Thống nhất giải pháp tổng thể phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang

VHO- UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức cuộc họp nghe UBND TP Nha Trang đề xuất kế hoạch thực hiện giải pháp tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang.

Thống nhất giải pháp tổng thể phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang - Anh 1

 San hô chết hàng loạt trong vịnh Nha Trang, ảnh hưởng lớn hệ sinh thái biển

Theo báo cáo của UBND TP Nha Trang, hiện nay, một số khu vực độ phủ san hô cứng suy giảm mạnh, trong đó Hòn Tằm từ 56,8% (năm 2017) giảm xuống 12,5%, bãi Sạn suy giảm hơn 70%. Kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%. Nhiều khu vực tại Hòn Mun và một số địa điểm khác trong vịnh Nha Trang, tình trạng san hô chết, gãy bị sóng đánh lên bờ thành từng lớp dày.
Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý vịnh Nha Trang còn hạn chế, thiếu sót; nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời như khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản, du lịch, ô nhiễm nguồn nước từ 2 con sông Cái, sông Quán Trường. 
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, để khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rạn san hô tốt hơn, đơn vị đã cho tạm dừng các hoạt động lặn biển có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô; khoanh vùng tạm thời để bảo vệ các khu vực đang phục hồi đối với san hô, bãi giống, bãi đẻ dễ xảy ra nguy cơ xâm hại như khu vực Hòn Mun, Hòn Chồng - Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải; tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của đội công tác liên ngành trên vịnh để xử lý các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, đơn vị đã và đang thử nghiệm phục hồi san hô ở khu vực Hòn Mun bằng phương pháp giá thể Ribbon; áp dụng phục hồi san hô bằng công nghệ Biorock tại vịnh Nha Trang, triển khai các biện pháp bảo vệ chất lượng môi trường để phục hồi san hô bị suy thoái theo hình thức phục hồi tự nhiên.
Để có giải pháp tổng thể bảo vệ rạn san hô lâu dài, UBND TP Nha Trang đề xất UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng, kiện toàn các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với công tác bảo tồn biển vịnh Nha Trang; bảo vệ, giám sát môi trường vịnh; phát triển sinh kế cho người dân trong và xung quanh Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang; nâng cao năng lực Ban quản lý vịnh Nha Trang. Riêng đối với việc phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái vịnh Nha Trang về lâu dài phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn biển; xây dựng đề án phát triển hệ sinh thái đầu nguồn trên các sông đổ ra vịnh Nha Trang; xây dựng thử nghiệm công trình chắn sóng ngầm kết hợp rạn nhân tạo tại các khu vực có tính đa dạng sinh học cao, cần được bảo vệ; có kế hoạch dài hơi bảo tồn biển vịnh Nha Trang trong 5-10 năm tới; phối hợp với các tổ chức quốc tế để bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao sinh kế cho người dân trong khu vực bảo tồn.
Tại cuộc họp, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất đề xuất của UBND TP Nha Trang về kế hoạch tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang. Ông Đinh Văn Thiệu nhấn mạnh những vấn đề cần làm ngay là tiếp tục dừng các hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô; thực hiện công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn biển, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang; tiến hành phân vùng chức năng Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang để xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng tạm dừng các hoạt động, vùng được phép tổ chức các hoạt động; thí điểm các biện pháp phục hồi rạn san hô; rà soát, kiện toàn hoạt động Ban quản lý vịnh Nha Trang. “Về lâu dài, UBND TP Nha Trang cần tập trung xây dựng đề án bảo tồn, khai thác bền vững vịnh Nha Trang; đề án tạo sinh kế cho người dân sinh sống trong và lân cận khu bảo tồn; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý vịnh Nha Trang hiệu quả”, ông Đinh Văn Thiệu chỉ đạo. 

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc