Phú Yên chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 4

VHO - Nhằm chủ động ứng phó diễn biến của bão số 4 Noru, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp công tác ứng phó với bão, lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa bão gây ra; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo báo cáo của UBND thị xã Sông Cầu, địa phương này đã triển khai neo đậu tránh trú an toàn cho 1.000 tàu cá, không còn tàu thuyền nằm trong vùng biển nguy hiểm. Gần 2.000 bè nổi của các hộ dân nuôi trồng thủy sản cũng đã được chằng chống, gia cố ngay tại vị trí nuôi hoặc thả sát đáy để tránh gió, nước lũ.

Phú Yên chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 4 - Anh 1

Ngư dân ở An Hòa Hải, huyện Tuy An đang đưa các lồng nuôi tôm vào bờ

Tại biển An Hòa Hải (huyện Tuy An), đây là vùng ươn nuôi tôm hùm giống lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ, người dân đang khẩn trương di dời lồng bè vào nơi an toàn. Hiện nay hơn 300 tàu cá của huyện Tuy An đã được lực lượng chức năng bố trí, sắp xếp neo đậu an toàn. Trên 120 bè nuôi trồng thủy sản của người dân đã được chằng néo, chống trôi dạt. Một số công trình kè biển đang thi công đã được triển khai các phương án bảo vệ công trình, máy móc thiết bị và con người.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, qua kiểm tra các địa phương đã chủ động ứng phó với bão số 4. Tuy nhiên, một số người dân chủ quan cho rằng bão không vào, mưa ít, gió nhẹ nên không gia cố nhà cửa. Do đó, các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa. Những khu vực mất an toàn phải kiên quyết di dời.

Phú Yên chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 4 - Anh 2

Bộ đội Biên phòng Phú Yên kêu gọi tàu thuyền nha chóng vào nơi tránh trú bão số 4

Mặc dù tỉnh Phú Yên không phải là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 nhưng cấp độ thiên tai được cảnh báo ở cấp 3. Các địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng triển khai phương án sơ tán hơn 36.000 người dân. Cụ thể khu vực ven biển do gió và nước biển dâng 15.630 người; sơ tán do lũ, ngập lụt 17.909 người; sơ tán khu vực lũ quét sạt lở đất: 2.582 người.

Để ứng phó với tình trạng mưa và xả lũ, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương dọc hạ lưu sông Ba và sông Kỳ Lộ khẩn trương xây dựng hệ thống nhắn tin tự động. Nếu tiến hành xả lũ sẽ tiến hành nhắn tin cảnh báo cho người dân.

Cũng trong sáng 27.9, để đảm bảo an toàn cho học sinh, an toàn trường học trước ảnh hưởng của bão số 4, Sở GD&ĐT Phú Yên có văn bản cho phép học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ 13 giờ ngày 27.9 đến hết ngày 28.9. Trong đó lưu ý, nếu bị ngập lụt, sạt lở và bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không an toàn cho học sinh do bão số 4 gây ra thì chủ động tiếp tục cho học sinh tạm nghỉ học.

Phú Yên chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 4 - Anh 3

Các lực lượng Phú Yên giúp dân chằng chống, gia cố nhà cửa

Cùng với đó, nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của bão, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chủ động, khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp công tác ứng phó với bão, lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa bão gây ra; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc