Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Quảng Nam: Chính thức khởi công tu bổ Di tích Chùa Cầu

Thứ Tư 28/12/2022 | 11:10 GMT+7

VHO-Sáng nay28.12, UBND TP Hội An chính thức tổ chức Lễ khởi công Dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều). Theo đó, nguyên tắc cơ bản bảo tồn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm thay đổi những đặc điểm căn bản tạo nên giá trị di tích. Trong quá trình triển khai, vẫn đảm bảo giao thông qua lại đồng thời tạo điều kiện cho khách tham quan quá trình tu bổ.

Sáng ngày 28.12, Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu- Hội An chính thức khởi công. Ảnh: X.SƠN

Tham dự lễ khởi công có ông Yakabe Yoshinori - Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, đại biểu lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, TP Hội An, lãnh đạo các cơ quan ban ngành cùng đông đảo người dân, du khách. 
Di tích Chùa Cầu là một thành phần quan trọng, có giá trị tiêu biểu trong tu bổ phố cổ Hội An, do đó, việc tu bổ nhằm góp phần bảo tồn di tích, gìn giữ tối đa giá trị cốt lõi di tích trong tổng thể chung của Khu phố cổ Hội An, góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích, tôn tạo cảnh quan, tạo môi trường tốt cho việc nâng cao giá trị và phát huy di tích. 

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Lễ khởi công

Phát biểu tại Lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết: Ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XV, đến nay đã trải qua khoảng 400 năm tồn tại, chứng kiến bao thay đổi thời cuộc, Chùa Cầu luôn nhận được sự ưu ái, quan tâm đặc biệt của triều đình phong kiến và chính quyền sau này, của bao thế hệ cư dân Hội An, là hạt nhân tạo nên giá trị nổi bật của di tích quốc gia đặc biệt, là biểu trưng cho truyền thống lịch sử, văn hóa của mảnh đất và con người Hội An, là đối tượng nghiên cứu của các ngành, cảm hứng sáng tác của văn nghệ sĩ, là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi tham quan Hội An.  
 “Với tuổi đời gần 400 năm tồn tại trong khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chịu tác động của nhiều yếu tố về thời gian, môi trường tự nhiên và con người nên di tích đã và đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dầu luôn nhận được sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong việc gìn giữ, bảo tồn di tích với khoảng hơn 7 lần sửa chữa lớn nhỏ trước đây. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay di tích đã ở trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm nên yêu cầu đặt ra cần phải có giải pháp toàn diện để trùng tu là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách”, ông Sơn nhấn mạnh. 

Chùa Cầu trải qua hơn 400 năm tồn tại, chứng kiến bao thay đổi thời cuộc, có ý nghĩa tinh thần rất lớn với cư dân Hội An

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm QLBT Di sản văn hóa Hội An- đơn vị được giao thực hiện dự án cho biết: Đối với dự án tu bổ di di tích Chùa Cầu, nguyên tắc cơ bản bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, duy trì đồng thời giá trị và chức năng di tích, mọi sự can thiệp phải trên cơ sở tôn trọng khoa học, lịch sử và đảm bảo ổn định lâu dài, ứng dụng khoa học kỹ thuật phù hợp, duy trì tham vấn và ghi lại diễn tiến quá trình…với phương châm xuyên suốt là phải cân nhắc kỹ lưỡng, kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu khoa học và tham vấn chuyên gia trong suốt quá trình triển khai thi công. 
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác chuẩn bị đầu tư cho một Dự án đặc biệt như tu bổ di tích Chùa Cầu, các cấp lãnh đạo chính quyền, ngành chuyên môn và địa phương liên quan của Hội An đã tập trung nỗ lực chỉ đạo và thực hiện hoàn thành một khối lượng công việc khá lớn, hôm nay Dự án chính thức được khởi công để triển khai vào thực tiễn với một số nét nổi bật như sau: 
Thứ nhất, công tác sưu tầm, nghiên cứu khoa học thông tin, tư liệu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của Di tích được tập trung đẩy mạnh trong thời gian qua nhằm củng cố, thiết lập hệ thống cứ liệu khoa học, làm cơ sở cho việc xây dựng phương án tu bổ một cách sát hợp nhất. 
Thứ hai, công tác đánh giá hiện trạng kỹ thuật của Di tích được đặc biệt chú trọng và thực hiện hết sức kỹ lưỡng, toàn diện từ tổng thể đến chi tiết, từ cấu trúc nhìn thấy và không thấy được cũng như kết hợp kinh nghiệm truyền thống với áp dụng các công nghệ khoa học hiện đại. Đã tiến hành 02 đợt khoan địa chất để xác định kết cấu địa tầng, đánh giá khả năng gây lún móng và đo xung điện để đánh giá độ rung, tính ổn định của mố, trụ cầu. Đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá kết cấu và cấu kiện gỗ bằng sự kết hợp giữa máy móc thiết bị với kinh nghiệm của thợ mộc. Bên cạnh đó, việc số hóa kiến trúc hiện trạng công trình cũng được quan tâm thực hiện nhằm làm cơ sở dữ liệu khoa học cho việc so sánh, đối chiếu trước, trong và sau khi hoàn thành tu bổ công trình. Đã triển khai số hóa mô hình 3D di tích bằng công nghệ scan laser; tiến hành vẽ ghi kiến trúc và chụp ảnh chi tiết toàn bộ công trình. Ngoài ra, để chuẩn bị cho suốt quá trình thi công tu bổ sắp tới, UBND Thành phố đã thành lập Hội đồng đánh giá di tích để thường xuyên theo dõi, đánh giá và đưa ra các giải pháp thực hiện cụ thể nhằm đảm bảo Di tích được tu bổ đạt chất lượng khoa học cao nhất.
Thứ ba, công tác tổ chức hội thảo, tạo đàm, tham vấn chuyên gia về trùng tu di tích được quan tâm và thực hiện một cách kỹ lưỡng, chu đáo và cầu thị với sự tham gia của nhiều lượt các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng với các nhà quản lý và cộng đồng cư dân địa phương. 
Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm duyệt hồ sơ đầu tư được thực hiện bài bản, cẩn trọng trong từng giai đoạn hồ sơ, từng khâu thủ tục;  Công tác thông tin, tuyên truyền cũng được tập trung triển khai rất tích cực trong thời gian qua. 
Dự án cũng đã nhận được sự tài trợ từ quỹ Sumimoto của Nhật Bản từ nguồn ngân sách 2020 dành cho các dự án về bảo vệ, bảo tồn và trùng tu tài sản văn hóa ngoài Nhật Bản. Nguồn quỹ này phục vụ cho công tác khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học di tích và một số hoạt động liên quan đến quá trình tu bổ, là điều kiện rất tốt để đảm bảo cho di tích Chùa Cầu được trùng tu đảm bảo về quan điểm, nguyên tắc và các giải pháp đề ra, đảm bảo chất lượng, hàm lượng khoa học cao trong hoạt động tu bổ di tích. 

Di tích này ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, mỗi mùa mưa phải thực hiện chằng chống tạm thời bằng khung gỗ. 

Theo tư liệu, di tích này đã ghi nhận nhiều lần hư hỏng, xuống cấp, phải can thiệp, tu sửa (năm 1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917, 1962, 1986, 1996,…). Qua các lần tu sửa trước đây, các cấu kiện thuộc hệ khung gỗ, các vật liệu bằng gỗ, vôi, gạch, hệ mái ngói âm dương, con giống, bờ nóc, bờ chảy,….hầu hết bị thay đổi ít nhiều, chỉ riêng phần móng cầu còn giữ được gần như nguyên vẹn. Các giải pháp, mức độ can thiệp ở những lần tu sửa trước đây chỉ dừng lại ở việc gia cố, gia công, dặm dọi, thay thế các vị trí hư hỏng nhằm duy trì sự ổn định cục bộ, tạm thời cho di tích nên thời gian qua, đặc biệt vào thời điểm này, ghi nhận di tích đã thực sự xuống cấp nguy hiểm. 
Đánh giá sơ bộ hiện trạng di tích trước thời điểm dự án khởi công, cho thấy hiện trạng kỹ thuật hệ móng, mố trị bị rạn nứt, phần đáy móng của các trụ bị xói lở, kết cấu dầm và sàn đỡ xuất hiện một số vùng không an toàn,…Đặc biệt tại vị trí giao nhau giữa cầu và miếu có dấu hiệu tách rời đến 20cm. Tại vị trí này, Trung tâm QLBT DSVH Hội An đã thực hiện gia cố tạm thời, tạo hệ khung gỗ lắp ghép, gia cường bộ khung gỗ cho phần cầu trong mỗi mùa mưa bão gần đấy. Tuy nhiên giải pháp này là tạm thời và sau mỗi mùa mưa bão, sự xuống cấp của di tích thể hiện hết sức rõ rệt. 
Hiện trạng kỹ thuật hệ mái xuất hiện nhiều vị trí thấm đột, hư hỏng, số vồng ngói, các chi tiết hoa văn đắp vẽ cũng đã thay đổi nhiều lần trong lịch sử, bạc màu, nhiều vị trí bị sứt, mòn, biến dạng. Hệ tường bao che bị ẩm, thẩm, xuất hiện nhiều vết nứt nhỏ,…

Thực hiện nghi thức khởi công dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu

Quan điểm, nguyên tắc tu bổ phục hồi di tích cơ bản thực hiện đồng thời duy trì về giá trị và chức năng của di tích, mọi hoạt động can thiệp, tu bổ, bảo tồn đều được tính toán trên cơ sở tôn trọng lịch sử, đảm bảo tính khoa học và khách quan, bảo tồn kiến trúc gắn với tổng thể cảnh quan vốn có xung quanh di tích, giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến kết cấu đảm bảo sự ổn định lâu dài cho di tích.
Nguyên tắc cơ bản bảo tồn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế sự can thiệp, can thiệp tối thiểu tránh làm thay đổi những đặc điểm cơ bản tạo nên giá trị di tích, các giải pháp đề xuất đều dựa trên các cơ sở, căn cứ xác thực, không dựa trên các giả thuyết. 
Quy mô đầu tư tập trung vào các nội dung chính gồm: Xây dựng nhà bao che phục vụ thi công tu bổ và bảo quản di tích; đảm bảo giao thông dân sinh và phục vụ khách tham quan trong quá trình tu bổ; Tu bổ Chùa Cầu gồm gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình.
Số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ và công tác tu bổ; tổ chức hội thảo, tọa đàm, lập hồ sơ khoa học; Tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật bao gồm điện chiếu sáng cảnh quan; chống sét; PCCC; mạng internet; hệ thống camera an ninh;…

Du khách tham quan và dự Lễ khởi công dự án 

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, kết quả của công tác chuẩn bị Dự án là vậy, nhưng công tác triển khai thi công vào thực tiễn càng có ý nghĩa quan trọng hơn, là yếu tố then chốt quyết định cho thành công của dự án, nhất là đối với một dự án tu bổ di tích đặc biệt như Chùa Cầu. 
Ông Hồng cũng đề nghị, sau lễ khởi công hôm nay, tchính quyền TP Hội An và các cơ quan chức năng, ngành chuyên môn ở tỉnh, Thành phố phát huy những kết quả đã đạt được tiếp tục nỗ lực chỉ đạo, tổ chức quản lý, triển khai thi công trình đạt hiệu quả cao nhất về mọi mặt. Trong đó, cần quán triệt xuyên suốt và vận dụng linh hoạt những quan điểm, nguyên tắc cơ bản cũng như từng giải pháp về khoa học, kỹ thuật mà quá trình chuẩn bị dự án đã đề ra. Quá trình tham gia thực hiện cũng cần tranh thủ học hỏi, tiếp nhận kỹ thuật, kinh nghiệm nhất là từ các chuyên gia Nhật Bản để phục vụ công tác bảo tồn lâu dài giá trị DSVHTG Đô thị cổ Hội An. 
Đồng thời bày tỏ tin tưởng dự án sẽ được tu bổ đạt kết quả tốt nhất, chất lượng khoa học cao nhất, những giá trị của di tích sẽ được bảo tồn một cách chân xác, toàn vẹn và đảm bảo bền vững lâu dài trong tương lai. 

Dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) được HĐND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/NQ-HĐND (ngày 19.2.2021); UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 153/QĐ-UBND (ngày 13.01.2022); UBND TP Hội An phê duyệt Thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở tại Quyết định số 1403/QĐ-UBND (ngày 5.10.2022). Tổng mức đầu tư 20,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam (50%) và UBND TP Hội An (50%). Thời gian thực hiện dự án năm 2021-2023. Thời gian thi công 360 ngày
Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư; Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An quản lý dự án; Trung tâm Tư vấn Bảo tồn Di tích – thuộc Viện Bảo tồn Di tích tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và Thiết kế triển khai sau nghiên cứu khả thi; Công ty TNHH MTV Thiết kế và Xây dựng Mỹ Gia tư vấn giám sát;  Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Kim An, Công ty CP Xây dựng Lục Phú Gia và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Tư vấn kỹ thuật nền móng công trình thi công xây lắp (tu bổ).

KHÁNH CHI

Print
Tags: Di sản

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top