5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021: Đánh dấu bước chuyển mới

VHO- Ngày mai 12.9 tại Bảo tàng Hà Nội, Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UN-Habitat, Sở VHTT Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021”. Đây là Hội thảo quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam. Lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ chủ trì hội thảo quan trọng này.

Dấu mốc thời điểm công nghiệp văn hóa được đầu tư đúng mức

Hội thảo có gần 50 tham luận cùng sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa. Đây là dịp để các nhà khoa học, các thành phần thực hành sáng tạo cùng trao đổi, đánh giá từ những góc nhìn khác nhau về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021: Đánh dấu bước chuyển mới - Anh 1

Lễ hội Âm nhạc Gió mùa là một trong những thương hiệu âm nhạc đã ghi được dấu ấn thành công tại Hà Nội

Hội thảo cũng là diễn đàn thảo luận và đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đến năm 2030. Nhiều kỳ vọng được đặt ra, trong đó, hội thảo được xem là mốc đánh dấu một bước chuyển mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, thời điểm các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.

Thông tin từ Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho biết, Hội thảo sẽ diễn ra với 2 phiên: Bức tranh toàn cảnhTiêu điểm sáng tạo.  Các nội dung chính sẽ được các chuyên gia trình bày, thảo luận về khuôn khổ chính sách hiện hành, góc nhìn toàn cảnh các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, các tiêu điểm sáng tạo và gợi mở những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chiến lược trong thời gian tới, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đến năm 2030.

Cụ thể, Hội thảo sẽ  tập trung vào các điểm nhấn: nghiên cứu, đánh giá cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; hiệu quả phát huy các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và thực trạng phát triển của 12 ngành công nghiệp văn hóa: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, nghiên cứu đánh giá các mô hình, xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa trên thế giới và những gợi mở đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; nghiên cứu đánh giá các mô hình và xu hướng phát triển các không gian văn hóa- sáng tạo, các trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp phát triển phù hợp tới năm 2030. Đặc biệt là các đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam đến năm 2030 sẽ được các chuyên gia, đại biểu hiến kế tại hội thảo này.

Thúc đẩy hội nhập và nâng cao vị thế đất  nước

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hoá quốc gia. Ngày 8.9.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó mục tiêu chủ yếu là đến năm 2020 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2018, các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo Việt Nam đã nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 7,465 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước.

5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021: Đánh dấu bước chuyển mới - Anh 2

Ngày càng xuất hiện nhiều không gian sáng tạo ấn tượng

Bước sang thế kỷ XXI, quá trình tăng tốc của toàn cầu hóa văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một mặt góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch của các trung tâm công nghiệp văn hóa trên toàn thế giới, mặt khác làm gia tăng cạnh tranh về tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa thể hiện trong các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn của các nước phát triển, đang phát triển và chậm phát triển. Bên cạnh cơ hội quảng bá bản sắc văn hóa của các dân tộc, toàn cầu hóa văn hóa, mạng Internet, công nghệ số cũng đang hình thành nên một thế giới phẳng, theo đó, một hệ giá trị chung đại diện cho nhân loại đang dần được xác lập trên phạm vi toàn cầu, đồng thời cũng gia tăng tính ngoại lai, hoặc những tác động phức tạp đến sự đa dạng của các hình thức biểu đạt văn hóa. Trong bối cảnh đó, Công ước 2005 bảo vệ phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá của UNESCO được thông qua và Việt Nam, với tư cách là thành viên có trách nhiệm của UNESCO, đã thể hiện sự đóng góp tích cực bằng hành động thông qua việc ban hành Chiến lược. Quá trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã cho thấy, khung chính sách đã thể hiện được khả năng bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, từng bước quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam, nhiều năm qua, nhờ đường lối đổi mới đúng đắn, nhất là sau khi có chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, các thành phần kinh tế đã tham gia mạnh mẽ vào phát triển các lĩnh vực khác nhau trong công nghiệp văn hóa. Thị trường xuất hiện hàng loạt các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật của công chúng. Các kênh truyền thông truyền tải các giá trị văn hóa, nghệ thuật đa dạng và sinh động, đặc biệt thông qua truyền hình, Internet. “Vai trò của văn hóa, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa được coi là động lực vừa trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế- xã hội, vừa góp phần vào hiệu quả của các can thiệp phát triển…”, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Dẫn một số lĩnh vực cụ thể, Viện trưởng Nguyễn Thị Thu Phương nêu, các ngành công nghiệp văn hóa đang từng bước tạo nên sự gắn kết bền vững trong phát triển đất nước. Số lượng các không gian văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật ngày càng nhiều, cùng với sự tăng lên về cả chất lượng và số lượng của các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật do các đơn vị nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tổ chức đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân nhiều thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt,... Các không gian này đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bối cảnh văn hóa sáng tạo đương đại của thành phố nói chung và giới trẻ yêu nghệ thuật, văn hóa nói riêng. Đối với thị trường nghệ thuật, chưa bao giờ hoạt động trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật lại diễn ra sôi nổi, quy mô và thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia như trong giai đoạn hiện nay. Đã có sự tăng trưởng sức tiêu dùng và đa dạng hóa các hình thức tiêu dùng đối với sản phẩm nghệ thuật trong bối cảnh số hóa. Bắt đầu hình thành một số sản phẩm nghệ thuật có thương hiệu, trong đó có nhiều sản phẩm, dịch vụ nghệ thuật do tư nhân đầu tư hoặc phối hợp công - tư liên doanh. Một số thị trường như âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh đã đạt được những thành tựu nhất định. Mặt khác, chính sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm qua ở nước ta cũng đã và đang góp phần gìn giữ, bảo vệ, phục hồi và khai thác có hiệu quả các giá trị của di sản văn hóa gắn với các cộng đồng, dân tộc và quốc gia.

Đặc biệt, bà Phương nhấn mạnh vai trò thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước. “Ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hóa đất nước; là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa và cạnh tranh văn hóa trên thế giới hiện nay, công nghiệp văn hóa đang tạo ra một sức mạnh văn hóa mới cho mỗi quốc gia…”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định.

BẢO PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc