Vì sao “Garage Biệt động Sài Gòn” được đề xuất xếp hạng di tích?

VHO- Nhằm tập hợp ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu, lão thành cách mạng và nhân chứng lịch sử để làm rõ thêm quá trình hình thành di tích, sự kiện lịch sử, ý nghĩa và giá trị của di tích, làm cơ sở lập hồ sơ khoa học để xếp hạng, Sở VHTT TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm khoa học di tích lịch sử nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10.

 Theo đó, trong thời kỳ kháng chiến, cơ sở cách mạng Biệt động Sài Gòn là nơi liên lạc hợp pháp, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp hoặc tạm trú của cách mạng, do ông Dương Văn Đức (tự Hai Diện, sinh 1928), là chủ nhà trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, nơi đây cũng là cơ sở sửa chữa ô tô có tên Garage Tự Lực, được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn, lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế thùng xe 2 đáy chứa vũ khí, tài liệu và làm phương tiện phục vụ công tác đảm bảo chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn nói riêng, lực lượng cách mạng trong nội đô Sài Gòn nói chung.

Vì sao “Garage Biệt động Sài Gòn” được đề xuất xếp hạng di tích? - Anh 1

 Nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10 được thống nhất đề xuất xếp hạng di tích

Một mắt xích quan trọng

Trong đó, tiêu biểu nhất là việc ông Trần Văn Lai (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), cán bộ Biệt động Sài Gòn thường xuyên gửi 2 chiếc xe ôtô mang số hiệu NCE-345 và xe ôtô mang số hiệu EC-6045 cho ông Dương Văn Đức thiết kế, kiểm tra, bảo dưỡng để sử dụng phục vụ công tác đưa đón lãnh đạo Quân khu ra vào nội đô Sài Gòn và được Đội 5 Biệt động Sài Gòn trực tiếp sử dụng để tấn công vào Dinh Độc Lập trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Sau ngày giải phóng, cũng chính từ Garage này, ông Trần Văn Lai với sự giúp đỡ của ông Dương Văn Đức đã tìm lại được 2 chiếc xe lịch sử trên, hiện 2 chiếc xe này đã là các hiện vật lịch sử quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (TP.HCM) và tại Bảo tàng Binh chủng Đặc Công (tại Hà Nội)… Garage số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám giao cho con trai cả Dương Bửu Chánh, nay giao lại cho cháu là Trần Trọng Nghĩa để phục dựng lại nguyên trạng Garage Citroen Dương Văn Đức D’Indochine, since 1947 (Garage Biệt động Sài Gòn).

Theo PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Thư ký Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, Garage Tự Lực với chủ nhân là chiến sĩ cơ sở Biệt động Thành Dương Văn Đức là một mắt xích quan trọng trong hệ thống cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã góp phần quan trọng vào sự kiện lịch sử vĩ đại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. “Thiết tưởng, việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy di tích lịch sử cơ sở cách mạng của Biệt động - Thành Garage Tự Lực là di tích “Garage Biệt động Sài Gòn” là điều hết sức đáng trân trọng. Đó vừa là sự tôn trọng sự thật lịch sử khách quan, tôn vinh truyền thống lịch sử dân tộc, đồng thời ghi nhận công lao, thành tích to lớn của người chủ di tích”, PGS.TS Phan Xuân Biên nhấn mạnh.

Giải thích xung quanh câu chuyện vì sao cho mãi đến nay cơ sở cách mạng này vẫn chưa được xếp hạng di tích, ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định bày tỏ: “Đây là vấn đề mà Câu lạc bộ trăn trở. Bởi không riêng gì trường hợp Garage của ông Dương Văn Đức ở địa chỉ số 499/20 này mà hiện tại còn hàng chục địa chỉ mà vì nhiều lý do dẫn đến sự chậm trễ: Thời gian đã lâu, vật chứng không còn nguyên hiện trạng, việc tập hợp, sưu tầm hiện vật gặp không ít khó khăn, và khó hơn là tâm lý của chủ nhân các cơ sở này chưa thật sự muốn vì khi đã trở thành di tích, họ sẽ không được tự động thay đổi, sửa chữa hoặc dịch chuyển tài sản, nên không dễ vận động”.

Ông Bùi Thế Hải, Phó chủ tịch UBND quận 10 cho biết, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan từ phía gia đình và vai trò quản lý của địa phương, địa điểm 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám chưa được ghi nhận và đề xuất xếp hạng di tích lịch sử. Với những thông tin quý báu cung cấp từ gia đình và sự nỗ lực của các ngành từ TP đến địa phương, hy vọng địa điểm này sẽ sớm được xếp hạng và được bảo tồn phát huy đúng với giá trị lịch sử - văn hóa.

Cần thống nhất tên gọi

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, nhằm thể hiện rõ giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích, hiện nay tên di tích cần được đề xuất thống nhất. PGS.TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM cho rằng, có thể đặt tên mới cho Garage này sau chiến tranh là “Garage Biệt động Sài Gòn” và ý nghĩa ở đây là cơ sở duy nhất sửa chữa, đảm bảo cho những chiếc xe vận chuyển vũ khí và cán bộ chiến sĩ biệt động Sài Gòn, phục vụ cho trận tấn công Tết Mậu Thân 1968. Nếu có thể thì khôi phục công năng vốn có của Garage sửa chữa xe ô tô khi gia chủ kế tiếp là con cháu kể nghiệp gia chủ ban đầu.

Theo đơn đề nghị xếp hạng di tích thì cơ sở có tên gọi là “Garage Biệt động Sài Gòn”, “Garage Tự Lực”. Còn theo văn bản Câu Lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định thì địa điểm được gọi là “Cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn”… Ông Lâm Thiếu Kỳ, Giám đốc Trung tâm cho rằng, qua nghiên cứu bước đầu, cho thấy các tên gọi di tích nêu trên đều đã thể hiện đúng công năng của cơ sở qua các giai đoạn hoạt động. Tuy nhiên để thể hiện trọn vẹn quá trình hình thành, hoạt động và phát triển của cơ sở, phát huy giá trị lịch sử của di tích trong tương lai, Trung tâm thống nhất tên gọi “Garage Biệt động Sài Gòn”, cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Theo kế hoạch lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích đối với công trình, địa điểm nói trên của Sở VHTT TP, dự kiến ngày 28.12, đơn vị sẽ trình Hội đồng xét duyệt xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh TP họp thông qua, trình UBND TP xem xét quyết định xếp hạng di tích. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc