Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Miền Trung khẩn trương giằng chống, bảo vệ di tích trước bão số 4

Thứ Hai 26/09/2022 | 13:30 GMT+7

VHO- Các đơn vị quản lý hệ thống di sản ở Hội An (Quảng Nam) và Quần thể Di tích Cố đô Huế đã khẩn trương triển khai công tác chống đỡ, giằng néo, bảo vệ các công trình di tích nhằm phòng, chống siêu bão Noru.

Hội An: Khẩn trương chằng chống di tích, nhà cổ

Đến trưa nay 26.9, cơ quan chức năng phối hợp cùng với các tổ quản lý di tích, chủ di tích, người dân thực hiện cơ bản công tác chằng chống, gia cố các di tích, nhà cổ xuống cấp,…nhằm đảm bảo an toàn cho di tích khu phố cổ Hội An khi bão Noru đổ bộ trực tiếp vào đất liền các tỉnh miền Trung.

Sáng ngày 26.9, Trung tâm QLBTDSVH Hội An tiếp tục chằng chống bảo vệ di tích Chùa Cầu trước giờ bão đổ bộ

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An cho biết, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng liên quan và đã chỉ đạo các tổ quản lý di tích cắt cử lực lượng có mặt ở khu phố cổ để chằng chống, gia cố bảo vệ các di tích xuống cấp, triển khai các biện pháp bảo vệ di tích, các bảo tàng… Đặc biệt, Trung tâm QLBTDSVH Hội An tập trung lực lượng triển khai công tác chống đỡ phần thân, bảo vệ di tích Chùa Cầu, song song với triển khai các biện pháp bảo vệ di tích, nhà cổ khác.

Để chống đỡ phần thân Chùa Cầu, đơn vị sử dụng bộ gỗ được thiết kế riêng để thực hiện chống đỡ cho di tích này và đã triển khai khá hiệu quả vào những lần mưa bão trước đó. Công việc sẽ hoàn tất trước khi bão số 4 đổ bộ như dự báo. Di tích Chùa Cầu được chống đỡ ở 4 vị trí, công nhân sẽ sử dụng dây cao su để kê vào các điểm nối để không làm ảnh hưởng kết cấu di tích, các thao tác phải thật chặt chẽ, cẩn thận, tỉ mỉ để đảm bảo an toàn cho di tích mà không ảnh hưởng, để lại dấu tích ảnh hưởng kết cấu.

Công tác chống đỡ Chùa Cầu thực hiện hết sức cẩn thận để tránh ảnh hưởng kết cấu di tích đặc biệt này

Bên cạnh đó, các chủ/đại diện chủ di tích, chủ các ngôi nhà cổ trong khu vực phố cổ cũng đã chủ động chống đỡ, chằng chống hàng chục di tích khác; thực hiện công tác chằng chống, che chắn bảo vệ di tích, chú trọng che chắn những vị trí trống gió, cài khóa cẩn thận cửa đi, cửa sổ khi có bão, lũ. UBND các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong đã thông báo các chủ di tích thuộc diện xuống cấp có biện pháp kiểm tra, tự chống đỡ để đảm bảo an toàn và hạn chế thiệt hại.

Lực lượng chức năng cũng đã triển khai cắt tỉa cây xanh gần di tích hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích để hạn chế tình trạng hư hại di tích do cây ngã đổ, va quẹt. Bảo quản cẩn thận hiện vật, tài sản tại di tích trước, trong và sau bão, lụt đề phòng hư hỏng, mất mát.

Các chủ nhà cổ chủ động chằng chống bảo vệ di tích trước khi bão vào

Cắt tỉa cây xanh, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến di tích, nhà cổ

Phòng Quản lý di sản (Trung tâm QLBTDSVH  Hội An) chủ trì phối hợp với các UBND xã, phường và các tổ quản lý di tích tín ngưỡng cộng đồng trong khu phố cổ, di tích vùng ven tổ chức khảo sát, kiểm tra các di tích và hệ thống cây cổ thụ nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố để tham mưu lập danh sách các di tích cần chống đỡ, các cây cổ thụ cần cắt tỉa trước mùa mưa bão năm 2022; tham mưu đề xuất những giải pháp khắc phục về hư hại các di tích do thiên tai gây ra;….

Qua khảo sát, hiện có 45 di tích xuống cấp, trong đó có 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Trên cơ sở này, đơn vị đang xây dựng phương án, đề xuất các giải pháp để đảm bảo an toàn cho các di tích trên trong mùa mưa bão đang tới.

Bảo vệ di sản Huế trước thiên tai

Trong ngày 26.9, lực lượng cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) tiếp tục triển khai công tác giằng chống, đảm bảo an toàn tại các di tích trọng yếu, di tích có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão số 4.

Di tích Phu Văn Lâu đã được giằng neo ở 4 góc để phòng tránh bão số 4

Có mặt tại di tích Phu Văn Lâu, mặt Nam của Kinh thành Huế, chúng tôi chứng kiến lực lượng của Phòng Quản lý- Bảo vệ (thuộc TTBTDTCĐ Huế) đang vận chuyển gỗ, ván để thực hiện gia cố, bít kín khu cửa tầng 2 của di tích. Công đoạn này nhằm tránh gió bão mạnh thổi vào gây nguy cơ tốc mái công trình di tích. Trước mặt Phu Văn Lâu, di tích Nghinh Lương Đình cũng đã được giằng chống bằng hệ thống dây neo chắc chắn, liên kết giữa các hệ cột trụ của di tích.

Trong ngày 26.9, lực lượng cán bộ của TTBTDTCĐ Huế tiếp tục thực hiện gia cố, bít kín cửa tầng 2 di tích Phu Văn Lâu, hạn chế nguy cơ gió bão

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng Phòng Quản lý- Bảo vệ, công tác giằng chống đã được triển khai ở các di tích trọng yếu, di tích ngoài trời, di tích có độ cao có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi gió bão. Như: di tích Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình ở ven sông Hương; lầu Ngũ Phụng- Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, Nhật Thành Lâu… ở bên trong khu di sản Hoàng Cung Huế; di tích Quan Tượng Đài ở mặt Tây- Nam của Kinh thành Huế; cùng các công trình di tích tại các lăng. 

Ngoài lực lượng chính là cán bộ nhân viên của Phòng Quản lý- Bảo vệ, thì TTBTDTCĐ Huế cũng cắt cử thêm các bộ của các phòng ban, đơn vị trực thuộc theo dõi, trực phòng chống bão Noru đến hết ngày 29.9 và sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ, ứng cứu khi được yêu cầu.

Hệ thống dây neo chắc chắn kết nối các trụ cột chống đỡ công trình di tích Nghinh Lương Đình

Trong ngày 26.9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của TTBTDTCĐ Huế cũng tổ chức kiểm tra các công trình di tích, có phương án bảo vệ các công trình di tích xuống cấp. Đồng thời, nhắc nhở các đơn vị thi công gia cố hệ thống bao che các công trình di tích đang thi công do đơn vị mình quản lý nhằm hạn chế thiệt hại thấp nhất khi bão, lũ xảy ra. Phòng Cảnh quan môi trường của TTBTDTCĐ Huế cũng triển khai kiểm tra hệ thống cây xanh ở tất cả các điểm di tích và tiếp tục cắt tỉa, chống đỡ những cây dễ bị gãy đổ và chủ động phân công lực lượng kịp thời khắc phục hậu quả sau bão, lũ.

Nghinh Lương Đình là một trong những công trình di tích ven sông Hương thường chịu ảnh hưởng của bão lũ nên được giằng chống cẩn thận

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Quần thể Di tích Cố đô Huế trãi rộng trên địa bàn từ vùng trũng trong khu vực Kinh thành Huế cho đến cho đến các khu lăng tẩm ở vùng gò đồi phía Tây Nam của TP.Huế và các huyện, thị xã. Trong đó, điểm xa nhất là lăng Gia Long cách trung tâm TP.Huế khoảng 20km, cùng một số điểm di tích nằm ven sông Hương thường chịu tác động nặng nề của gió bão, mưa lũ…gây chia cắt như: lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Gia Long, Điện Hòn Chén… Do đó gặp rất nhiều khó khăn trong ứng cứu và khắc phục hậu quả của thiên tai. Chính vì vậy, công tác phòng chống thiên tai, bão lũ luôn được quan tâm hàng đầu, xây dựng kế hoạch bài bản hàng năm và cắt cử lực lượng triển khai thực hiện, đảm bảo an toàn cho hệ thống di tích.

Theo TTBTDTCĐ Huế, lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và  tìm kiếm cứu nạn của trung tâm luôn sẵn sàng, với khoảng 200 người tại chỗ, bao gồm bảo vệ ở các điểm di tích, cùng lực lượng cơ đông, ứng cứu, khắc phục hậu quả với 50 người của phòng ban.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI - SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top