Giáo dục đào tạo trẻ em DTTS: Chạm tới ước mơ bằng tri thức

VHO- Hoa hậu H’Hen Niê, nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm, chị Sùng Y Múa (nhân vật được đề cử giải KOVA 2022), họa sĩ Chế Kim Trung (thạc sĩ nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của người Chăm)… đã nói lên tiếng nói của những trẻ em dân tộc thiểu số với khát vọng vươn lên, thoát khỏi đói nghèo để thực hiện ước mơ phát triển.

Giáo dục đào tạo trẻ em DTTS: Chạm tới ước mơ bằng tri thức - Anh 1

 Các diễn giả là những gương điển hình của phụ nữ DTTS vươn lên Ảnh: TL

 Họ đã cùng trao đổi trong sự kiện truyền thông “Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số” nằm trong khuôn khổ Triển lãm “Khát vọng Phát triển” (do Hội LHPN tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội) nhằm gửi đi thông điệp vận động xã hội chung tay thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em.

“Sao em nỡ vội lấy chồng”

Không kìm được xúc động, H’Hen Niê đã rơi nước mắt khi nói về những đứa trẻ phải rời khỏi nhà trường để đi lấy chồng. Cô chia sẻ, nhiều năm trước, khi mới 16 tuổi đã bị bố mẹ giục “kết hôn đi”. Giờ đây bố mẹ không giục nữa, nhưng những em bé đó vẫn phải làm vợ, làm mẹ ở tuổi 16. “Vì sao lại vậy? Vì rào cản ngôn ngữ, vì đường đến trường quá xa, vì kinh tế gia đình khó khăn… nên không dám học cấp III, không dám đương đầu với thử thách mà chọn kết hôn sớm. Sau đó để lại con nhỏ cho ông bà để đi làm thuê làm mướn khắp nơi, và cứ thế, hệ lụy lại tiếp tục kéo dài. Bản thân tôi chưa giúp được nhiều cho các em gái ở quê mình, các em vẫn nghỉ học sớm, và luôn nhận thức rằng chỉ cần đi làm nương rẫy là đủ, như vậy kiếm tiền nhanh hơn, giúp gia đình nhanh hơn”, Hoa hậu Hoàn vũ năm 2017 cho hay.

Có mặt tại Tọa đàm, đạo diễn trẻ thế hệ 9X Hà Lê Diễm, người dân tộc Tày cũng bày tỏ những tiếc nuối khi các bạn cùng trang lứa từ thuở thiếu thời lần lượt đi lấy chồng và làm mẹ từ rất sớm. Điều này đã được Hà Lệ Diễm thể hiện rõ nét trong bộ phim tài liệu Những đứa bé trong sương, bộ phim đã mang lại cho cô giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất” hạng mục “Tranh giải quốc tế” dành cho phim đầu tay tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam 2021.

Hà Lệ Diễm kể, khi còn nhỏ, nhà cô nghèo đến nỗi vào mùa đông giá rét, bố mẹ phải nhường áo của mình để cuốn 3 anh em rồi cho nằm ngủ quanh bếp lửa. Rồi cũng đến tuổi đi học mầm non, ngày đầu tiên một mình cô bước ra khỏi nhà và choáng ngợp bởi sương mù bao trùm như bức tường chắn đường đi. Cô sợ hãi quay về nhà và nghỉ học luôn. Sau đó, bố cô bắt phải đi học, thế là cô bé mấy tuổi đầu phải nén nỗi sợ, đi bộ 3-4 km để đến trường. Khi lớn dần lên, cô nhận ra rằng, trong sương mù nếu tiến dần từng bước thì con đường ngày càng hiện ra.

Các em hãy ước mơ và giáo dục sẽ là cầu nối để chạm ước mơ đó

Khách mời của Tọa đàm còn có thạc sĩ nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của người Chăm Chế Kim Trung, nữ giám đốc người Khmer Thạch Thị Chal Thi, chị Sùng Y Múa, nhân vật được đề cử giải KOVA 2022, họ là những bằng chứng sống cho nghị lực vươn lên mạnh mẽ.

Thạc sĩ Chế Kim Trung chia sẻ, chị may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình có nền tảng giáo dục nên luôn có quyết tâm học tập. Ngay cả khi đã là một giảng viên nhưng vì đam mê hội họa nên chị vẫn tiếp tục đi học ĐH, rồi cao học tại Thái Lan. Chị cho biết, nếu không có ý chí, không có quyết tâm trên con đường học vấn, tìm kiếm tri thức thì không thể thành công.

Còn chị Sùng Y Múa (người dân tộc Mông) cho biết, mình vinh dự là một trong 13 cô gái được đến trường ngày ấy. Chị sợ nghèo, sợ không biết chữ nên không bao giờ bỏ học, có khi 5-6 tháng chị mới trở về thăm gia đình. Học nghề y và là nhân viên trạm y tế, nhưng chị đã phát triển loại hình trải nghiệm homestay, góp phần thay đổi nhận thức, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Chị cho rằng, du lịch mang đến sự giao thoa văn hóa, các chị em không được ra ngoài để thấy xã hội văn minh, nhưng làm du lịch sẽ giúp họ học hỏi được nhiều điều.

Các chị là những gương phụ nữ DTTS điển hình, đại diện cho các chị em DTTS Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực vượt qua định kiến giới và khẳng định giá trị bằng tài năng, tri thức; lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng; góp phần dựng xây quê hương, đất nước… Mỗi diễn giả đã nhắn gửi tới các em rằng: “Ước mơ sẽ luôn dẫn bước và giáo dục sẽ là cầu nối để các em chạm đến ước mơ” (Hoa hậu H’Hen Niê); “Phụ nữ hay tự tin, hòa nhập, năng động, đam mê, hãy luôn quyết tâm để vươn lên” (Họa sĩ Chế Kim Trung); “Các em hãy đến trường và nói không với tảo hôn” (chị Sùng Y Múa); “Hãy để trẻ thơ được sống đúng với chính mình, với quyền của mình, được vui vẻ và được đi học” (Đạo diễn Hà Lệ Diễm); “Chúng ta hãy theo đuổi giáo dục, tham gia vào cách tự chủ kinh tế thì mọi ước mơ, mọi khát khao của chúng ta sẽ được đền đáp” (Giám đốc Thạch Thị Chal Thi)… 

 Triển lãm Khát vọng phát triển, nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, giúp người xem hiểu rõ hơn những thực trạng, rào cản, định kiến giới và khó khăn trong cuộc sống đang diễn ra tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt. Đồng thời cảm nhận sâu sắc khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến, sự thay đổi mạnh mẽ của những người phụ nữ trong thực hiện ước mơ, khẳng định những giá trị bản thân. Chất liệu chính của triển lãm là những hình ảnh, thước phim sống động, câu chuyện được sẻ chia chân thực tại địa bàn 4 tỉnh: Điện Biên, Quảng Bình, Gia Lai và Sóc Trăng.

 THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc