Khẳng định vị thế của Xẩm trong đời sống đương đại

VHO- Tiếp nối thành công của Liên hoan Nghệ thuật hát Xẩm khu vực phía Bắc (2019), từ ngày 16 - 18.9, Sở VHTT Ninh Bình đã phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022. Thành công của Liên hoan lần này là tiền đề quan trọng trong quá trình đề nghị UNESCO công nhận Nghệ thuật hát Xẩm là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Khẳng định vị thế của Xẩm trong đời sống đương đại - Anh 1

Một tiết mục hát Xẩm tại Liên hoan

 Tham dự Liên hoan có gần 200 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của 18 CLB đến từ Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình, Trưởng BTC Liên hoan, Nghệ thuật hát Xẩm là loại hình diễn xướng dân gian được lưu truyền trong đời sống người dân lao động ở đồng bằng sông Hồng. Ninh Bình là một trong những cái nôi của Xẩm, là nơi gắn bó với sự nghiệp ca hát của bà Hà Thị Cầu - “Nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX”. Ninh Bình hiện lưu giữ trên 10 làn điệu hát Xẩm là: Xẩm chợ, Chênh bong, Phồn huê, Riềm huê, Huê tình, Hò bốn mùa, Ba bậc, Thập ân, Hà liễu, Tàu điện… Tháng 1.2022, Nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đặt ra yêu cầu mới về tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật độc đáo này trong đời sống hiện nay.

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan đã vinh danh 45 tiết mục xuất sắc gồm: 5 giải A, 5 giải B, 5 giải C, 30 giải khuyến khích, 2 giải thưởng cho diễn viên cao tuổi nhất và nhỏ tuổi nhất. Trong đó, 5 giải A được trao cho các tiết mục: Dạt nước cảnh bèo (Nguyễn Thị Mận - Ninh Bình); Hải Phòng đổi mới (Kim Tiến, Hải Phượng - Hải Phòng); Xẩm ba bậc (Hương Liên - Thanh Hóa); Tương tư (Khúc Hải Vân - Hà Nội); Phạm Công Cúc Hoa (Bùi Công Sơn - Ninh Bình).

Trao đổi với Văn Hóa, NSND Nguyễn Thị Thanh Ngoan, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng 2022 cho biết, sự kiện đã góp phần lan tỏa, thể hiện được tâm huyết, tài năng, sức sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ và trách nhiệm của các nhà quản lý đối với Nghệ thuật hát Xẩm, qua đó khẳng định sứ mệnh gìn giữ và phát huy Nghệ thuật hát Xẩm là di sản văn hóa của dân tộc. Trong Liên hoan lần này, việc phát huy Xẩm được thể hiện rất rõ trong cách dàn dựng, chọn lựa các làn điệu, tiết mục mang dấu ấn vùng miền, góp phần đưa Xẩm đến gần hơn với công chúng, dễ đi sâu trong đời sống. Điều đáng mừng là lực lượng trẻ dự Liên hoan lần này chiếm đa số và đã khẳng định được bản lĩnh làm nghề.

Bên cạnh đó, NSND Nguyễn Thị Thanh Ngoan cũng chỉ ra một số hạn chế về cách lồng điệu vần còn một số bài không “trúng”, vẫn bị “ép”; nhiều bài dự thi bị trùng lặp; dàn nhạc không có đủ thành phần… Để khắc phục thực trạng này trong các Liên hoan tiếp theo, các địa phương và các CLB cần tăng cường tập huấn về cách sử dụng nhạc cụ, cách thể hiện làn điệu, nâng cao cách hát các lòng bản làn điệu hát Xẩm; nhân rộng phong trào hát Xẩm.

Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022 thành công tốt đẹp đã khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt của nghệ thuật Xẩm trong đời sống đương đại. Đây cũng chính là dịp tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, Nghệ thuật hát Xẩm nói riêng; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc