Huế xây dựng phương án mô hình các đơn vị hành chính khi lên Thành phố trực thuộc Trung ương

VHO- Các phương án về mô hình đơn vị hành chính cũng như tên gọi khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương đã được nhiều chuyên gia, đại biểu quan tâm thảo luận tại hội thảo “Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án mô hình các đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương” vừa được tổ chức chiều ngày 29.12.

Huế xây dựng phương án mô hình các đơn vị hành chính khi lên Thành phố trực thuộc Trung ương - Anh 1

Toàn cảnh hội thảo 

Trên cơ sở nhiệm vụ lập Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 646/QĐ-TTg ngày 15.05.2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các thủ tục liên quan để lập quy hoạch. Tuy nhiên, trong điều kiện các quy định hướng dẫn lập quy hoạch vẫn còn một số điểm mới, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt… nên tiến độ lập quy hoạch chậm trễ so với kế hoạch đề ra.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như tốc độ đô thị hóa chậm; công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển và chưa thể hiện rõ bản sắc của Thừa Thiên Huế; công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn chậm; hạ tầng thiếu đồng bộ; các ngành kinh tế có lợi thế, lĩnh vực văn hóa- xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chưa giải quyết tốt mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển...

Chính vì thế, công tác tổ chức lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn; đồng thời, là cơ sở để tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai, và trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị...

Huế xây dựng phương án mô hình các đơn vị hành chính khi lên Thành phố trực thuộc Trung ương - Anh 2

Theo kế hoạch, Thành phố Huế sẽ được chia làm 2 quận phía Bắc và phía Nam lấy sông Hương làm ranh giới

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn các chuyên gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế trong việc tổ chức lập quy hoạch của tỉnh; cũng là cơ sở để chọn mô hình đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp, đảm bảo giữ được nét đặc sắc của một đô thị có đặc thù về di sản mà vẫn đảm bảo những tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định.

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện; có 141 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 95 xã, 39 phương và 7 thị trấn. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng các phương án thành lập đơn vị hành chính cũng như tên gọi khi tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ, việc thành lập đơn vị hành chính khi tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo 4 nguyên tắc: tôn trọng hiện trạng, xem xét các yếu tố lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, đặc điểm tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương; không phát sinh thêm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và hạn chế sự xáo trộn giữa các đơn vị hành chính; đảm bảo các tiêu chuẩn về đơn vị hành chính, tiêu chí về phân loại đô thị và tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị ở khu vực thành lập quận, phường; mở rộng hợp lý phạm vi các quận, phường nhằm hướng đến mục tiêu phát triển vùng lõi nội thị của Thành phố trực thuộc Trung ương...

Về mô hình các đơn vị hành chính, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng 2 phương án. Phương án 1 với 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện; trong đó, thành phố Huế hiện tại sẽ được chia thành 2 quận theo vị trí địa lý phía Bắc và phía Nam sông Hương, đồng thời thành lập thêm quận Hương Thủy (từ thị xã Hương Thủy) và 4 huyện gồm Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, và huyện mới được sáp nhập từ 2 huyện Nam Đông và Phú Lộc.

Phương án 2 (với 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện) như phương án 1 và giữ nguyên thị xã Hương Thủy. Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình các đơn vị hành chính theo phương án 1 là phù hợp cho Thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, quận Hương Thủy mới thành lập được quy hoạch với vai trò đảm nhận chức năng dịch vụ phức hợp của trung tâm chức năng công nghiệp, là cửa ngõ phía Nam của đô thị trung tâm Huế; cung cấp dịch vụ công cộng cho thành phố Huế và khu vực Hương Thủy; phát triển các chức năng cư trú, công nghiệp, du lịch, dịch vụ; là đầu mối giao thông của thành phố với khu vực và thế giới...

Huế xây dựng phương án mô hình các đơn vị hành chính khi lên Thành phố trực thuộc Trung ương - Anh 3

Các đại biểu góp ý về quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế

Về tên gọi cũng có hai phương án: Thành phố Huế và Thành phố Thừa Thiên Huế. Song, nhiều đại biểu cho rằng danh xưng “Thừa Thiên Huế” không được sử dụng một cách phổ biến như tên gọi “Huế” và cũng ít được mọi người biết đến hơn. Về lịch sử, tên gọi “Huế” đã xuất hiện từ rất sớm và đã từng là thành phố trực thuộc Trung ương thời vua Nguyễn với vai trò kinh đô, cùng với Sài Gòn và Hà Nội trở thành 3 trung tâm của đất nước. Trong khi theo lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế, tên gọi “Thừa Thiên Huế” chỉ chính thức xuất hiện từ năm 1989, sau khi Quốc hội khóa VIII ban hành nghị quyết chia tách tỉnh Bình - Trị - Thiên thành 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị.

Danh từ “Huế” sẽ thuận lợi rất nhiều trong giao dịch quốc tế, vì bản thân từ “Huế” vừa ngắn gọn, dễ nghe, dễ đọc, dễ nhớ và mang âm sắc đặc trưng của một vùng đất nổi tiếng. Tên gọi “Huế” đã đại diện đầy đủ cho vùng đất Thừa Thiên Huế. Dự kiến, đầu năm 2023, UBND tỉnh sẽ lấy ý kiến cộng đồng rộng rãi về phương án mô hình đơn vị hành chính và tên gọi khi tỉnh lên Thành phố trực thuộc Trung ương.

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc