Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chấm thi tốt nghiệp THPT: Nhiều biện pháp giám sát chéo

Thứ Sáu 15/07/2022 | 09:52 GMT+7

VHO- Những ngày này, 63 hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT trên cả nước đang gấp rút triển khai công việc để đảm bảo tiến độ công bố kết quả vào ngày 24.7.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tại TP Đà Nẵng

Kiểm soát việc chấm không đều tay

Ngữ văn là bài thi duy nhất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức tự luận và được giám khảo chấm (khác với bài thi trắc nghiệm có phần mềm chấm trên máy). Tại Hà Nội, nơi có số thí sinh đông nhất cả nước, với gần 98.000 bài thi Ngữ văn và 700 giám khảo qua 2 vòng chấm độc lập, mỗi giáo viên sẽ phải chấm khoảng 280 bài thi (tính cả vòng 1 và vòng 2). Nhiều địa phương khác trung bình một giám khảo cũng phải chấm 120-200 bài (nếu chấm cả hai vòng).

Khối lượng công việc lớn nên thực tế là phải chấp nhận thực trạng không đồng đều về năng lực trong đội ngũ chấm thi. Ngữ văn lại là môn học rất dễ có tác động từ người chấm (do quan điểm, cảm xúc). Có giám khảo chấm lỏng tay, có người quá chặt chẽ là vấn đề có thể xảy ra, dẫn tới không công bằng cho thí sinh. Để khắc phục điều này, quy chế thi của Bộ GD&ĐT đã quy định quy trình bắt buộc chấm 2 vòng độc lập: Giám khảo chấm vòng 1 không được phép cho điểm trực tiếp vào bài thi; hai giám khảo không được thảo luận, bàn bạc, nhưng khi đối chiếu kết quả 2 lần chấm, nếu điểm bị vênh thì các giám khảo bắt buộc phải đối thoại để thống nhất. Trường hợp giám khảo không thống nhất được, hoặc điểm chênh giữa 2 lần chấm quá lớn sẽ phải đưa ra hội đồng chấm thi để quyết định.

Ngoài đáp án các môn thi, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn chấm thi. Tuy nhiên, để nắm được tinh thần hướng dẫn, xử lý các tình huống còn chưa rõ, nhất là ở các câu hỏi mở, Bộ yêu cầu các hội đồng chấm thi tự luận phải tổ chức thảo luận và chấm chung một số bài để giám khảo thống nhất quan điểm. Nếu xuất hiện những trường hợp đặc biệt như thí sinh có cách làm sáng tạo, vượt ra ngoài đáp án, có thể đưa ra hội đồng để Chủ tịch hội đồng quyết định hoặc tham vấn ý kiến Bộ GD&ĐT.

Theo quy định, mỗi hội đồng sẽ chấm kiểm tra ít nhất 5% số bài thi. Tổ chấm kiểm tra được bố trí độc lập với giám khảo vòng 1 và vòng 2. Số bài kiểm tra có thể rút ngẫu nhiên từ một số túi bài thi. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, các hội đồng cũng có thể cân nhắc chọn một số bài thi điểm cao để chấm kiểm tra.

Với quy trình giám sát chéo và thảo luận tập thể trong các tình huống đặc biệt, tình trạng chấm không đều tay với bài thi tự luận sẽ hạn chế hơn. Quy trình trên cũng giúp các hội đồng có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường, nghi ngờ vi phạm quy chế trong khâu chấm thi.

Mạnh dạn cho điểm 10

Ở môn Ngữ văn, điểm 9.5 - 10 là khá hiếm và thường gây chú ý. Việc chấm kiểm tra cũng nhằm đảm bảo đánh giá đúng năng lực thí sinh. Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định chia sẻ: “Nam Định được đánh giá là địa phương có chất lượng giáo dục tốt nhưng trong nhiều năm không có điểm 10 Ngữ văn. Quan điểm của tôi là, nếu thí sinh xứng đáng thì giám thị phải dám đặt bút cho điểm 10 và có đủ bản lĩnh để bảo vệ quyết định đó của mình, cũng là để bảo vệ quyền lợi cho thí sinh”. Về điều này, ông Nguyễn Hữu Độ cũng bày tỏ quan điểm: “Điều gì có lợi nhất cho thí sinh thì phải làm hết sức để đảm bảo các em không bị thiệt thòi”.

Theo ghi nhận tại các địa phương, đã xuất hiện những điểm 9 - 9.5 ở môn Ngữ văn. Nhiều giáo viên phổ thông trước đó cho rằng, với đề thi Văn năm nay, điểm 8 trở lên sẽ không nhiều. Những em đạt tới điểm 9 thực sự phải có năng lực, như học sinh chuyên Văn ở các địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Độ cũng đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, giáo viên tại các hội đồng không được thông tin cụ thể về kết quả chấm thi, bình luận nội dung bài làm của thí sinh trên mạng xã hội. Việc này có thể gây tâm lý tiêu cực, khiến nhiều thí sinh lo lắng, hoang mang trong thời gian chờ điểm.

Chấm thi trắc nghiệm, quy trách nhiệm rõ ràng

Kể từ sau vụ gian lận chấm thi trắc nghiệm tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình năm 2018, Bộ GD&ĐT đã rà soát quy trình, nâng cấp phần mềm chấm thi, đồng thời xác định yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Nếu con người cố ý làm trái thì sẽ rất khó kiểm soát. Vì thế, Bộ yêu cầu các địa phương phân công cụ thể ở từng vị trí để quy trách nhiệm rõ ràng và trách nhiệm cao nhất thuộc về Chủ tịch hội đồng chấm thi. Với việc chấm thi trắc nghiệm, thông tin thí sinh đã được mã hoá (làm phách điện tử); quá trình quét bài thi và gửi dữ liệu về Bộ trước khi chấm được thực hiện nghiêm túc. Phần mềm chấm thi nâng cấp cũng cho phép lưu vết quá trình can thiệp, chỉnh sửa, đảm bảo truy trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Quá trình chấm thi trắc nghiệm, khu vực bảo quản bài thi gốc đều có camera giám sát 24/24. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ giám sát của cơ quan an ninh, thanh tra...

Với việc giao cho các địa phương chủ trì toàn bộ các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cho tới nay, các tỉnh, thành đều đảm bảo điều kiện để chấm thi trắc nghiệm. Nhiều địa phương dự kiến kết thúc việc chấm thi từ ngày 17 đến 20.7, sớm hơn dự kiến chung của Bộ GD&ĐT từ 4-7 ngày. 

KỲ THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top