Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Ưu tiên nguồn lực, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới

Thứ Ba 06/09/2022 | 13:00 GMT+7

VHO – Sáng nay 6.9 tại Ninh Bình đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972). Chương trình do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đồng chủ trì, tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp bà Audrey Azoulay

Tham dự Lễ kỷ niệm có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. 

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm

Cùng dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ VHTTTDL Hoàng Đạo Cương; đại diện Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương; đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Lễ kỷ niệm được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia, gắn với sự kiện đón tiếp bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) thăm Việt Nam. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhắc lại lịch sử cách đây 50 năm, ngày 16.11.1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Việc ra đời Công ước 1972 có thể xem như "hòn đá tảng", đặt nền móng vững chắc cho công tác bảo vệ di sản. Đây cũng là Công ước quốc tế duy nhất kết hợp giữa việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có ảnh hưởng sâu rộng nhất; được các quốc gia thành viên nghiên cứu, áp dụng trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới. Từ đó đến nay, đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước này. 

Tổng Giám đốc UNESCO Audray Azoulay phát biểu

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, là thành viên của UNESCO từ năm 1976, chính thức phê chuẩn tham gia Công ước 1972 từ ngày 19.10.1987, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành viên có trách nhiệm, uy tín; luôn hoàn thành tốt các nghĩa vụ, quy định của Công ước. Đặc biệt đến nay, Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO và là 1 trong 21 thành viên của Uỷ ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013 – 2017. Để xứng đáng với sự tin tưởng, bầu chọn của các quốc gia thành viên, những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực, đóng góp các kinh nghiệm, sáng kiến nhằm thực hiện sứ mệnh của UNESCO trong thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới trên phạm vi toàn cầu. 

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm

Với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, Việt Nam đã lựa chọn, lập hồ sơ 8 di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu và được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới. Quá trình tham gia Công ước, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản thế giới nói riêng. Điều này được thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa. Từ Luật Di sản văn hóa được Quốc hội Việt Nam thông qua đến Nghị định của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, tất cả đều được xây dựng theo hướng tiệm cận với tinh thần của Công ước 1972, hướng dẫn thực hiện Công ước và mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm

Dành mọi nguồn lực tốt nhất cho bảo vệ, phát huy giá trị di sản

Đối với lĩnh vực di sản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay thời gian tới, hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO sẽ tiếp tục được củng cố thông qua việc hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ nhằm nâng cao năng lực quản lý và tăng cường mạng lưới các khu di sản thế giới; đảm bảo tính phù hợp và tiếp tục đóng góp cho các chiến lược phát triển quốc gia cũng như chiến lược phát triển của địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu xem triển lãm

Trải qua 35 năm tham gia và thực hiện Công ước 1972, bằng tất cả sự trân quý đối với di sản, Bộtrưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, công tác xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, quy hoạch và đầu tư, hỗ trợ kinh phí tại các di sản thế giới ở Việt Nam luôn được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương quan tâm. Các di sản thế giới ở Việt Nam được tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp. Từ đó, bảo tồn được các giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực, toàn vẹn theo hướng bền vững. Bộ máy, nguồn nhân lực quản lý di sản thế giới từ trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, kiện toàn. “Từ khi được UNESCO công nhận tới nay, các di sản thế giới tại Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản; góp phần cân bằng, bảo vệ môi trường; củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới. Với những giá trị mà các di sản này mang lại, nguồn lực để bảo vệ di sản thế giới sẽ luôn được được Việt Nam ưu tiên, huy động tối đa, sử dụng hiệu quả”, Bộ trưởng khẳng định.

Tổng Giám đốc UNESCO với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban UNESCO VN Hà Kim Ngọc và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương

Bộ trưởng cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam cũng như các chính sách về đối ngoại, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong đó có Công ước 1972, Bộ VHTTDL đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trong tập trung thực hiện mục tiêu toàn cầu về tăng cường bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể (được UNESCO ghi danh tại Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững). Qua đó, hướng tới thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc và Chính sách của UNESCO về lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước di sản thế giới. 

Dung hoà giữa phát triển du lịch và bảo vệ di sản văn hoá, thiên nhiên

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước 1972, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho việc bảo vệ, bảo tồn, quảng bá và giáo dục cho thế hệ tương lai các giá trị của các di sản thế giới. Việt Nam đã từng là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017; có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đưa ra các khuyến nghị về định hướng, chính sách, biện pháp thực thi bảo vệ và phát huy di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên phạm vi quốc gia, quốc tế. Việt Nam thể hiện sự nhất trí với UNESCO trong việc định hướng hoạt động của Công ước trong 50 năm tới với chủ đề Di sản thế giới là khởi nguồn của tự cường, nhân văn và đổi mới; cũng như các vấn đề trọng tâm về biến đổi khí hậu và bảo tồn di sản, du lịch bền vững, chuyển đổi số, phục hồi hậu đại dịch Covid-19. 

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng, Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 là dịp để cùng nhau đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa UNESCO và Việt Nam. Hiện nay, mối quan hệ ấy vẫn luôn được duy trì, vận động và đi lên cùng thời đại. Tổng Giám đốc UNESCO đặc biệt hoan nghênh nỗ lực của Bộ VHTTDL vì đã phát huy đầy đủ tiềm năng của các công ước văn hoá của UNESCO.

Bà Audrey Azouley thông tin, kể từ năm 1987 tới nay, dù chỉ 35 năm nhưng Việt Nam đã có tới 8 di sản được ghi danh là Di sản thế giới. Từ quần thể di tích Cố đô Huế được ghi danh lần đầu năm 1993 đến di sản Tràng An được ghi danh năm 2014. Giữa khoảng thời gian này, Việt Nam có thêm khu di sản phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long được ghi danh. Những di sản này theo cách riêng đã góp phần thể hiện bề dày lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, các di sản được ghi danh còn thể hiện sự giàu có, đa dạng của văn hoá Việt.

Song song với những gì đã làm được, bà Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hoá. Trong đó, Việt Nam cần đảm bảo nỗ lực dung hoà giữa phát triển du lịch bền vững với bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hoá. Có như vậy, tất cả các khu di sản thế giới tại Việt Nam mới có thể giữ gìn hết tất cả vẻ đẹp, giá trị vốn có. Thách thức khác cũng được Tổng Giám đốc UNESCO chỉ ra là việc Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo vệ di sản. 

“Theo nghiên cứu mới nhất của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế, cứ mỗi 5 khu di sản thế giới thì có 1 khu đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu mang lại. Trước thực trạng trên, tôi đề nghị Việt Nam phải có hành động kịp thời chống biến đổi khi hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến mục tiêu bảo vệ cho các khu di sản thế giới tại Việt Nam. UNESCO cũng mong muốn có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam trong xây dựng năng lực cho các cán bộ quản lý khu di sản để có dự báo tốt hơn về hệ quả lâu dài của biến đổi khí hậu và có cách thức giải quyết các tình huống khẩn cấp một cách hiệu quả hơn”, bà Audrey Azouley nhấn mạnh.

“Bộ VHTTDL đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trong tập trung thực hiện mục tiêu toàn cầu về tăng cường bảo vệbảo đảm an toàn cho các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể (được UNESCO ghi danh tại Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững). Qua đó, hướng tới thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc và Chính sách của UNESCO về lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước di sản thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top