Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022: Tiếng đồng vọng với sử Việt

Thứ Hai 03/10/2022 | 10:36 GMT+7

VHO- Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 đã khép lại tối qua (2.10), điều đáng ghi nhận là tác phẩm khai thác đề tài lịch sử không chỉ áp đảo về số lượng mà còn là những vở diễn chất lượng, hấp dẫn và mang giá trị tư tưởng cao.

 Vở “Trung Trinh liệt nữ” của Nhà hát Chèo Hà Nội

Có thể nói, những người làm nghệ thuật sân khấu hôm nay đã tìm ra được chìa khóa để làm mới đề tài “xưa cũ”, tạo nên xúc cảm mạnh mẽ trong lòng người mộ điệu bởi hình tượng nhân vật lịch sử đã có những đóng góp cũng như ảnh hưởng lớn lao trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Sức hút từ những “vàng son một thuở”

Theo dõi không bỏ sót một đêm diễn nào của Liên hoan, NSƯT Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: “Những tác phẩm khai thác đề tài lịch sử tham dự Liên hoan đã khẳng định rất rõ nhận thức và cách nhìn mới của những người làm nghệ thuật hôm nay, điều này thể hiện ở cách đặt vấn đề, cách khai thác nhân vật nhiều chiều. Tôi nghĩ rằng, có lẽ giới nghề đã và đang chịu ảnh hưởng bởi khuynh hướng chính trị, dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám nhìn thẳng vào sự thật… sau những hội nghị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là tinh thần chỉđạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Vượt qua không gian, thời gian, nghệ thuật sân khấu đã nói được những vấn đề lớn đương thời và tư tưởng ấy vẫn còn nguyên vẹn giá trị đối với xã hội hiện đại”.

Quả thực, trên sân khấu của Liên hoan, nhiều tác phẩm đã mạnh dạn đưa ra và lý giải những câu chuyện lịch sử đầy táo bạo: “Người viết sử phải ghi chép lại sự thật cho đời sau soi xét - có bao nhiêu phần trăm sự thật được ghi chép lại? Phải được viết bằng tim óc thậm chí bằng máu và sinh mạng của mình - đó còn là trách nhiệm và danh dự của một thời đại - một dân tộc nên không thể khác” (Vương Quyền của Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội); “Ta đến nơi đây không phải chỉ ngồi trên chiếc ghế này hưởng lợi cho riêng mình mà ta chỉ muốn cùng với muôn dân gìn giữ và bảo vệ cho Hà Nội” (Bất tử với Thăng Long của Nhà hát Cải lương Việt Nam)… NSƯT Lê Chức nhận định, những lời thoại mạnh mẽ, sắc nhẹm của các nhân vật lịch sử tại Liên hoan lần này khó gặp được ở các kỳ cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp trước đây.

Có những màn trình diễn, đặc biệt lột tả cảnh hy sinh của các nhân vật đã gây xúc động mạnh đối với khán giả. Đơn cử như lớp diễn “trầm hà” của Tống Thị Quyên (nghệ sĩ Bình Tinh của Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội, TP.HCM), đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã dàn dựng rất sáng tạo khi dùng các thanh tre và bè, cùng với kỹ thuật điện ảnh, xiếc để làm cho cái chết của nhân vật trở nên bi tráng và oanh liệt.

Có thể thấy, công chúng là những vị giám khảo khách quan nhất tại mỗi đêm diễn trong Liên hoan. Tất cả các suất diễn đều chật kín người xem và họ đã liên tục tặng cho các lớp diễn được dàn dựng ấn tượng, xúc động những tràng pháo tay cổ vũ không dứt.

 Vở “Vương Quyền” của Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội

Đưa kiến thức lịch sử lên sân khấu

“Xây dựng những tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử là cách hướng khán giả, đặc biệt là lớp trẻ thêm hiểu và thêm yêu lịch sử nước nhà… Trách nhiệm của nghệ sĩ chúng tôi là phải làm sao nhìn nhận đúng về lịch sử để xây dựng và khắc họa rõ nét hơn, đẹp hơn về các bậc tiền nhân thuở trước”, NSƯT Lê Chức chia sẻ.

Lựa chọn đề tài lịch sử để tham gia Liên hoan, các đơn vị sân khấu cải lương TP.HCM đã mang tới nhiều bất ngờ đáng mừng. Lâu nay, sân khấu cải lương phương Nam thường khai thác tuồng cổ, tích truyện Trung Quốc mà “bỏ quên” lịch sử của nước mình. Sự xuất hiện của những ngôi sao nổi tiếng như NSND Thoại Miêu, NSƯT Kim Tiểu Long, NSƯT Mỹ Vân… đã cho thấy quan điểm làm nghệ thuật cũng như trách nhiệm của giới nghệ sĩ đối với việc khai thác và dàn dựng một cách nghiêm túc, chỉn chu về đề tài sử Việt.

Dàn dựng cho 3 tác phẩm tại Liên hoan lần này, đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ: “Vở lịch sử ít khi được các đơn vị sân khấu ở TP.HCM lựa chọn, bởi lẽ đề tài này kén khán giả, đầu tư lại cao, diễn viên tập luyện mất nhiều thời gian. Nếu làm không hay, vở diễn không mới thì sẽ dễ đi vào lối mòn và bị khán giả quay lưng. Riêng tôi lựa chọn dựng vở lịch sử là vì đam mê và tôi chấp nhận cả sự thử nghiệm thất bại. Một vở lịch sử được dàn dựng công phu, quy mô, có áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại chắc chắn khán giả sẽ có cái để xem, để thích thú. Muốn kéo khán giả trẻ đến với sân khấu chỉcó một con đường, đó là những người làm nghệ thuật phải thay đổi mình trước”.

Là một đơn vị xã hội hóa nhưng Sân khấu Lệ Ngọc không đứng ngoài cuộc. Tham gia Liên hoan lần này, Sân khấu Lệ Ngọc có vở Huyền tích chùa Một Cột. “Chúng tôi xây dựng những vở đề tài lịch sử để nhằm truyền bá cho thế hệ trẻ biết về lịch sử hào hùng của dân tộc mình. Trong những năm tháng làm nghề, tôi hiểu rằng tuyên truyền lịch sử thông qua các vở diễn có sức lan toả và dễ hiểu hơn rất nhiều. Mặc dù đầu tư dàn dựng tốn kém hơn vở đề tài hiện đại nhưng Sân khấu Lệ Ngọc vẫn kiên quyết làm và phải làm thật hay”, NSND Lệ Ngọc bày tỏ.

Chỉ với vài chục mét vuông trên sân khấu nhưng các nghệ sĩ tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 đã làm sống lại biết bao hình tượng nhân vật lịch sử “danh bất hư truyền” như Hoàng đế Quang Trung - Công chúa Ngọc Hân (Trời Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội); An Tư công chúa (Trung Trinh liệt nữ, Nhà hát Chèo Hà Nội); Nguyễn Tri Phương (Bất tử với Thăng Long, Nhà hát Cải lương Việt Nam); Tống Thị Quyên (Vương Quyền, Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội)… Các nhân vật hiện lên với đầy đủ những hỉnộ ái ố trong cuộc đời của mỗi con người và thời đại của họ. Không chỉ đơn thuần là “minh họa lịch sử”, các vở diễn còn thể hiện quan điểm đương đại để lý giải những mâu thuẫn, xung đột trong quá khứ, giúp cho khán giả thêm yêu quý, trân trọng lịch sử nước nhà. Hơn thế, nhiều bài học ý nghĩa trong quá trình dựng nước, giữ nước qua những nhân vật huyền thoại vẫn còn nguyên giá trị trong cái nhìn soi chiếu của con người hôm nay.

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top