Thanh Hóa kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng

VHO- Trong hai năm (2022 và 2023), Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hoá Thanh Hoá sẽ kiểm kê 158 di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp tỉnh trước năm 2003 của 18 huyện, thị, thành phố trên địa bàn.

Thanh Hóa kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng - Anh 1

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình cổ Đô Mỹ (xã Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hóa)

Muc đích của việc kiểm kê nhằm rà soát, đánh giá hiện trạng di tích và thực trạng công tác quản lý di tích ở cơ sở (những tồn tại, khó khăn, vướng mắc…); đề xuất tham mưu cấp có thẩm quyền có những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả; phân loại, hoàn thiện các di tích đã lập hồ sơ nhưng chưa đầy đủ hoặc lập mới hồ sơ khoa học đối với di tích đủ tiêu chí; đưa ra khỏi danh mục những công trình đã bị biến dạng, thay đổi hoàn toàn hoặc không còn giá trị.

Xây dựng cơ sở dữ liệu, lưu trữ bảo quản thông tin, hồ sơ khoa học và văn bản pháp lý phục vụ công tác quản lý Nhà nước, nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa tỉnh Thanh Hoá; từng bước giới thiệu, quảng bá, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tham mưu chính xác hơn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị của các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo, phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của các di tích đã được xếp hạng của tỉnh Thanh Hóa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó, các di tích đã được xếp hạng là 854 di tích, gồm: 01 di sản văn hoá thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc); 05 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia và 709 di tích cấp tỉnh. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa và Trung ương, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp di tích trên địa bàn toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều di tích sau khi được bảo quản, tu bổ, phục hồi đã trở thành sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh phục vụ đời sống tâm linh, hấp dẫn du khách tham quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống của quê hương, đất nước, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về Thanh Hóa đối với du khách trong nước và quốc tế.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc