Người đảng viên gìn giữ “kho báu” văn hóa Tây Nguyên (Kỳ cuối): Để lại tất cả cho thế hệ mai sau

VHO- Không chỉ là nhà sưu tầm hiện vật dân tộc, ông Đặng Minh Tâm còn là một nghệ nhân điêu khắc tượng gỗ dân gian lành nghề. Ông đã đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết vào việc chế tác tượng về các hoạt động cộng đồng nguyên thủy của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đến nay, số lượng lên đến hàng trăm tác phẩm. Hiện ông đang gấp rút hoàn thành 80 tác phẩm để chuẩn bị cho Festival hoa Đà Lạt vào cuối năm nay. Đây là những tác phẩm sẽ được trưng bày và làm quà lưu niệm cho sứ quán các nước tham dự Lễ hội...

Người đảng viên gìn giữ “kho báu” văn hóa Tây Nguyên (Kỳ cuối): Để lại tất cả cho thế hệ mai sau - Anh 1

 Hàng trăm tác phẩm về văn hóa Tây Nguyên được chính bàn tay tài hoa của ông tạo tác

 Với ông, đó cũng là cách để gìn giữ, bảo tồn và quảng bá văn hóa Tây Nguyên đến với du khách trong và ngoài nước…

Nhà điêu khắc cừ khôi

Dù không qua trường lớp đào tạo bài bản về điêu khắc tượng gỗ mà chỉ học hỏi từ chính đồng bào, nhưng những tác phẩm của ông Tâm đều hết sức tinh tế và sống động. Thông thường, các nhà điêu khắc sẽ vẽ phác thảo lên gỗ rồi sẽ theo đó mà tạo tác, còn ông thì chỉ hình dung tác phẩm theo trí tưởng tượng trong đầu rồi cứ thế mà đục thành. “Tượng gỗ của đồng bào Tây Nguyên rất khác so với tượng của các dân tộc ở những vùng miền khác; đó là tạo tác sao cho đơn giản nhất, thô sơ nhất, nhưng lại toát lên được cái hồn của tượng - cái hồn của con người vùng đất Tây Nguyên; thể hiện được ngôn ngữ Tây Nguyên cho dù là sáng tác về con người, cảnh vật hay muông thú. Điểm đặc biệt của những tác phẩm điêu khắc này là tất cả phải được gói gọn trong phạm vi một cây gỗ tròn, mọi chi tiết thể hiện tác phẩm đều không được chắp nối hay vươn ra khỏi khuôn khổ đó”, ông giải thích.

Cũng như bộ sưu tập hiện vật, những tác phẩm tượng của ông chủ yếu tập trung phản ánh các mặt đời sống của người Tây Nguyên theo 3 chủ đề chính: Sinh hoạt; Chim muông, cây cối; Nhà mồ. Với ông, mỗi bức tượng gỗ là một câu chuyện sinh động về văn hóa, một lát cắt lịch sử trong tiến trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc. Vừa nói, ông vừa tiến đến một dãy tượng gỗ được xếp ngay ngắn gần đó giải thích: “Thật ra, mỗi dân tộc, mỗi vùng định cư của các cộng đồng người ở Tây Nguyên đều có những cách thức điêu khắc khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết đều được thể hiện hết sức đơn giản. Chỉ cần nhìn những bức tượng gỗ là có thể biết được đó là tượng của dân tộc nào. Ví dụ, dân tộc Ba Na khi sáng tác tượng về người thì sẽ thể hiện những đường nét cơ bản nhất như phần mặt người sẽ được vạt phẳng, chỉ có sống mũi là nhô cao, còn mắt, miệng điều được nhấn sâu vào trong. Ngoài ra, lỗ tai lúc nào cũng có dạng hình chữ C. Còn tượng của dân tộc Gia Rai thì hiện đại hơn một chút khi lúc này trên mặt đã có khấc ở mắt để tạo điểm nhấn cho chân mày. Đến tượng của các dân tộc Nam Tây Nguyên thì các chi tiết đã bắt đầu rõ nét hơn với gò má nhô ra và trán cao lên…

Người đảng viên gìn giữ “kho báu” văn hóa Tây Nguyên (Kỳ cuối): Để lại tất cả cho thế hệ mai sau - Anh 2

 Ông Đặng Minh Tâm đang hoàn thiện một tác phẩm điêu khắc trên gỗ

Đến khi nào không còn sức nữa mới thôi...

Trải qua gần 45 năm không ngừng sưu tầm hiện vật và nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Tây Nguyên, nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để bảo tồn, gìn giữ và phát huy lâu dài những giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Ông cho biết, hằng tháng ông đều dành thời gian để đi đến các buôn làng, các địa phương khắp các tỉnh Tây Nguyên để tiếp tục tìm kiếm những hiện vật mà bản thân ông còn thiếu hoặc hỏi mua những hiện vật còn trôi nổi bên ngoài để chúng không bị tuồn ra nước ngoài bởi những người buôn bán đồ cổ. “Hiện nay các già làng, trưởng bản, những người có vốn hiểu biết về phong tục tập quán, về văn hóa dân tộc mình ngày càng ít đi. Cùng với đó là sự đan xen, pha lẫn các nền văn hóa giữa các dân tộc nên tôi phải cố gắng tìm đến ghi lại, hỏi lại cặn kẽ tại sao phải hát như này, tại sao chơi chiêng phải như kia, tại sao trang phục phải như nọ… Ở những địa bàn mình đến, tôi thường tuyên truyền để thanh niên mỗi dân tộc phải chơi được nhạc cụ của dân tộc mình, phải biết được cái văn hóa, cái ẩm thực truyền thống; phải làm sao để cho các em bé được học và hiểu về chính văn hóa của họ... Có như thế mới mong giữ được bản sắc riêng biệt của mỗi tộc người, làm phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam chúng ta”, ông bộc bạch.

Sở hữu số lượng hiện vật khổng lồ, trong đó có những hiện vật cực kỳ quý hiếm, nhưng chưa bao giờ ông có ý định bán bất cứ món đồ nào, bởi ông tâm niệm bản thân chỉ sưu tầm về nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu và bảo tồn. Chính sự đa dạng và phong phú về hiện vật cùng sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa Tây Nguyên, không gian trưng bày của ông từ lâu đã là địa điểm quen thuộc của rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của Việt Nam đến tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó, ông còn mở cửa đón tiếp học sinh, sinh viên trong tỉnh cũng như những nghiên cứu sinh từ các trường đại học trong nước có nhu cầu đến đây. Ở đó, ông luôn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ những hiểu biết của mình mà chưa từng đòi hỏi hay nhận lại bất kỳ giá trị vật chất nào.

Khi được hỏi về tâm nguyện của mình, ông trải lòng: “Với hơn 30.000 hiện vật hiện có, mà ở đó mỗi hiện vật là một câu chuyện văn hóa, trong tương lai tôi muốn viết lại tất cả những gì mình biết, mình hiểu thành sách để những thế hệ mai sau có cơ sở mà tìm hiểu nghiên cứu. Bên cạnh đó, cũng đã có một số Mạnh Thường Quân ngỏ ý sẽ giúp tôi quay tư liệu về những hiện vật này, mỗi ngày tôi sẽ nói về vài ba hiện vật cho đến khi nào không còn sức nữa thì thôi”.

Nhà văn Nguyên Ngọc, người đã có rất nhiều tác phẩm kinh điển gắn liền với vùng đất Tây Nguyên huyền thoại nhận xét: “Đặng Minh Tâm đã làm được một công việc vô giá cho di sản văn hóa Tây Nguyên. Mong ông sẽ truyền đạt tình yêu lớn này cho nhiều thế hệ nối tiếp”.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã từng chia sẻ về ông: “Còn trẻ mà biết tôn trọng quá khứ, thật là quý hiếm, sẽ không bao lâu nữa, người ta muốn tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên thì chỉ có thể tìm đến anh mà thôi”.

Cố Giáo sư Trần Văn Khê, thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (UNESCO), Viện sĩ thông tấn Hàn lâm viện châu Âu Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật đã không tiếc lời khen dành cho ông: “Hôm nay tôi rất vui sướng được gặp một người trẻ tuổi, không học một trường dân tộc học hay dân tộc nhạc học nào mà lại có một “bản năng”, tâm hồn và kinh nghiệm của một nhà khoa học. Biết nói tiếng dân tộc để có thể trực tiếp giao lưu với đồng bào không thông qua biên dịch - một nhà dân tộc học lành nghề. Biết quan sát, biết nghe tiếng nhạc khí, nghe lời giải thích của nghệ nhân, nhớ rõ, ghi lại chính xác - có nhà dân tộc nhạc học nào hơn? Biết đầu tư mua những món gì, biết cách sắp xếp có hệ thống, trưng bày rất khoa học, rất nghệ thuật - có nhà bảo tàng học nào hơn? Với tôi, quý giá nhất là có cái đẹp không chỉ để riêng mình hưởng, mà muốn chia sẻ với đồng bào trong và ngoài nước, du khách muốn tìm hiểu nếp sống, nghệ thuật, tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên. Lòng rộng rãi, bác ái đó có tu sĩ nào làm khác hơn?”. 

 “Với hơn 30.000 hiện vật hiện có, mà ở đó mỗi hiện vật là một câu chuyện văn hóa, trong tương lai tôi muốn viết lại tất cả những gì mình biết, mình hiểu thành sách để những thế hệ mai sau có cơ sở mà tìm hiểu, nghiên cứu. Bên cạnh đó, cũng đã có một số Mạnh Thường Quân ngỏ ý sẽ giúp tôi quay tư liệu về những hiện vật này, mỗi ngày tôi sẽ nói về vài ba hiện vật cho đến khi nào không còn sức nữa thì thôi”.

 

THÀNH KHIÊM - THANH LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc