Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chủ tịch Quốc hội: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được giải trình một cách thuyết phục, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư

Thứ Ba 16/08/2022 | 13:30 GMT+7

VHO - Sáng 16.8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Tham dự phiên họp có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Công an; GD&ĐT; Y tế; LĐ,TB&XH; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Hội Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN... 

Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngày 12.8.2022, Thường trực Ủy ban Xã hội đã gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo số 1013/BC-UBXH15 dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Theo đó, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá tính khả thi và bổ sung các quy định để bảo đảm áp dụng được đối với nhóm đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về "đối tượng áp dụng" (Điều 2) là không cần thiết. Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây không có điều riêng về đối tượng áp dụng mà luật áp dụng chung cho tất cả "mọi người" trừ trường hợp đối tượng áp dụng có tính đặc thù. Do vậy, việc không quy định đối tượng áp dụng trong dự án Luật không ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bỏ Điều 2 của dự thảo Luật, đồng thời bổ sung quy định "giao Chính phủ quy định việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình" như thể hiện tại Khoản 3 Điều 22 dự án  Luật. Trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định để tăng tính khả thi của Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

“Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động giữa Uỷ ban Xã hội và Bộ VHTTDL trong công tác hoàn thiện hồ sơ, tổ chức tọa đàm, tham vấn và tiếp thu ý kiến và có sự nghiên cứu rất căn cơ để giải trình một cách thuyết phục nội dung dự án Luật, đủ cơ sở điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư”.

(Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ)

Về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình; có một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình; có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi "gián tiếp" gây ra bạo lực gia đình. Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật. Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và rà soát, tiếp thu, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại Khoản 1 Điều 3 trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình tại phiên họp

Về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 40), theo bà Nguyễn Thúy Anh, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định về nguyên tắc về các dịch vụ, hoạt động, các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực của cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung các quy định nhằm khuyến khích sự phát triển của các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình như có chính sách miễn, giảm thuế, phí, vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật cho tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất cho phòng, chống bạo lực gia đình mà không vì mục đích lợi nhuận (khoản 4 Điều 40). Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo giải trình làm rõ thêm các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm

Về trách nhiệm của UBND các cấp và cơ quan Công an, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến chỉnh lý dự án Luật theo hướng: Bổ sung trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, công an cấp xã trong các quy định về xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 20); yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã (Điều 24); cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã (Điều 25); cấm tiếp xúc theo quyết định của tòa án (Điều 26); chăm sóc, điều trị người bệnh là người bị bạo lực gia đình (Điều 29); góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư (Điều 32)...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ và các đại biểu tại phiên họp

"Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan soạn thảo rà soát tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính khả thi của các quy định và tính thống nhất của hệ thống pháp luật", bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định.

...Việc xây dựng Dự án là rất khó và nhạy cảm vì vấn đề bạo lực gia đình vốn là của từng gia đình, bởi vậy Bộ VHTTDL tiến hành xây dựng Dự án luật một cách thận trọng. Ngay như  việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là bạo lực gia đình không là rất khó. Nếu như cứ đi vào từng thực tiễn, từng vụ việc để cố gắng khu trú lại từng hành vi quả thực rất khó. Cho nên cơ quan soạn thảo cố gắng phân ra làm 4 nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện. Đến nay cơ bản đã bao quát được tình hình lĩnh vực, đặc biệt nhận diện sâu hơn về bạo lực tinh thần. Quy định của Luật mang tính bao quát chung nhưng khi thực hiện cần phải căn cứ từng trường hợp cụ thể”. 

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Một trong những nội dung được các đại biểu đề cập nhiều và cũng là điểm mới của Dự án Luật, đó là  giao Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng trên cơ sở đề xuất của người được phân công xử lý vụ việc bạo lực gia đình hoặc Tổ hòa giải ở cơ sở và theo nhu cầu của cộng đồng. Biện pháp này không áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi bạo lực gia đình này.  

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Góp ý về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị đánh giá tác động và làm rõ cách thức tổ chức thực hiện để đảm bảo tính khả thi, cũng như rà soát để đảm bảo phù hợp công ước quốc tế về chống lao động cưỡng bức vì “nói không phải cưỡng bức lao động nhưng buộc người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện”. Băn khoăn về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật quy định, phục vụ cộng đồng không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, dự án Luật lại chưa làm rõ áp dụng bao nhiêu lần phục vụ cộng đồng hay có hạn chế số lần phục vụ cộng đồng hay không. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá đây là biện pháp tốt, nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên do chưa có thí điểm, đánh giá cụ thể nên cần tiếp tục nghiên cứu có lộ trình để tổ chức thực hiện khả thi.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga... và các ý kiến góp ý đều thể hiện sự nhất trí cao với dự án Luật, đồng thời các vị đại biểu đã đóng góp các ý kiến sâu sắc, xác đáng tập trung vào những điểm mới và nội dung tiếp thu, sửa đổi của cả dự án luật,  về chữ, về nghĩa, kỹ thuật xây dựng văn bản...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

 Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) của Uỷ ban Xã hội đã thể hiện rất rõ trách nhiệm cũng như sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp từ  kỳ họp thứ 3 của Quốc hội trên cơ sở gần 150 ý kiến đóng góp của các đại biểu. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng dự án là rất khó và nhạy cảm vì vấn đề bạo lực gia đình vốn là của từng gia đình, bởi vậy Bộ VHTTDL tiến hành xây dựng dự án Luật một cách thận trọng. Ngay như việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là bạo lực gia đình không là rất khó. “Nếu như cứ đi vào từng thực tiễn, từng vụ việc để cố gắng khu trú lại từng hành vi quả thực rất khó. Cho nên cơ quan soạn thảo cố gắng phân ra làm 4 nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện", Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, đến nay cơ bản đã bao quát được tình hình lĩnh vực, đặc biệt nhận diện sâu hơn về bạo lực tinh thần. Quy định của Luật mang tính bao quát chung nhưng khi thực hiện cần phải căn cứ từng trường hợp cụ thể. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động giữa Uỷ ban Xã hội và Bộ VHTTDL trong công tác hoàn thiện hồ sơ, tổ chức tọa đàm, tham vấn và tiếp thu ý kiến và có sự nghiên cứu rất căn cơ để giải trình một cách thuyết phục nội dung dự án Luật, đủ cơ sở điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát đảm bảo quy định của dự án Luật tương thích với các điều ước quốc tế. 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động giữa Uỷ ban Xã hội và Bộ VHTTDL hoàn thiện hồ sơ, đủ điều kiện trình tại Kỳ họp thứ tư. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra  tiếp tục tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý dự án Luật để đảm bảo chất lượng, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư.

THÚY HIỀN; ảnh: XUÂN TRẦN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top