Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chỉ được đào tạo môn đơn nhưng đảm nhận nhiệm vụ đa môn: Giáo viên gặp khó khi dạy tích hợp

Thứ Sáu 16/09/2022 | 10:57 GMT+7

VHO- Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa có buổi làm việc với UBND quận Gò Vấp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2022.

Nhiều trường cho biết còn thiếu giáo viên ở nhiều môn học (trong ảnh: Học sinh THCS TP.HCM trong giờ học Mỹ thuật)

Tại buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ngoài việc truyền đạt kiến thức còn hướng đến việc tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kiến thức lịch sử địa phương, qua đó phát triển năng lực và phẩm chất cho người học. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề như thiếu giáo viên, thiếu SGK, yêu cầu về trang thiết bị dạy học chưa đảm bảo…

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp chia sẻ, các trường chưa đáp ứng hết nhu cầu học 2 buổi/ngày của học sinh, hiện tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày của quận đạt chưa đến 83%; sĩ số học sinh/ lớp còn cao so với quy định. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên dạy tiếng Anh và Tin học còn thiếu, quá trình tuyển dụng gặp khó khăn do có ít ứng viên tham gia tuyển dụng. Tại Trường THCS Gò Vấp, Hiệu trưởng Hoàng Thị Thu bày tỏ, đơn vị còn thiếu giáo viên ở các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Toán, Sinh học, Âm nhạc và Thể dục. Trong đó, đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý), các môn hoạt động giáo dục mới (Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương) chỉ được đào tạo đơn môn nay phải dạy kiêm nhiệm những môn mới chưa được đào tạo chính quy.

Một cán bộ phòng GD&ĐT Gò Vấp thông tin thêm, hiện nay giáo viên dạy môn tích hợp Sử - Địa, Lý - Hóa - Sinh ở bậc THCS thường trong tình trạng… mong học sinh đừng hỏi câu hỏi nào quá hóc búa. Trên thực tế, giáo viên hiện nay không được đào tạo để dạy tích hợp. “Đối với môn tích hợp Sử - Địa, quan điểm viết sách là tách riêng nên chúng tôi tự xây dựng kế hoạch dạy học. Hiện tồn tại hai cách làm: Những trường tách được thì giáo viên Sử dạy Sử, Địa dạy Địa; những trường không tách được thì dạy chương trình chung. Riêng chương trình Lý - Hóa - Sinh thì không tách được vì tỷ lệ môn Sinh học chiếm đến 60% trong chương trình tích hợp, đành chấp nhận phương án giáo viên Lý thì đi đào tạo - bồi dưỡng thêm Hóa và Sinh, còn giáo viên Hóa thì đi đào tạo thêm Sinh và Lý… Tuy nhiên, giáo viên sau khi tập huấn lên dạy cũng chưa yên tâm vì kiến thức chưa thật sự đảm bảo”, vị cán bộ này nói thêm.

Từ thực tế đó, các đại biểu kiến nghị, để đáp ứng yêu cầu dạy học và đảm bảo việc thực hiện thành công chương trình phổ thông mới, cần đội ngũ giáo viên chính quy được đào tạo dạy tích hợp, liên môn chứ không nên đào tạo giáo viên đơn môn rồi sau đó phải đào tạo lại. Ngoài ra, còn một thực tế nữa là sự không thống nhất trong chương trình phổ thông mới khi ở bậc THCS thì dạy học tích hợp các môn Sử - Địa, Lý - Hóa - Sinh nhưng đến bậc THPT, lớp 12 thì lại tách thành các môn riêng lẻ.

Nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho các đơn vị, ông Trần Ngọc Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT TP.HCM cho biết, Sở này đã phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.

Đánh giá giáo viên là đội ngũ cơ bản làm nên thành công của chương trình phổ thông 2018 và đổi mới SGK, bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM mong muốn các cấp chính quyền cần tính toán, chia sẻ thêm về việc đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình phổ thông mới cả ở bậc tiểu học, THCS.

Ghi nhận và cho biết sẽ gửi những kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND TP.HCM…, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết kỳ vọng đội ngũ giáo dục quận, đặc biệt là đội ngũ giáo viên tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo được chất lượng chương trình phổ thông mới trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay. 

 

TP.HCM báo cáo tình hình thiếu SGK

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa tiếp tục có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT và UBND TP.HCM về việc trang bị SGK cho học sinh sau khai giảng năm học mới.

Theo đó, vào ngày 9.9, Sở GD&ĐT đã báo cáo tình hình sau khai giảng năm học mới gửi Bộ và UBND TP, có 99,5% học sinh đã trang bị đủ SGK; 7.053 (0,5%) trường hợp chưa có SGK đều ở các khối lớp thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Cụ thể, bậc THCS thiếu 2.050 bộ, bậc THPT thiếu 2.232 bộ và GDTX thiếu 2.771 bộ. Lý do thiếu SGK là bởi học sinh chưa tự trang bị, công ty sách và thiết bị trường học chưa cung cấp đủ theo đặt hàng của cơ sở giáo dục và một số học sinh từ địa phương khác chuyển đến thành phố nên chưa kịp mua…

Sau khi tổng hợp được thông tin, Sở GD&ĐT đã gấp rút chỉ đạo các cơ sở rà soát nguyên nhân và phương án bổ sung sách đầy đủ cho học sinh, chậm nhất là đến ngày 15.9, các đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện. Đồng thời, Sở cũng làm việc với các nhà xuất bản, công ty phát hành sách liên quan đến các nội dung cung cấp sách đầy đủ và kịp thời đến học sinh; đề nghị các nhà sách trong hệ thống NXB Giáo dục đảm bảo có đủ sách để cung ứng.

Tính đến ngày 14.9, theo Sở GD&ĐT, bậc THCS đã trang bị đủ; bậc THPT còn 2 trường (278 bộ) dự kiến cung ứng trước ngày 16.9. Trung tâm GDTX Thanh niên xung phong còn thiếu 584 bộ, lý do đơn vị không tổ chức đăng ký SGK cho học sinh lớp 10, NXB đã làm việc với trung tâm để cung ứng đủ trước ngày 16.9.

Trong báo cáo gửi Bộ GD&ĐT và UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT thông tin, qua quá trình làm việc, Sở nhận thấy phần lớn các trường hợp thiếu SGK tập trung ở các trường ngoài công lập và các trung tâm GDTX. Học sinh còn thiếu sách chủ yếu từ địa phương khác đến TP.HCM và nhiều học viên GDTX đăng ký nhập học trễ dẫn đến cơ sở giáo dục bị động trong việc chuẩn bị sách cho học sinh. KIỀU GIANG

ANH HUY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top