hằng ngày của các anh em là “đào” bitcoin, dụ dỗ người Việt khác qua mạng xã hội. Mỗi ngày phải làm từ 9h sáng đến 10h đêm rồi họ mới chở về nhà trọ nghỉ ngơi. Nếu không làm đủ chỉ tiêu, phải làm bù cả đêm. Bọn lừa đảo cố tình đưa ra những phần việc khó, trong khi chúng em chưa rành lắm về máy tính. Vì thế nên bị đánh đập, bỏ đói, dọa giết. Mấy lần em bị đánh vào mặt bằng dùi cui, chích điện đến ngất xỉu. Mấy anh khác cùng làng cũng thường xuyên bị đánh. Sau đó, bọn họ bắt gọi điện về nói người nhà gửi tiền sang chuộc, từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng/người”. 

 Đây là sự việc đáng tiếc. Nguyên nhân là do đa phần gia đình các nạn nhân khó khăn về kinh tế, lại nhẹ dạ cả tin khi nghe dụ dỗ việc nhẹ lương cao. Sau khi nắm thông tin, chúng tôi đã gặp gỡ, động viên các gia đình và báo cáo cấp trên để có hướng tháo gỡ.

Tới đây, song song với hoạt động tuyên truyền phòng tránh tình trạng lừa đảo việc làm, xã cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tiếp tục nhận người vào làm công nhân, nhất là người dân tộc thiểu số.

(Ông KSOR TUÂNG, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O)

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc